Truyền thống từ ngàn xưa
Lòng nhân ái, tinh thần nhân đạo là một điều gì đó quá đỗi quen thuộc trong đời sống người Việt, tồn tại từ ngàn xưa đến nay. Tinh thần ấy thể hiện giản dị trong tình làng, nghĩa xóm, trong sự bảo bọc, chở che, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn, vui buồn hoạn nạn của mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng.
Từ rất xa xưa, tinh thần nhân đạo, nhân văn đã xuất hiện trong văn chương Việt, nó phản ánh tâm thái sống nghĩa tình luôn hướng đến những điều cao đẹp của người Việt. Đó là khi Nguyễn Trãi viết “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, là Nguyễn Du khẳng định “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, là khi Nguyễn Đình Chiểu khắc họa lên nhân vật Lục Vân Tiên thấy chuyện bất bình lăn xả giúp người, không khoanh tay nhắm mắt để khư khư giữ thân.
Lục Vân Tiên không chỉ là một nhân vật trong tác phẩm của cụ Đồ Chiểu. Trong thời chiến hay thời bình, có biết bao Lục Vân Tiên như thế trong cộng đồng người Việt. Ở thời chiến, từ cổ xưa, người Việt đã biết bao lần đối xử với kẻ thù bằng lòng nhân, mở đường cứu sinh cho biết bao bại binh trước đó từng đem quân giày xéo đất nước, giết hại đồng bào mình.
Trong thời bình, những Lục Vân Tiên giúp người đến quên thân, cứu người trong hoạn nạn cũng không hề hiếm hoi. Có những giai đoạn mà cuộc sống đầy rẫy vất vả, khó khăn, biến cố, người Việt dìu nhau vượt qua cũng bằng những tinh thần nhân ái, tương trợ, bằng những Lục Vân Tiên như thế.
“Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, người Việt thường bảo nhau như thế. Và người Việt cũng là một dân tộc nổi tiếng sống tình nghĩa, nặng về cảm tính nhiều hơn lý tính. Tất nhiên, cái gì thiên về một hướng quá thì ắt sẽ có cái không hay, sống nghiêng về tình cảm phần nhiều, người Việt cảm tính trong hành xử và thường lấy tình cảm để làm thước đo cho mọi sự trên đời, để rồi tạo ra nhiều trái khoáy, hay có cả những lầm lỗi đáng yêu, hoặc đáng thương.
Nhưng trên tất cả, có thể thấy rằng, lòng nhân ái, tinh thần nhân đạo không chỉ là một thói quen sống, một cách hành xử đạo đức được dạy dỗ lưu truyền từ các thế hệ. Đó là một mạch nguồn âm thầm chảy trong lòng dân tộc từ ngàn xưa. Mạch ngầm ấy thấm sâu vào mỗi một con người trên đất Việt, nó định hình cho họ một lối sống, một quan niệm, giá trị sống riêng.
Văn hóa phương Tây thiên về đề cao tinh thần cá nhân, hướng đến xây dựng và đề cao “cái tôi” trong mỗi con người. Văn hóa Á Đông, mà cụ thể ở đây là văn hóa Việt hướng đến yếu tố “cộng đồng, xã hội”. Tất nhiên, mỗi một nền văn hóa có cái hay riêng của nó. Quan trọng là mỗi một dân tộc dung hòa như thế nào giữa yếu tố cá nhân và yêu tố cộng đồng. Quan trọng hơn, là yếu tố ấy phù hợp với tinh thần, với tâm thế của mỗi dân tộc.
Nhiều du khách phương Tây từng đến Việt Nam đều có chung một nhận định: Người Việt hiền hòa, cởi mở và rất thích giúp đỡ. Giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ cho nhau, một người vì mọi người, đó đã trở thành một tập quán sống, một truyền thống lâu đời mà người Việt gìn giữ qua nhiều thế hệ và tự hào vì nó. Ở những quốc gia phát triển, với lối sống cá nhân làm chủ đạo, người ta không khó để bắt gặp những bi kịch cá nhân khi bị tách rời khỏi cộng đồng một cách vô hình - hữu hình.
Đó là những bậc cha mẹ cô đơn vò võ ở tuổi già khi con cái mải mê đeo đuổi cuộc sống của chính mình, một thói quen phổ biến. Đó là những con người cô đơn lạc loài trong chính cộng đồng của mình, dẫn đến những quốc gia càng giàu, mạnh về công nghệ, kinh tế thì tỉ lệ trầm cảm, tự tử càng cao.
Tuy đôi khi cũng có những hệ quả, đôi khi trở nên quá lố, gây ra nhiều phiền toái, thậm chí có khi nó cản trở sự phát triển, nhưng nhìn chung, sự quan tâm, hỗ trợ, yêu thương, sẻ chia của người Việt đã tạo nên một cộng đồng đầy gần gũi mà ấm áp, khiến mối quan hệ giữa người và người luôn thắt chặt, không tách rời. Khiến cho người ta chỉ có thể phiền toái nhưng hiếm khi đơn độc, lẻ loi. Phải chăng, chính vì thế mà những năm gần đây, người phương Tây lại rủ nhau tìm về những giá trị sống của phương Đông?
Tỏa sáng trong bão giông
“Không có ai bị bỏ lại ở phía sau” - từ đầu mùa dịch Covid-19, câu nói ấy đã như một kim chỉ nam trong mọi hành động phòng, chống dịch của Việt Nam. Đó chính là một biểu hiện rõ nét của tính nhân đạo, của tinh thần nhân văn dân tộc Việt. Quả thật, cho đến giờ phút này, không ai bị bỏ lại ở phía sau. Cả những kiều bào, du học sinh… đang sống và làm việc trong vùng dịch, đau đáu trở về, được đất nước cử phi hành đoàn sang đón. Khi trở về, được đối xử tử tế, được chữa trị tận tình.
Hay như những du khách nước ngoài mắc kẹt ở Việt Nam, được ngành Y tế trong nước hết lòng cứu chữa. Biết bao lời tri ân, bao lá thư gửi gắm lòng cảm ơn nhiệt thành của kiều bào, ngoại kiều đã minh chứng cho điều đó.
|
Lá thư từ nước Anh của một trong những bệnh nhân từng được cứu chữa tri ân Việt Nam |
Không chỉ như thế, một đất nước nhỏ bé như Việt Nam, những ngày tháng biến động vừa qua, nổi tiếng trong cộng đồng quốc tế về chống dịch hiệu quả và cũng nổi tiếng không kém vì những hành động đẹp, khi đem nhân lực, đem những thiết bị y tế vô cùng quý báu trong giai đoạn này để tặng những quốc gia khác, giàu, mạnh hơn nhưng đang trong cơn “bĩ cực”.
Người sung túc, giàu có giúp người đang khó khăn, đó được cho là sự rộng rãi, tốt bụng. Còn chính những người khó khăn giang tay giúp đỡ người gặp khó, đó chính là tinh thần hào hiệp, là hành xử đẹp. Hành xử đẹp ấy, Việt Nam thực hiện không chỉ một lần, mà đã biết bao lần những năm qua, khi các nước gặp thiên tai, lũ lụt, khó khăn…
Và hơn hết “không có ai bị bỏ lại ở phía sau” còn là cách mà Chính phủ đối xử với người dân trong nước, mà “người trong một nước” cư xử với nhau. Trong gian nan mà dịch bệnh đem lại, mỗi một phận đời đều gặp khó theo cách của riêng mình. Lần lượt, những bàn tay đã giang ra để giúp đỡ, nâng đỡ họ. Những người bán vé số nghỉ bán do dịch được cấp tiền để sinh sống hàng ngày. Những người dân nghèo được người ít khó khăn hơn chung tay phát chẩn, thực hiện ATM gạo...
Những quán ăn tình nghĩa “0 đồng” được nhân rộng mùa dịch. Những nghệ sĩ chung tay “cứu” hạn mặn miền Tây. Nhiều chủ nhà giảm giá nhà cho khách thuê… Người Việt đang đối xử với nhau bằng nhiều tấm lòng, nhiều chân tình hơn bao giờ hết. Ở tầm cao hơn, Chính phủ tung gói cứu trợ theo Nghị quyết 42 nhằm kịp thời giúp người dân vơi nỗi lo cơm, áo, vượt qua khó khăn, khiến đại đa số người dân ấm lòng.
Đại dịch là từ được nhắc đến trên môi nhiều người nhất trong thời gian qua. Nhưng bên cạnh đó, “tình người” cũng là từ xuất hiện với tần suất không kém. Những năm qua, đã có những lúc, các nhà nghiên cứu văn hóa phải thốt lên đầy lo lắng cho sự xuống cấp về văn hóa, sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người dân trong xã hội, khi mà ngày càng nhiều những hành vi phạm tội, những thái độ sống thờ ơ, vô cảm giữa người và người.
Nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn mùa dịch, tình người như sông mùa nước nổi, lại ăm ắp, tràn đầy, khiến cho mọi nỗi lo như xóa sạch. Dường như, với dân tộc Việt Nam, càng gian khó, càng đối mặt với tai họa, thì tinh thần đoàn kết, thì lòng nhân ái, tình yêu thương càng trỗi dậy, càng khiến người ta hành xử đẹp hơn, đối tốt với nhau hơn. Bởi vì lòng nhân ái đã là một mạch nguồn cốt lõi, đã thấm vào trong máu thịt, càng trong gian nguy càng có cơ hội lộ diện, tỏa sáng.
Hơn bao giờ hết, lòng nhân ái, tinh thần nhân văn chính là giá trị đẹp đẽ nâng đỡ tinh thần Việt, đem lại sức mạnh cho dân tộc Việt, giúp người Việt vượt qua mọi biến cố, gian nan.