Linh thiêng Mẹ Nam Hải Bạc Liêu

(PLVN) - Cách thành phố Bạc Liêu khoảng 8km là một ngôi chùa nổi tiếng với tên gọi Quan Âm Phật đài Mẹ Nam Hải (thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu). Đây là một công trình có giá trị văn hóa tâm linh nổi bật của người dân nơi đây. Khách du lịch có thể đến cầu may mắn hay tận hưởng giá trị thiêng liêng mà nơi đây mang lại.
Tượng Mẹ Quan âm Nam Hải - Bạc Liêu.

Bạc Liêu, vùng đất hoang vu xưa được khẩn hoang bởi những con người với trái tim cháy bỏng khát vọng tự do. Bằng đôi tay, khối óc, những con người của vùng đất này đã làm chủ thiên nhiên, bắt đất sinh hoa, kết trái, tạo sự trù phú cho vùng đất ở cuối trời này. 

Bạc Liêu – dải đất gần cuối cùng của đất nước, nơi dòng hải lưu Bắc – Nam tích tụ phù sa bồi lắng, đã hình thành nên vùng đất màu mỡ, phì nhiêu giáp biển Đông. Không chỉ có thiên nhiên trù phú, tươi đẹp, Bạc Liêu còn là vùng đất của văn hóa tâm linh, là nét đẹp tâm linh tín ngưỡng văn hóa truyền thống dân gian.

Du khách xuôi về phường Nhà Mát để thực hiện một chuyến cầu an ngay tại khu Phật bà Nam Hải – công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng tại tỉnh này. Khu Quán Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải) nằm trên phường Nhà Mát được xây dựng từ năm 1973, khu Phật Bà Nam Hải là một công trình kiến trúc - văn hóa - tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. 

Cổng vào Khu du lịch tâm linh Quan âm Phật đài Mẹ Nam Hải - Bạc Liêu.   

Quan âm Phật đài Mẹ Nam Hải còn có tên gọi khác là Bồ Tát Quán Thế Âm, hay giản dị hơn như người dân vẫn gọi là là Mẹ Nam Hải Bạc Liêu. Đến Mẹ Nam Hải, du khách choán ngợp trước bức tượng Mẹ Nam Hải cao 11 mét, đứng sững sững uy nghi trên đài sen trắng khổng lồ, giữa không gian thoáng đãng rộng hàng chục hecta, mặt Mẹ Nam Hải hướng ra biển Đông lộng gió.

Mẹ Nam Hải khuôn mặt hiền từ, trang nghiêm, tay cầm bình hồ lô đựng nước cam lồ. Tà áo vờn bay trong gió biển hiền hòa. Đài sen nơi Mẹ Nam Hải đứng cao quá đầu người với nhiều bậc cấp để các phật tử và du khách dâng hương hoa chiêm bái. 

Tượng Mẹ Nam Hải Bạc Liêu uy nghi, hiền từ tay cầm bình nước cam lồ, mặt hướng ra cửa biển.  

Vùng đất nơi khu di tích Mẹ Nam Hải là nơi cửa biển, được thiên nhiên hào phóng ban tặng bạt ngàn là gió, gió lớn hơn so với nhiều vùng cửa biển - chính vì vậy Nhà nước đã đầu tư xây dựng Điện gió Bạc Liêu trở thành “đặc sản” du lịch thu hút du khách gần xa.

Nhưng từ xa xưa kia, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển thì cuộc sống của người dân nơi đây chru yếu chỉ dựa vào chài lưới, đời sống của họ bấp bênh theo thời tiết, theo dòng nước thủy triều. Trời yên bể lặng thì ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống của họ sung túc, ấm no; ngược lại nếu thời tiết không ủng hộ, bão gió thì gia đình có nguy cơ đứt bữa, thậm chí có khi tính mạng của ngư dân có khi bị đe dọa…

Nghèo khổ, vất vả, họ chỉ còn biết dựa vào niềm tin ở tâm linh, cầu trời khấn phật cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Đó cũng  là lý do vào năm năm 1973, một tín đồ phật tử đã phát tâm bồ đề xây dựng tượng Phật Bà tay cầm hồ lô rưới nước cam lồ ban phước cho các ngư dân ra khơi được trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang. Phật Bà đó chính là Quan Âm Phật đài Mẹ Nam Hải hiện nay.  

Công trình núi Quan Âm trong Khu tâm linh Mẹ Nam Hải.  

Khi đó, tượng Phật Bà tọa lạc giữa hoang vu rừng mắm, bạt ngàn rừng đước, triều lên nước bao vây tứ phía. Rồi như ý trời, qua thời gian sóng biển bồi lấn tự nhiên, càng ngày mảnh đất nơi đặt tượng Phật bà càng được bồi đắp lớn, thành vùng đất bằng phẳng rộng rãi. Để tỏ lòng thành kính, biết ơn Phật Bà, hàng năm ngư dân tổ chức lễ hội vào 3 ngày 22, 23 và 24 tháng 3 âm lịch.

Đến năm 2004, với sự cúng dường của các Phật tử, khu Phật bà Nam Hải được xây dựng lại, mở rộng 25.000m2 trong diện tích 6 hecta với nhiều hạng mục để phát triển thành điểm đến du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Ngoài tượng Phật đài Mẹ Nam Hải nằm ở chính giữa khu di tích, phía bên trái còn có điện Quán Âm – dãy nhà rộng lớn được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.

Phía bên phải tượng Phật Bà, đối diện với điện Quán Âm là điện Địa Tạng. Điểm nhấn của khu di tích nằm ở phía bên tay trái Phật đài Mẹ Nam Hải, chếch phía sau điện Địa Tạng, đó là công trình núi Quán Âm với kiến trúc đậm nét Phật Giáo. Công trình núi Quán Âm cao 45m, rộng 90m sừng sững giữa đất trời hiện các hạng mục đang được gấp rút hoàn thiện để phục vụ du khách gần xa về chiêm bái.

Khu nhà đón tiếp du khách trong công trình Quan Âm Phật đài.  

Lễ hội Quán Âm Nam Hải vào ba ngày 22, 23 và 24 tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội Phật giáo lớn của tỉnh Bạc Liêu và được nhiều người biết đến cũng như được công nhận là một lẽ hội chính thức của Phật giáo. 

Đến thăm Quán âm Phật đài Mẹ Nam Hải tỉnh Bạc Liêu khách du lịch sẽ tìm được sự bình yên trong tâm hồn từ pho tượng phật Quan Thế Âm mang lại. Đối với người dân Bạc Liêu ngày nay, Phật Bà Mẹ Nam Hải không chỉ là đấng linh thiêng mang lại bình an, phù hộ cho cuộc sống của họ may mắn, thuận hòa mà còn là niềm tự hào, là biểu tượng của miền đất Bạc Liêu linh thiêng, giàu đẹp, thanh bình… 

Đọc thêm