Có 3 lý do giải thích thực tế này. Thứ nhất, cầm quyền bằng sắc lệnh hành pháp của Tổng thống là cách thức cầm quyền đơn giản và dễ dàng nhất đối với Tổng thống đương nhiệm bởi không lệ thuộc vào sự chấp thuận của quốc hội. Chỉ tòa án mới có thể ngăn cản Tổng thống sử dụng sắc lệnh hành pháp. Nhưng ngay cả khi bị toà án ngăn cản thì tổng thống vẫn có thể đưa ra sắc lệnh hành pháp khác với chủ ý tương tự.
Hiện tại, phe Đảng Dân chủ của ông Biden chiếm đa số ở Hạ viện và 50 trong tổng số 100 ghế ở Thượng viện. Phó Tổng thống Kamala Harris trên cương vị Chủ tịch Thượng viện có thể giúp phe Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Thượng viện. Nhưng phía Đảng Cộng hòa vẫn không thiếu cách để gây khó và bất hợp tác với phe Đảng Dân chủ trong quốc hội, có thể hủy hoại cả chương trình cầm quyền của ông Biden.
Thứ hai, nước Mỹ hiện có quá nhiều vấn đề đối nội cấp thiết cần được giải quyết trong khi quốc hội cần nhiều thời gian mới thông qua được luật. Ông Biden lại có nhu cầu phải hành động ngay vì đã cam kết và tuyên bố như thế, nhưng cũng còn vì không hành động ngay thì sẽ càng khó giải quyết được các vấn đề.
Chẳng hạn như cấp bách hàng đầu đối với nước Mỹ và chính quyền của ông Biden bây giờ là đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Dịch bệnh đã quá trầm trọng và nghiêm trọng ở nước Mỹ và đối với nước Mỹ. Không đẩy lùi được dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, ông Biden không thể trấn an được dân Mỹ và khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh sẽ giúp ông Biden gia tăng được mức độ tin cậy và tín nhiệm trong cử tri Mỹ, thể hiện sự khác biệt so với chính quyền của người tiền nhiệm về năng lực cũng như bản lĩnh lãnh đạo đất nước, tạo ra được tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện thành công những nội dung khác trong chương trình cầm quyền của mình. Hiện tại, chỉ dùng quyết định hành pháp của tổng thống mới có thể giúp ông Biden đồng thời đạt được những mục tiêu này.
Thứ ba, ông Biden tuyên bố khi lên cầm quyền sẽ lật ngược nhiều quyết sách của người tiền nhiệm. Người tiền nhiệm này lại cầm quyền bằng quyết định hành pháp của Tổng thống là chính chứ không phải bằng luật. Vì thế, ông Biden cũng chỉ cần dùng quyết định hành pháp của Tổng thống để lật ngược chúng chứ không cần phải dùng đến luật.
Qua những quyết định trong những ngày cầm quyền đầu tiên vừa qua của ông Biden có thể thấy được hình hài và định hướng đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của ông Biden. Đối nội được ông Biden hiện tại coi trọng và ưu tiên hơn đối ngoại đơn giản vì chuyện đối nội cần được xử lý cấp thiết hơn và nếu không nhanh chóng xử lý được ổn thoả thì ông Biden sẽ không có được vị thế thuận lợi để xử lý mọi chuyện đối ngoại theo hướng có lợi nhất cho nước Mỹ và cho chính mình. Những quyết sách của người tiền nhiệm không bị ông Biden lật ngược tất cả mà chỉ ở mức độ đủ cũng như trong những chuyện có giá trị biểu trưng cao để giúp ông Biden gây dựng hình ảnh về thời kỳ mới khác biệt cơ bản so với thời kỳ trước.
Người ngoài có thể thấy ông Biden chủ ý làm bên ngoài tin rằng nước Mỹ đang được ông Biden đưa trở lại với thế giới và thế giới lại có thể tin tưởng vào cam kết đa phương của Mỹ. Ông Biden đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp ước Paris về bảo vệ khí hậu trái đất. Ông Biden thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin gia hạn hiệu lực của Hiệp ước New Start về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ tham gia trở lại thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran nếu Iran tiếp tục tuân thủ nó. Những cuộc điện đàm đầu tiên của ông Biden với lãnh đạo một số nước cũng cho thấy ông Biden dành ưu tiên đối ngoại hàng đầu cho quan hệ của Mỹ với các nước láng giềng, đồng minh quân sự chiến lược: Canada, Mexico, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nato, Nhật Bản. Chỉ với Trung Quốc, ông Biden tiếp tục định hướng chính sách của người tiền nhiệm.