Làm ơn mắc oán
Những câu hỏi trên được đặt ra bởi mới đây, truyền thông liên tục đưa tin câu chuyện một người đàn ông đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu bị đâm trọng thương.
Người “làm ơn mắc oán” này là anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi). Ngày 11/2, anh Sơn đang lưu thông trên đường thuộc địa phận phố Trẹm, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh thì gặp một vụ tai nạn giao thông giữa xe máy và taxi. Cô gái điều khiển xe máy bất ngờ mất lái đâm vào đuôi xe taxi rồi ngã ra đường bất tỉnh.
Chứng kiến vụ tai nạn giao thông, anh Sơn đã đưa cô gái này tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành để điều trị. Khi anh Sơn đang hoàn thiện thủ tục nhập viện cho cô gái, bất ngờ có một thanh niên quen biết với nạn nhân tìm đến. Cho rằng anh Sơn là người gây ra vụ tai nạn giao thông, thanh niên này đã tấn công khiến anh Sơn bị thương rồi bỏ trốn khỏi hiện trường.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Thành sơ cứu cho anh Sơn và chuyển gấp bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để chữa trị vì vết thương khá nặng.
Điều đáng nói là không phải bây giờ câu chuyện về lòng tốt bị nghi ngờ, người tốt làm ơn mắc oán mới xảy ra. Trước đó, cũng nhiều câu chuyện tương tự được chia sẻ, như chuyện của chị Ngân Hà. Trong bài viết của mình chia sẻ trên một tờ báo, chị kể lại kỷ niệm khi chị đưa bố mẹ chồng là người Mỹ ra sân bay về nước sau chuyến thăm con cháu ở Việt Nam.
Trên đường đi, gia đình chị đã chứng kiến một vụ tai nạn giao thông. Hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm va chạm với ô tô bị thương nằm trên đường. Việc đầu tiên vợ chồng chị làm là chạy ra là nâng người thanh niên lên xem có bị thương không, hỏi: "Em có sao không em ơi" rồi gọi công an, khẩn trương gọi xe đưa hai nạn nhân đi bệnh viện.
Nhưng nào ngờ chỉ sau 3 phút, từ đâu ùa đến một đám đông kích động, vây lấy chiếc xe của gia đình chị. Chưa biết đầu đuôi ra sao, nhóm này đã đòi đánh người cầm lái, đòi cướp đồ "vì chúng nó đi ô tô và là người nước ngoài"...
“Tôi nhìn thấy ánh mắt hoảng sợ hoang mang của mẹ chồng tôi sau cửa kính xe khi nhìn tôi bị bao bọc bởi một đám đông hỗn loạn vô lý, không muốn họ phải nhìn những cảnh này nên tôi phải vội vàng gọi chiếc xe taxi dọc đường đưa ông bà ra sân bay cùng David.
Sau đó tôi bình tĩnh giải thích (thật ra là gào lên) và nói sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu xe chúng tôi đi sai, bây giờ cần cứu người bị ngã trước, và nếu ai động vào em họ tôi hay xe của em tôi thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật... thì đám đông chùn lại và giãn ra một chút để chúng tôi đưa hai bạn thanh niên vào viện. Rồi mọi chuyện cũng êm xuôi, hai bạn thanh niên chỉ bị chấn thương nhẹ, nhưng thật sự ánh mắt của bố mẹ chồng tôi khi đó cứ ám ảnh tôi mãi”, chị Ngân Hà kể lại.
Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp
Lòng tốt nhiều lần bị ngờ vực, bị đối đãi tệ bạc như vậy nên giờ đây nhiều người đã và đang khuyên nhau… đừng làm việc tốt. Nhiều Facebooker chia sẻ: “Tôi cũng đưa một cô gái vào viện cấp cứu nhưng bị chửi và bị giữ lại để xem người nhà họ có mất gì không, tôi giải thích mãi họ mới cho đi, thật đáng buồn. Sau lần đó tối rút kinh nghiệm gặp bị tai nạn tôi vẫn giúp nhưng phải gọi người làm chứng đi cùng”.
Một bác tài xế taxi cũng kể lại câu chuyện của bạn mình: “Bạn tôi cũng cứu người tai nạn giao thông. Khi đưa tới bệnh viện, nạn nhân tỉnh dậy chỉ thẳng vào mặt bạn tôi là người gây tai nạn giao thông. Tìm nhân chứng để giải oan không có, xe bị tạm giữ chờ công an điều tra có kết luận thì than ôi nồi cơm cả nhà bị “treo niêu”. Làm người tốt cũng khó”.
Trước phản ứng của dư luận về việc người làm việc tốt bị hành hung, ngày 14/2 vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công văn do Phó Chủ tịch thường trực Khuất Việt Hùng ký gửi Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh đề nghị yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc và thông tin kịp thời tới các cơ quan thông tấn, báo chí.
Anh Sơn đang phải nằm viện điều trị. |
Trong trường hợp kết quả điều tra đúng như báo chí phản ánh, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên anh Nguyễn Hải Sơn vì đã có hành động cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
Ở một khía cạnh khác, cũng chính vì làm việc tốt bị ngờ vực nên giờ đây nhiều người trong chúng ta không có cơ hội được hưởng nhờ việc tốt nữa, hay nói đơn giản là được giúp đỡ khi chẳng may lâm nạn. Một cô giáo từng kể chuyện hai vợ chồng cô bị ngã xe trên đường cao tốc, ngã rất đau, tuy chỉ tổn thương phần mềm nhưng vì nhiều tuổi nên mãi mới đứng dậy được. Vậy mà bao nhiêu xe đi qua, không một xe nào dừng lại. Cô có vẫy, nhờ giúp, cũng không ai dừng xe.
Cô giáo cũng nói rằng lúc đầu cô hoang mang lắm vì xã hội quá vô cảm, nhưng sau khi tìm hiểu cô biết được vì có nhiều kẻ lừa đảo giả vờ ngã xe để cướp dọc đường hoặc có thể người ta sợ đổ trách nhiệm nên giờ gặp ai hoạn nạn người ta cũng ngại không giúp.
Những câu chuyện về lòng tốt bây giờ thường bị xem như là cổ tích và những người làm việc tốt có thể bị nghi ngờ như đang âm mưu một điều gì đó. Trong cơ quan, trong quan hệ xã hội, nếu như bỗng dưng nhận được lòng tốt của một người, có thể bạn cũng nghĩ hay họ lại đang cần gì mình, định nhờ gì mình đây. Lòng tốt đang bị ngờ vực là một thực tế đau lòng.
Còn nhớ, nhà văn Hoàng Anh Tú từng có một đoạn viết ngắn rằng: “Đã ai nói với ta chưa? Rằng ngờ vực là một nỗi đau rất cô đơn. Lòng ngờ vực khiến ta đóng chặt cửa trái tim mình. Không tin vào bất cứ thứ gì khiến ta trở nên đơn độc và khép mình. Không tin vào hạnh phúc sẽ không có hạnh phúc. Không tin vào tình yêu sẽ không có tình yêu. Lòng nghi ngại ấy khiến cho mọi nỗ lực của đối phương đều trở nên bất lực.
Lòng tốt bị nghi ngờ sẽ khiến cho lòng tốt tàn lụi. Đã ai nói với bạn điều đó chưa? Đừng hỏi vì sao bạn mãi cô đơn khi bạn vẫn luôn nghi ngờ tất thảy. Hãy tin đi! Học cách tin cả sau mỗi tổn thương. Bởi cuộc đời rộng dài và còn nhiều lắm những người thật lòng. Bởi bạn nào muốn ai nghi ngờ trái tim bạn khi bạn yêu họ thật lòng, phải không? Hãy tin đi để không còn đau nữa. Vì trưởng thành nào cũng cần phải trải qua những lần đau như vậy…”.
Đồng cảm với nhà văn, nhiều người cũng có suy nghĩ rằng chẳng lẽ bây giờ xã hội mình trở nên đớn hèn, nhẫn tâm chỉ vì một vài kẻ xấu thế hay sao? Chẳng lẽ sự hèn nhát và 5% rủi ro gặp phải kẻ xấu có thể chiến thắng 95% lương tâm giúp đỡ người gặp nạn mà ai cũng có?
“Tôi tự hỏi mình một câu hỏi, nếu tôi nhìn thấy một bàn tay cần sự cứu giúp vẫy trên đường cao tốc, dù có 5% hiểm nguy và rủi ro, liệu tôi có dừng lại không? Có chứ. Chắc chắn tôi sẽ dừng lại. Vì tôi vẫn tin, cuộc sống còn nhiều điều tử tế và tốt đẹp”, chị Ngân Hà khẳng định.