Linh thiêng tháp cổ nơi biên cương xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháp cổ ở bản Yên Hòa (huyện Kỳ Sơn) chứa đựng bí mật cả nghìn năm nay. Đây cũng là bảo tháp linh thiêng đối với bà con dân tộc Thái ở xã biên giới Nghệ An. Tháp cổ huyền bí bởi những câu chuyện tâm linh gắn liền với cuộc sống người dân địa phương.
Tháp cổ Yên Hòa cao hàng chục mét sừng sững giữa đại ngàn.
Tháp cổ Yên Hòa cao hàng chục mét sừng sững giữa đại ngàn.

Huyền bí tháp cổ

Yên Hòa là một trong những bản xa nhất của xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nằm biệt lập bên dòng Nậm Nơn chảy xiết. Từ trung tâm huyện, phải vượt gần 60 km đường rừng để đến bản này.

Đúng như tên gọi, bản Yên Hòa tĩnh mịch, không khí thoáng đãng. Phong cảnh hữu tình của vùng biên ải trở thành điểm thu hút nhiều du khách. Trên đỉnh núi xa, một ngọn tháp cổ với lối kiến trúc cổ xưa rất hiếm gặp ở Việt Nam thấp thoáng giữa những nếp nhà sàn của bản làng ven sông.

Theo người dân bản địa, tháp cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Nơi đây từng có một ngôi chùa, có nhiều vị sư tu hành và truyền bá đạo Phật. Tháp tọa lạc trên nền đất rộng, có chiều cao khoảng 30m, được xây dựng bằng gạch đặc trộn mật.

Tháp cao, chân tháp lớn và nhỏ dần theo từng tầng, phía trên cùng vót lại. Kiến trúc tháp mang đậm phong cách Phật giáo, có sự kết hợp hài hòa giữa uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã. Các hoa văn được thiết kế cầu kỳ, tinh xảo nhưng tiếc thay đã bị bong tróc, đứt đoạn. Xung quanh thân tháp, các tượng Phật đầu đội mũ, hai tay chắp trước ngực, thần thái khoan thai không dính bụi trần.

Già làng Kha Văn Thảo (91 tuổi, trú tại bản Yên Hòa) bật mí về những câu chuyện linh thiêng, huyền bí liên quan đến tháp này. Theo già Thảo: “Kẻ phá hoại tháp và trộm tượng phật đều bị quả báo hết”. Lúc già còn nhỏ, vào buổi tối nhìn lên tháp sẽ thấy “mắt ngọc” chiếu ánh sáng lấp lánh. Nhưng rồi một người ở dưới xuôi lên Mỹ Lý công tác đã dùng súng AK bắn vỡ “mắt ngọc”. Sau đó, ông này bị mù khiến dân làng xôn xao.

Nhìn về phía thân tháp, già Thảo tiếp chuyện, năm 1986, tháp hư hỏng nặng, nguy cơ đổ sập cũng một phần do kẻ xấu trộm tượng Phật. Nơi nào có hoa văn là nơi chúng đục thủng tìm cổ vật, từ chân tháp lên đỉnh có đến hơn 20 lỗ.

Tòa tháp cổ ngày một hư hại, do đó chính quyền đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và du khách tham quan.Tòa tháp cổ ngày một hư hại, do đó chính quyền đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và du khách tham quan.

Chắp tay cúi đầu khấn lạy những tượng Phật còn sót lại được đặt trên bàn thờ dưới gốc bồ đề, già Thảo nhắm mắt như suy tư, như hồi tưởng chuyện xưa. Già kể: Đây là tượng Phật do một người đàn ông ở huyện Đô Lương (Nghệ An) lên Mỹ Lý công tác sinh lòng tham trộm tượng. Nhưng khi đưa về dưới xuôi thì gia đình ông này liên tiếp gặp nạn. Nhiều đêm ông mơ thấy điều lạ và bị thần thánh quở trách. Sau đó, gia đình ly tán, tai ương xảy ra. Do đó, ông quyết định trả lại tượng Phật. Khi ra tháp, ông đó còn hốt hoảng quỳ xuống vái lạy và đem tượng trong ba lô ra đặt vào trong tháp.

Chưa hết, lại có câu chuyện hai thanh niên địa phương hám lợi chui vào trong tháp lấy tượng Phật đem bán liền bị quả báo. Một người chết trôi sông, người còn lại bị chết cháy khi đang làm nương rẫy. Chẳng biết tính xác thực đến đâu hay chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng tương truyền ấy càng khiến người dân Yên Hòa xem tháp cổ linh thiêng nên giờ đây không ai dám đến trộm đồ hay phá tháp nữa.

Cạnh tháp cổ là cây bồ đề trăm tuổi. Theo các bậc cao niên ở bản Yên Hòa, dù cây bồ đề hàng trăm tuổi nhưng đây chỉ là cây con. Cây mẹ đã chết từ trăm năm trước, cây con lớn lên bao phủ, che chắn gió táp mưa sa để tháp trường tồn. Dưới tán bồ đề vào ngày rằm hay mồng một hằng tháng, người dân bản Yên Hòa và các bản khác trong vùng thường mang lễ vật, hương nhang, đèn nến đến cầu bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa.

Nhiều năm qua, tháp cổ trở thành điểm tựa tâm linh của người dân miền sơn cước. Bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở các bản trong xã đều coi tháp cổ và tượng Phật là những báu vật linh thiêng của vùng đất này nên ngày lễ, tết họ đến thắp nhang cầu cho được mùa lúa, mùa ngô. Hay nếu khi người dân bị hạn hán cũng đến thắp hương cầu mưa, bị bệnh dịch cũng đến thắp hương xin an lành.

Hướng tới điểm du dịch tâm linh cộng đồng

Người dân mong muốn tháp cổ sớm được trùng tu để trở thành điểm tham quan, du lịch tâm linh hấp dẫn.Người dân mong muốn tháp cổ sớm được trùng tu để trở thành điểm tham quan, du lịch tâm linh hấp dẫn.

Theo thời gian, tòa tháp cổ này ngày một hư hại bởi mưa gió, sự tác động tiêu cực của con người. Do đó, chính quyền xã Mỹ Lý đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và du khách tham quan. Đồng thời, xã cũng đã kiến nghị các cấp, các ngành liên quan có phương án bảo tồn tháp. Tuy nhiên, hiện nay những biện pháp bảo vệ, bảo tồn tháp cổ vẫn chưa được triển khai.

Dù vậy, công trình độc đáo này vẫn thu hút khá nhiều người đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Không ít người đã vượt chặng đường xa đến bản Yên Hòa để chiêm ngắm tháp cổ. Chính quyền và người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng sớm trùng tu tháp cổ này để giữ lại nét văn hóa của người dân.

Ông Phan Văn Mạnh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ, tháp cổ tại bản Yên Hòa có nhiều tượng Phật bằng đồng được xếp xung quanh và 11 tượng phật bằng đồng khác được giấu phía trong tòa tháp. Trên đỉnh ngự một viên xá lợi màu xanh da trời hay còn gọi là “mắt ngọc”. Nhưng giờ đây, tháp phủ rêu phong lẫn bụi bặm thời gian, nguy cơ đổ sập. Vấn đề lớn hiện nay là do chưa được xếp hạng di tích nên việc bảo tồn tháp gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã có văn bản đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo tháp theo nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do kinh phí không có nên việc tu bổ, tôn tạo tháp được huyện Kỳ Sơn chia làm nhiều giai đoạn. Hiện chính quyền đang thực hiện một số phương án tạm thời để bảo vệ tháp cổ.

Xác định tháp cổ là điểm nhấn văn hóa tại địa phương, là điểm du lịch tâm linh nên chính quyền và người dân nơi đây luôn ý thức trong việc bảo tồn ngọn tháp này. Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn Vi Hòe cho hay, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã và đang trở thành quần thể du lịch sinh thái, bởi thế huyện rất muốn tháp cổ ở Mỹ Lý sẽ được tôn tạo để trở thành một điểm du lịch cho du khách ghé thăm khi về với huyện biên giới này. Đặc biệt, bản Yên Hòa hiện đang là một trong những địa điểm phát triển du lịch cộng đồng mạnh của địa phương, khi ngọn tháp được tôn tạo, nơi đây sẽ càng thu hút du khách thập phương đến khám phá miền Tây xứ Nghệ.

Đọc thêm