Đi thăm các gia đình người Mông ở thôn Khuổi Khít, khách thập phương sẽ thấy người cao tuổi nói nhiều chuyện về chiếc mũ nồi. Khi làm đám cưới cho con gái về nhà chồng, trước khi dẫn dâu, bố cô dâu mang chiếc mũ nồi do vợ mình làm chuẩn bị từ trước ra thắp 3 nén nhang xong rồi trao cho con gái. Cô con gái cầm theo chiếc mũ nồi về nhà chồng nhưng không được đội mà phải cất kín trong hòm của mình
Đường vào thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang giờ vẫn còn rất khó đi. Gần giữa trưa, khi mặt trời đã đứng bóng mà sương ở đây chưa chịu tan. Xa xa, những nóc nhà của người Mông vẫn ẩn hiện dưới chân núi Đỉnh Mười.
Quây quần bên cái bếp trình tường, ông Giàng Văn Lai, thôn Khuổi Khít tâm sự, chiếc mũ nồi như là biểu tượng của người đàn ông Mông: “Từ xa xưa, ông cha chúng tôi đã chọn mũ nồi là một phần trang phục bắt buộc của người đàn ông Mông. Chiếc mũ nồi tạo cho người đàn ông Mông một sắc thái riêng, không lẫn vào dân tộc khác.
Ngoài tăng độ thẩm mỹ, sức mạnh của người đàn ông Mông, mũ nồi rất phù hợp với điều kiện trời rét ở miền Bắc. Mũ nồi rất gọn nhẹ, linh hoạt khi vui chơi, di chuyển và lao động sản xuất”, ông Lai kể.
Giờ mũ nồi được sản xuất bán ngoài chợ khá nhiều. Tuy nhiên, người đàn ông Mông vẫn thích kiểu mũ nồi truyền thống của mình. Mũ nồi được người phụ nữ Mông làm rất cầu kỳ. Vải để làm mũ nồi được dệt thổ cẩm dày, được người phụ nữ Mông cắt ghép khéo léo.
Khi đội mũ nồi, người ta thường đội hơi lệch về một bên, tôn vẻ phong cách của người đàn ông Mông. Khi thổi khèn, chơi quay, phi ngựa, chiếc mũ nồi vẫn bám chắc trên đầu mà không bị rơi ra, vì nó được thiết kế và đội đúng kỹ thuật.
Đi thăm các gia đình người Mông ở thôn Khuổi Khít, khách thập phương sẽ thấy người cao tuổi nói nhiều chuyện về chiếc mũ nồi. Khi làm đám cưới cho con gái về nhà chồng, trước khi dẫn dâu, bố cô dâu mang chiếc mũ nồi do vợ mình làm chuẩn bị từ trước ra thắp 3 nén nhang xong rồi trao cho con gái.
Cô con gái cầm theo chiếc mũ nồi về nhà chồng nhưng không được đội mà phải cất kín trong hòm của mình. Khi nào bố đẻ của cô dâu mất, người con gái mới mở hòm cá nhân lấy chiếc mũ nồi ra. Phục bên linh cữu cha mình, cô con gái sẽ mang chiếc mũ nồi ra đội một lần duy nhất trong đời. Sau đó chiếc mũ nồi được cô gái cất đi như là một kỷ vật thiêng liêng nhất.
Chiếc mũ nồi người cha thân yêu đưa cho con gái trước khi về nhà chồng là mong muốn con về nhà chồng rồi nhưng vẫn phải nhớ tổ tiên dòng họ mình, không bao giờ được phép quên. Gửi mũ nồi cho con gái, người cha cũng nhắn nhủ nhiều điều, như trao niềm tin sức mạnh cho con gái.
Cô con gái về nhà chồng còn bỡ ngỡ, chiếc mũ nồi của người cha ở cạnh bên mình, làm cho con gái đỡ nhớ nhà hơn vì thấy bóng dáng người thân luôn ở bên cạnh mình. Bởi vậy, chiếc mũ nồi của người Mông nó có sức mạnh tinh thần to lớn, là nền tảng của văn hóa Mông.
Tục trao mũ nồi cho con gái trước khi về nhà chồng của người Mông thực sự là một nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn sâu xa. Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại đang ngày càng hội nhập và lan tỏa, đội mũ nồi và tục trao mũ nồi vẫn còn được giữ gìn và phát huy, góp phần tô thắm cho bản sắc văn hóa dân tộc Mông.