Để những đứa trẻ di cư được học hành…
Theo chân cán bộ, chiến sĩ ĐBP Tuyên Bình, chúng tôi về thăm lớp học “Tình thương” do các cán bộ, chiến sĩ ĐBP trực tiếp giảng dạy. Nhiều năm qua, đều đặn từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày lại vang lên tiếng học bài của các em nhỏ. Đây là việc làm ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia về có điều kiện theo học.
Lớp học “Tình thương” tổ chức tại Điểm phụ trường Tiểu học Tuyên Bình (huyện Vĩnh Hưng), đây cũng là điều kiện thuận lợi để thầy và trò giao lưu, vui chơi cùng các thầy, cô giáo, học sinh tiểu học duy trì lớp học theo chế độ, giờ giấc chính quy của Nhà trường.
Do các hộ gia đình sinh sống dọc theo kênh rạch biên giới, lớp học nằm trên trục lộ 831, người và phương tiện thường xuyên qua lại nên, ĐBP Tuyên Bình đã cử các thầy giáo “quân hàm xanh” đến từng nhà đón đưa các em đến lớp học an toàn, đúng giờ học.
Thầy giáo Binh nhất Lê Văn Sen tâm sự: “Ban đầu bản thân rất bỡ ngỡ, về phương pháp sư phạm chưa có, các em học sinh là con em của người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia trở về sinh sống dọc theo biên giới, không giấy tờ tùy thân, không biết rõ ngôn ngữ.
Nhưng được sự quan tâm của Chỉ huy ĐBP và sự giúp đỡ tận tình của Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Tuyên Bình, đến nay chúng tôi đã đủ khả năng để giảng dạy. Các em đã đọc viết thành thạo, ngoài việc học tập tiếng Việt, Toán thì chúng tôi còn dạy cho các em về lịch sử, văn hóa của Việt Nam”.
Cùng Binh nhất Lê Văn Sen còn có Binh nhất Nguyễn Quốc Huy là hai chiến sĩ được giao trực tiếp giảng dạy lớp học tình thương này. Khó khăn đầu tiên là việc vận động các em đến lớp vì hoàn cảnh gia đình của các em rất khó khăn, lo được mỗi ngày 3 bữa cơm cho gia đình đã là vất vả, còn việc học hành của con cái là chuyện xa vời. Cái khó kế tiếp là soạn giáo án, tài liệu, cũng như phương pháp sư phạm...
Thấu hiểu được tâm lý của những người thầy giáo “quân hàm xanh”, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tuyên Bình đã tạo điều kiện để thầy giáo chiến sĩ này có điều kiện tham gia dự giờ các tiết học nhằm nâng cao kiến thức, phương pháp sư phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thầy giáo Tô Văn Nhanh - giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục Tuyên Bình cho biết, rất hiểu những khó khăn của các chiến sĩ Biên phòng khi được phân công trực tiếp giảng dạy, Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Tuyên Bình luôn giúp đỡ mọi mặt, xem những thầy giáo “quân hàm xanh” là người đồng nghiệp thực sự, họ cũng tham gia các hoạt động sư phạm như những giáo viên của trường nhằm giúp nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy đạt cao hơn.
Dạy chữ bằng tình thương và trách nhiệm
Theo thống kê, trên địa bàn ĐBP Tuyên Bình phụ trách, quản lý có 29 hộ/142 nhân khẩu, đa số các hộ dân đang lưu trú tạm thời, nghề nghiệp không ổn định. Thiếu tá Dư Đình Bằng - Đồn trưởng ĐBP Tuyên Bình cho biết: Lớp học “Tình thương” được mở về đêm vì ban ngày các cháu bán vé số, cắt lục bình làm các công việc khác của gia đình.
|
Học sinh của lớp học tình thương còn có thêm những hiểu biết, cách ứng xử có văn hóa với gia đình và xã hội. |
Từ năm 2012 đến nay, được sự giúp đỡ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các thầy cô ở trường Tiểu học Tuyên Bình, Đồn đã tổ chức được 5 lớp với 48 học sinh tham gia.
Ngoài lớp học “Tình thương” do ĐBP Tuyên Bình tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp các trường tiểu học trên địa bàn đóng quân mở tổ chức cho con em người Việt Nam từ Campuchia di cư tự do về Việt Nam có điều kiện theo học, thì ĐBP còn phối hợp các ban ngành thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn kỹ thuật trong lao động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho những hộ dân nơi đây.
Bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy giáo mang “quân hàm xanh” đã giúp các em không chỉ biết đọc, biết viết mà còn có thêm những hiểu biết, cách ứng xử có văn hóa với gia đình và xã hội. Những việc làm mang nặng tình nghĩa quân dân nơi biên giới của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Tuyên Bình được nhân dân vùng biên giới này tin yêu, mến phục và gọi bằng cái tên trìu mến là những "Thầy giáo quân hàm xanh"...