Nhà Hồ thành lập vào tháng 2 năm Canh Thìn (1400) khi mâu thuẫn xã hội diễn ra trầm trọng, triều chính ngày càng đi xuống, tệ tham nhũng phát triển, gian thần hoành hành, nước yếu binh nhược trong khi các vua cuối đời Trần thì kém tài, có người còn ham mê rượu chè, cờ bạc, nữ sắc.
Bấy giờ, Lê Qúy Ly với vai trò là một ngoại thích đã dần nắm hết quyền hành, phế bỏ cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự xưng vua, lấy lại họ Hồ và lập ra vương triều Hồ, đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết:
Quý Ly mới đổi họ Hồ,
Quốc danh là hiệu Đại Ngu chương hoàng
Truyền ngôi con cả Hán Thương,
Tự xưng là Thái thượng hoàng ở trong.
Hồ Qúy Ly lên ngôi ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), đến tháng 12 cùng năm thì nhường ngôi cho con để lên làm Thái thượng hoàng, ở ngai vàng được 10 tháng nhưng vẫn nắm thực quyền điều hành chính sự.
Nhân tâm chia lìa, cải cách vô ích
Nhằm khắc phục những hậu quả của khủng hoảng xã hội cuối triều Trần, với mong muốn xây dựng một đất nước hùng cường, giàu mạnh; các vua triều Hồ đã tiến hành cải cách mạnh mẽ trên nhiều phương diện với các chính sách hạn nô, hạn điền, cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới giáo dục khoa cử, tiền tệ, thuế vụ, chấn chỉnh quân đội, củng cố quốc phòng…
Tiếc là công cuộc cải cách của nhà Hồ chưa thu được nhiều kết quả thì đã phải kết thúc trước cuộc xâm lược của giặc Minh, vương triều này cũng chấm dứt vai trò vào tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), tổng cộng tồn tại 7 năm.
Không phải các vua nhà Hồ không có chuẩn bị đối phó trước tham vọng bành trướng của nhà Minh, riêng đối với Hồ Qúy Ly, đã thực hiện công việc này khi còn chưa lên ngôi.
Với quyền hành lớn trong triều, Hồ Qúy Ly đã bắt tay vào cải cách quân sự với việc đầu tiên là đóng sửa chiến thuyền, bổ sung quân lính và xếp đặt lại tổ chức quân đội trong hai năm Qúy Sửu (1373), Giáp Dần (1374).
Tượng võ sĩ Hổ Bôn thời Trần (trưng bày tại Bảo tàng lịch sử VN) |
Sau đó trong các năm Ất Mão (1375), Mậu Ngọ (1378) cho tuyển chọn các quan viên biết võ nghệ, binh thư cho làm tướng, làm sổ quân, thải bớt lính già yếu, lấy người khỏe mạnh bổ sung vào…
Khi nhà Hồ thành lập, cải cách quân sự càng được đặc biệt quan tâm, Hồ Qúy Ly từng thổ lộ muốn có trăm vạn quân để đối phó với giặc phương Bắc. Tháng 4 năm Tân Tị (1401) nhà Hồ cho kiểm tra dân số toàn quốc, lập lại sổ hộ tịch, khi làm sổ xong những dân đinh từ 15 đến 60 tuổi được phát hiện tăng gấp bội, việc tuyển quân thuận lợi, quân số ngày càng nhiều.
Đi đôi với tăng cường quân số, tổ chức biên chế quân đội, nhà Hồ còn tăng cường cải tiến vũ khí, phương tiện quân sự như đóng thuyền lớn kiểu mới gọi là thuyền Cổ Lâu, đúc nhiều loại súng và pháo, đặc biệt là súng Thần cơ (gọi là Thần cơ sang pháo); xây dựng nhiều hệ thống phòng thủ, hào lũy mà quy mô và kiên cố nhất phải kể đến hệ thống phòng thủ ở thành Đa Bang…
Có thành cao, hào sâu, vũ khí tốt, quân lính đông đảo nhưng bởi mất lòng người nên nhà Hồ đã thất bại, như chính lời Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (người đã phát minh ra súng thần cơ) từng nói trong một cuộc bàn kế sách chống giặc rằng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Hay như Nguyễn Trãi từng làm quan triều Hồ sau này cũng viết: “Quân của họ Hồ trăm vạn người, trăm vạn lòng”.
Quân lính không có tinh thần, nhân tâm chia lìa, Hồ Qúy Ly và triều thần lại phạm phải sai lầm nghiêm trọng về mặt chỉ đạo chiến lược, phương thức chiến tranh, tác chiến nên dẫn đến kết cục bi thảm
Xem thường tướng tài, kế lạ
Cuối năm Bính Tuất (1406), quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ đã đem quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến do triều Hồ lãnh đạo thất bại, tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), Hồ Qúy Ly bị quân Minh bắt được ở ghềnh Chẩy Chẩy (có sách ghi là bãi biển Chỉ Chỉ) gần cửa biển Kỳ La (nay thuộc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), vua Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt được ở núi Cao Vọng cùng với Thái tử Hồ Nhuế… Đúng là:
Quân Minh nhân thế đuổi dài,
Nhị Hồ mới chạy ra ngoài phương xa.
Núi Cao Vọng, bến Kỳ La,
Đường cùng phải bắt cũng là trời xui!
(Theo Đại Nam quốc sử diễn ca)
Thực ra tình thế bấy giờ nếu khi quân Minh kéo sang nước ta, vua tôi nhà Hồ làm theo kế của tướng Bố Đông thì diễn biến sẽ có đổi khác.
Về nhân vật Bố Đông, sử sách ghi chép không nhiều, chỉ biết rằng ông là tướng của Chiêm Thành, tháng 8 năm Bính Tý (1396) Hồ Qúy Ly sai tướng Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành, bắt được tướng Bố Đông đem về. Thấy ông là người thao lược nên Hồ Qúy Ly mến tài, vì thế là từ thân phận một tù binh, Bố Đông được Hồ Qúy Ly đổi họ tên mới là Kim Trung Liệt, lại cho làm tướng coi quân Hổ Bôn (còn gọi là Hổ Dực).
Theo binh chế xưa thì võ quan chỉ huy quân Hổ Bôn gọi là Hổ Bôn trung lang tướng, theo cách gọi dân gian là Hổ quan vì đội một loại mũ có hình đầu hổ (mũ Hổ quan).
Về mặt Hán tự, “Bôn” có nghĩa là chạy, cũng có nghĩa là người dũng sĩ, “hổ” biểu thị cho sức mạnh, uy dũng vì thế Hổ Bôn có nghĩa là đội quân sĩ hùng mạnh. Truyền rằng xuất xứ của lực lượng tinh nhuệ này có từ thời Chu Vũ Vương phạt Trụ, trong quân của Vũ Vương có lực lượng được gọi là Hổ Bôn gồm các dũng sĩ tinh nhuệ, dũng cảm đã góp phần quan trọng vào việt lật đổ triều Ân Thương, lập ra nhà Chu. Sau này các triều đại dựa trên điển tích đó mà lập đội quân tinh nhuệ lấy tên là Hổ Bôn.
Hổ Bôn là đội quân với những người lính khỏe mạnh, thiện chiến nhất, giữ vai trò tiên phong, làm mũi xung kích chủ lực trên chiến trường. Họ được trang bị mũ hình đầu hổ, mặc giáp trụ bằng đồng hoặc sắt gọi là Minh Quang hoặc Sơn văn…
Như vậy, Bố Đông được tin tưởng giao phó chỉ huy một đội quân tinh nhuệ chứng tỏ Hồ Qúy Ly rất coi trọng tài năng và sự dũng mãnh của ông. Điều này hoàn toàn có căn cứ, bởi không lâu sau Bố Đông lại được cử tham gia xây dựng hệ thống phòng ngự tại thành Đa Bang.
Tranh vẽ phục dựng võ sĩ Hổ Bôn (Hình minh họa) |
Khi quân Minh sắp tràn sang xâm lược, tướng Bố Đông hiến kế đem quân lên đánh chặn giặc ngay địa đầu biên giới. Đây là kế sách mà cha ông ta từ thời Bà Trưng, Lý Nam Đế, Lê Đại Hành… đã áp dụng, đánh giặc ngay khi chúng mới đến, đánh phủ đầu làm mất nhuệ khí của giặc, lại ngăn không cho chúng cơ động đánh sâu, lấn rộng vào nội địa. Thế nhưng vua quan nhà Hồ đã không thực thi theo kế sách này, không lâu sau Bố Đông bị bệnh rồi mất, không chứng kiến kết cục bi thảm của nhà Hồ.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Vào năm Bính Tuất (1406), khi phòng ngự thành Đa Bang, [Trung Liệt] dâng kế sách đưa quân lên biên giới đón đánh, không cho quân giặc tiến vào đất ta, không để chúng ỷ vào trường binh và thông được đường tiến quân. Nhưng các tướng không theo kế ấy. Bố Đông bị bệnh rồi chết”.
Trong Phủ biên tạp lục cũng có đoạn viết tương tự: “Thuận Tông, Quang Thái năm thứ 4, Lê Quý Ly được lệnh đem quân đi tuần hành Hóa Châu, duyệt quân đội sửa thành trì. Khi ấy bắt được tướng Chiêm Thành là Bố Đông người có tài trí được dùng làm tướng. Đến thời nhà Hồ, quân Minh kéo sang đánh, nhà Hồ sai Bố Đông đắp thành Đa Bang để cố giữ giới hạn phía tây sông Nhị Hà.
Bố Đông xin chọn quân tinh nhuệ đem lên biên giới đón chặn quân giặc không nên cho quân giặc tràn vào đồng bằng, nhưng trước ấy không được nghe theo. Kịp đến lúc tướng nhà Minh là Trương Phụ kéo quân thẳng đến Bạch Hạc cùng với Mộc Thạch hợp binh lại đánh về thành Đa Bang, thuận dòng mà tràn xuống, họ Hồ không thể chống lại được nữa, mới hối không dùng lời khuyên của Bố Đông”.
Ngoài sách Phủ biên tạp lục, trong sách Kiến văn tiểu lục một lần nữa tác giả Lê Qúy Đôn lại ca ngợi tài năng của Bố Đông như sau: “Chiêm Thành là một nước nhỏ, cũng không hiếm nhân tài. Bố Đông đầu hàng Hồ Qúy Ly được phong làm quan và được theo họ Hồ.
Khi quân nhà Minh sang xâm lấn, Qúy Ly sai đắp thành Đa Bang (nay ở xã Cổ Pháp, huyện Tiên Phong) làm kế giữ vững lấy phía tây sông Nhị. Bố Đông nói: “Nên chọn quân tinh nhuệ, đón đánh ngay ở biên cảnh, đừng để giặc vào được đất bằng, chúng sẽ cậy có trường binh mà thông suốt được những nơi huyết mạch trong nước”.
Các tướng không nghe theo kế ấy, thành ra tướng nhà Minh là Trương Phụ kéo quân đến Tiên Phúc, đi tắt lên Bạch Hạc, hội họp với Mộc Thạch, phá tan thành Đa Bang rồi thuận theo dòng nước xuôi xuống, không sao chống đỡ được, lúc ấy mới nghĩ đến lời nói của Bố Đông là đúng”...