Loạt chính sách đẩy mạnh vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Thời gian qua, nhiều chỉ thị, chính sách được ban hành góp phần thúc đẩy Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 ngày 19/05/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, ngày 26/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28 về tăng cường thực hiện cuộc vận động trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

Cùng với đó là đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Thực hiện Hướng dẫn số 49 của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 4/8/2022, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 08 về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

3 mục tiêu hướng đến gồm: Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa; xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp ngành Công Thương và người dân trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ hai, thông qua tuyên truyền, góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Chỉ thị số 03 của Ban Bí thư, nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên thuộc các tổ chức Đảng ngành Công Thương trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa.

Thứ ba, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách của ngành Công Thương thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì mục tiêu phát triển ngành Công Thương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng nhiều hình thức phù hợp tới các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân nhằm khuyến khích và ưu tiên mua các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

5 nhiệm vụ trọng tâm cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' năm 2023

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ban hành Kế hoạch số 710 về Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023.

Mục đích của Kế hoạch, thông qua các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương về các nội dung Cuộc vận động theo Thông báo 264 ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 03 ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Kế hoạch, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tập trung vào 5 trọng tâm sau:

Thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 03-CT/TW và Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các trụ cột: Đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; có cơ chế chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế để kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam; Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau...

Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu đúng và nâng cao trách nhiệm thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chuyển đổi số và khai thác có hiệu quả các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Chương trình “Make in Việt Nam”, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”...

Ba là, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. Tổ chức các hình thức bình chọn sản phẩm chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh và phân phối.

Bốn là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra: Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Năm là, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Thường xuyên thông tin về các thương hiệu quốc gia, các nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với chương trình “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; tổ chức giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp, làng nghề của địa phương.