Lời tiên tri chính xác sau hàng thế kỷ của Thiền sư Định Không

(PLO) -Thông qua những câu sấm truyền, nhiều bậc vĩ nhân của lịch sử Việt Nam đã tiên đoán chính xác những sự kiện diễn ra sau hàng thế kỷ.
Tượng đá thờ Thiền sư Định Không
Tượng đá thờ Thiền sư Định Không

 Có thể kể đến sự việc giải đoán hậu vận đất nước của Thiền sư Định Không (?-808) –  người xuất thân từ một dòng tộc quyền quý họ Nguyễn, ở hương Cổ Pháp, Bắc Ninh.

Bậc đại sư tinh thông thế số

Tương truyền, lúc tuổi đã lớn, Sư Định Không đến pháp hội Long Tuyền Nam Dương nghe pháp, liền lãnh hội ý chỉ. Nhân đây Sư phát tâm xuất gia theo Phật. Thiền sư là một trong 3 thiền sư thuộc thế hệ thứ 8 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, tu hành ở chùa Thiện Chúng, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. 

Sử sách ghi lại rằng ông là người am hiểu thế số, hành động đúng pháp tắc biết đoán định tương lai.Tương truyền, khi tiến hành xây chùa Quỳnh Lâm, lúc mới đào đất đắp nền đã phát hiện 1 cái ly hương và 10 cái khánh. Sau đó, nhà sư sai người đem xuống sông rửa sạch. Không may, một cái khánh bị rơi xuống tận đáy sông.

Thiền sư Định không cho rằng đây là điềm báo tốt, liền nói với mọi người: Chữ Thập, chữ Khẩu hợp thành chữ Cổ. Chữ Thuỷ, chữ Khứ hợp thành chữ Pháp. Chữ Thổ chỉ làng đang ở nên sư quyết định đổi tên làng mình từ Diên Uẩn thành Cổ Pháp. Kế đó, sư tụng rằng: Hiện ra pháp khí/ Mười hai chuông đồng/ Họ Lý làm vua/ Ba phẩm thành công.

Trong sách Thiền Uyển tập anh cho rằng, ngay từ thời điểm năm 785 đến 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thiền sư Định Không đã dự cảm được việc triều nhà Lý xuất hiện trong lịch sử nên đã làm mấy bài thơ tụng. Câu chuyện mang màu sắc huyền bí này lại gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Đài hay còn gọi là chùa Lục Tổ, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng đất Kinh Bắc:

“Thập khẩu thủy thổ khứ

Cổ Pháp danh hương hiệu

Kê cư loan nguyệt hậu

Chính thị hưng tam bảo.”

Câu “Kê cư loan nguyệt hậu” hiện dịch là “Gà ngồi lưng loan phượng” và cho rằng đây là lời sấm chỉ sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi năm Kỷ Dậu (1009). Tuy nhiên, câu sấm này trong một vài tài liệu lại lý giải rằng: “Gà” (Kê) vẫn là chỉ họ Lý. “Nguyệt” là mặt trăng, chỉ hướng Tây, đối lập với mặt trời chỉ hướng Đông.

Phía Tây thời kỳ này là đất Tĩnh Hải hay gọi là Đinh Bộ. Thời kỳ này có đồng tiền Thuận Thiên đại bảo mặt sau có chữ Nguyệt 月, và đồng tiền Đại Hưng bình bảo có chữ Đinh丁 ở mặt sau. Nguyệt và Đinh cùng có nghĩa là phần đất phía Tây, là vùng Tĩnh Hải quân.

“Loan” là chỉ triều đại của nước Đại Hưng từ Lưu Cung. “Kê cư loan nguyệt hậu” có thể hiểu là “Họ Lý ở vùng đất phía Tây sau thời Lưu Cung”, chỉ sự lên ngôi của nhà Lý ở vùng đất Tĩnh Hải sau thời kỳ nước Đại Hưng.

Cũng thiền sư Định Không còn một bài thơ sấm khác:

Pháp khí xuất hiện 

Thập khẩu đồng chung

Lý hưng vương

Tam phẩm thành công.

Dịch:

Pháp khí hiện ra

Khánh đồng mười tấm

Họ Lý làm vua

Tam phẩm thành công.

Chữ “tam phẩm” hiện được cho là Lý Công Uẩn đang ở chức hàm Tam phẩm mà lên ngôi vua. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng “Tam phẩm thành công” là 3 đời họ Lý mới nên nghiệp. Nếu hiểu vậy thì đây là ứng với chuyện từ Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông ẩn họ Lê, tới Lý Thánh Tông mới chính thức xưng vương và lấy quốc hiệu Đại Việt.

Trước khi qua đời, sư truyền lời tiên tri về hậu vận đất nước cho học trò như sau: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn”.

Hơn 60 năm sau, lời của ông đã linh ứng. Nhà Đường cử Tiết Độ Sứ Cao Biền sang cai trị, bóc lột nhân dân ta. Thâm độc hơn, chúng còn đến nhiều vùng đất, thế núi linh thiêng, nơi sẽ sinh người tài giỏi, trấn yểm triệt phá long mạch, trong đó có đất Cổ Pháp của sư Định Không. Một thế kỷ sau đó Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) chấm dứt tình cảnh loạn lạc, sáng lập ra nhà Đinh và nước Đại Cồ Việt, mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ của người Việt.

Đình Sấm – nơi thiền sư Đinh La Quý trồng cây gạo
Đình Sấm – nơi thiền sư Đinh La Quý trồng cây gạo

Tiên đoán sự ra đời của triều đại

Vị Thiền sư được nhắc đến là La Quý, người họ Đinh, cũng được lịch sử ghi nhận với khả năng tiên tri của mình. Thiền sư Đinh La Quý sinh năm 805, mất năm 936, người An Chân, nay là thôn Đồng Trực, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. 

Theo sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”của Giáo sư, Tiến sĩ, Thiền sư Lê Mạnh Thát (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001) viết: “Thuở nhỏ Đinh La Quý đã du phương học thiền khắp nơi nhưng không gặp duyên đạo, sắp thối chí thì gặp Thông Thiện tu ở chùa Thiện Chúng (làng Phù Ninh, phủ Thiên Đức, nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), La Quý khai ngộ thờ Thông Thiện làm thầy.

Khi Thiền sư Thông Thiện sắp viên tịch gọi Sư đến dạy rằng: “Xưa thầy ta là Định Không thường dặn ta rằng: Người giữ pháp ta, gặp người họ Đinh thì truyền, con đúng là người đó, ta đi vậy". Khi đã đắc pháp, Sư tùy phương diễn hóa, chọn đất dựng chùa, mỗi khi nói ra lời nào, tất là sấm phù (tiên đoán, biết trước)”.

Thiền sư La Quý còn được nhắc đến với câu chuyện tiếp tục bảo vệ “cuộc đất” vừa bị Cao Biền (quan nhà Đường) yểm theo lời truyền dặn của Thiền sư Thông Thiện trước khi mất. 

Truyền rằng Cao Biền vốn là người giỏi phong thủy, khi sang nước ta quan sát đã viết cuốn Địa lý Cao Biền cảo. Biết thế đất Cổ Pháp sẽ phát đế vương, Cao Biền đã cho đào 19 địa điểm để phá. 

Thiền sư La Quý đã cho lấp lại, đồng thời, quyên góp tài sản đúc một tượng Lục Tổ bằng vàng, chôn ở gần tam quan chùa, và dặn đệ tử: “Gặp vua sáng thì trao, gặp chúa tối thì giấu”. Đặc biệt, năm 936, trước khi thị tịch, thiền sư La Quý đã tự tay trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để nối long mạch, và dặn đệ tử sau này phải xây nền đắp tháp, nếu cần thì cất giữ tượng vàng Lục Tổ trong tháp đừng để kẻ khác thấy. Trồng xong cây gạo, thiền sư La Quý An để lại lời sấm rằng: 

“Đại sơn long đầu khỉ

Cù vĩ ẩn châu minh

Thập bát tử định thiền

Miên thọ hiện long hình

Thổ kê thử nguyệt nội

Định kiên nhật xuất thanh”

Dịch là:

“Đại sơn đầu rồng ngửng

Đuôi cù ẩn Châu minh

Thập bát tử định thành

Bông gạo hiện long hình

Thỏ gà trong tháng chuột

Nhất định thấy trời lên”

Do những từ “thập bát tử” ở câu số 3 là chiết tự của chữ Lý, nghĩa là họ Lý, nên bài thơ được diễn giải như sau: Đầu rồng hiện ở núi lớn / đuôi rồng giấu sự thịnh vượng / Họ Lý nhất định thành/khi cây gạo hiện hình rồng/ chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột / chắc chắn sẽ thấy mặt trời (vua) anh minh”. Và điều này đã ứng với sự ra đời của nhà Lý vào tháng 11 (tháng chuột) năm Kỷ Dậu (năm gà) 1009.

Thiền sư Đinh La Quý là người đã tiếp thu, hoàn thiện và phổ biến tư tưởng của Định Không "rất sành về thế số, giỏi về các khoa nghiên cứu lịch âm dương ngũ hành và phong thủy", khẳng định nước Việt ta có những vùng "địa linh" có khí tượng đế vương có thể sinh ra những bậc anh hùng xuất chúng, làm chủ đất nước sánh vai cùng những người làm chủ đất nước Trung Hoa. 

Đinh La Quý không chỉ nêu ra thuyết địa linh mà còn phản đối mạnh mẽ chính sách "yểm trừ những thế đất thiên tử" của Cao Biền, tự mình hoặc bảo người đi lấp lại những chỗ đất mà Cao Biền đã đào bới. 

Đánh giá về công lao của Đinh La Quý, sách “Lịch sử phật giáo Việt Nam” viết: “Khơi dậy và giáo dục ý thức độc lập cho toàn dân là một trong những thành công rực rỡ của nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam mà người đi đầu là Định Không và Đinh La Quý”.

Sách viết tiếp: "Tư tưởng địa linh do Định Không đề ra, La Quý hoàn thiện và phổ biến đã cung cấp một nền tảng lý luận vào thời điểm ấy. Đây là một đóng góp to lớn của La Quý với lịch sử dân tộc và Phật giáo".

(Còn nữa…)

Đọc thêm