“Chặt, chém” thập diện mai phục
Anh Phạm Văn Long (quận 7, TP HCM) bực tức khi vừa đi du lịch 2 ngày về và chịu đủ các chiêu trò “chặt, chém” nơi đây. Khi ngồi ngắm biển, có một người gánh hàng rong đến mời mua ghẹ, tôm tít, ốc luộc. Anh và bạn đồng ý ăn mà chủ quan không hỏi giá tiền.
Khi tính tiền, anh Long choáng váng khi 2 con ghẹ nhỏ, đĩa ốc bươu, đĩa tôm tít trộn tôm sú, một số bánh chiên giá 2,1 triệu đồng. Trước sự thắc mắc giá vô lý của anh Long, người bán hàng quắc mắt: “Ăn ngập mặt có 2,1 triệu mà không trả hay muốn ăn đòn?”.
Một bạn có nickname Hoang Yen Lee kể lại trên trang cá nhân, một nhóm bạn Trung Quốc của cô vào một nhà hàng có tiếng tại một khu du lịch. Khi ăn xong, hóa đơn lên tới hơn 8 triệu đồng cho 5 người ăn. Theo hóa đơn, một kg tôm sú giá 1,4 triệu đồng, tu hài là 850 nghìn đồng, lon coca 30 nghìn đồng...
“Tại sao các bạn không nghĩ các bạn sẽ có những vị khách quen và có thu nhập lâu dài từ lượng khách này thay hành xử như vậy. Mấy triệu đủ nuôi sống các bạn bao lâu để rồi nhắc đến du lịch Việt Nam người ta đã cảm thấy chán ngán” - Hoang Yen Lee bức xúc...
Không chỉ các nhà hàng, các khách sạn cũng mạnh tay “xử” khách. Vào dịp 30/4 - 1/5 tới, tại nhiều điểm du lịch, hầu hết khách sạn đã “cháy” phòng. Giá phòng đã bị đẩy lên cao dù địa phương quy định không được tùy tiện tăng giá vượt mức quy định.
Một nhà nghỉ ở Sa Pa cho biết, mức giá mỗi đêm tại đây là 2 - 4 triệu đồng/phòng, trong khi trước đó chỉ từ trên dưới 1 triệu đồng. Anh Ngọc Lý (Hà Nội) buồn bã nhớ lại lần đi du lịch năm trước. Anh đã đặt phòng khách sạn tại Sa Pa. Đến nơi, anh Lý tá hỏa khi lễ tân nói khách sạn đã “cháy” phòng và họ trả lại tiền đặt cọc của anh.
Tìm hiểu lý do mình bị “cướp phòng”, đó là khách sạn đã lấy phòng của anh để cho thuê lại giá gấp 2 - 4 lần. Họ chỉ trả anh tiền đặt cọc và một lời xin lỗi bâng quơ. Hậu quả, vợ chồng, con cái anh phải ngủ dưới đất khi ở nhờ nhà người dân địa phương…
Thủ thế số điện thoại để chống chặt chém
“Mài dao cả năm, chặt chém ba tháng hè” là câu nói cửa miệng của một số người làm dịch vụ tại các điểm du lịch. Câu nói đi kèm hành động ấy đã làm du khách thấy hoảng sợ, là nỗi ám ảnh mỗi khi đi du lịch và làm xấu hình ảnh đất nước với bạn bè
quốc tế. Đây là việc không mới nhưng dường như cơ quan quản lý đang “làm ngơ” với vấn nạn làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt. Cách xử phạt đối với các nhà hàng, khách sạn ba phải, “dĩ hòa vi quý”, như “chổi lông gà quét bã cao su” càng làm nạn “chặt, chém” hoành hành.
Trước sự bức xúc của du khách, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Lửa Việt Tours đề xuất, các cơ quan chức năng cần tăng mức xử phạt lên gấp 10 lần số tiền “chặt, chém” và rút giấy phép kinh doanh, nếu cần thì cấm hành nghề vĩnh viễn. Các cơ quan quản lý phải có chế tài buộc các hộ buôn bán niêm yết giá, cam kết chất lượng. Đường dây nóng của địa phương cần phải hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Bên cạnh đó, địa phương nào để xảy ra vấn nạn “chặt, chém”, với vi phạm lần đầu có thể cảnh cáo chủ tịch và trưởng công an, lần thứ hai sẽ xem xét hạ bậc lương, lần thứ ba có thể dùng đến hình thức cách chức.
Trong khi đợi sự mạnh tay của chính quyền, trước mắt, những du khách cần trang bị kiến thức để “né” được nạn “chặt, chém”. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đưa ra lời khuyên, trước khi sử dụng bất kỳ một dịch vụ nào, du khách nên hỏi kỹ thông tin về giá cả và những chi phí phát sinh kèm theo. Ngoài ra, những vật dụng cần thiết nếu có thể nên chuẩn bị trước mang theo, hạn chế mua dọc đường dễ bị lừa bán hàng rởm hoặc giá cắt cổ. Nếu cần phải mua vật dụng (áo quần bơi, phao bơi, kem chống nắng, mỹ phẩm, bánh sữa…) nên tìm các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua sẽ hạn chế được nạn “chặt, chém” vô tội vạ.
Ngoài những biện pháp tự vệ thông thường, du khách cần chuẩn bị sẵn một số số điện thoại cần thiết, như số điện thoại đường dây nóng cảnh sát 113, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch địa phương, số điện thoại công an địa phương… để gọi điện khi cần.