Luật “bắt” nhận chồng cũ của mẹ làm bố, con không có giấy khai sinh

(PLO) - Mặc sự hiện diện có thật của người bố đẻ, mặc những thiệt thòi của 3 đứa trẻ được sinh ra, lớn lên và đến trường nhưng không thể làm giấy khai sinh, các cán bộ hộ tịch vẫn nhất mực yêu cầu tên bố đẻ của 3 đứa trẻ này là một người đàn ông... chẳng liên quan.
Các con của chị Quân đến nay vẫn không có giấy khai sinh và mất luôn các quyền của trẻ em
Như PLVN đã thông tin trong bài viết “Bị tước quyền làm bố vì vợ “quên” ly hôn chồng cũ” phản ánh câu chuyện của gia đình chị  Tôn Nữ Chiêu Quân (SN 1977, ngụ tổ 2B, phương Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Sau khi không thể chung sống với chồng cũ, chị đã sống cùng anh Vương, sinh ra 3 đứa con. Chỉ vì những vướng mắc trong hôn nhân của người mẹ, mà những đứa con sinh ra bị ép buộc khai sinh theo tên người bố trong hôn thú của mẹ, chứ không phải bố đẻ thực sự của chúng.
Nhùng nhằng với những vướng mắc đó, cả 3 cháu bé từ khi ra đời cho đến nay không giấy tờ, không được hưởng quyền lợi gì của xã hội…
Khi vợ chồng chị Quân đăng ký khai sinh cho con, các cán bộ hộ tịch đã cho rằng dù các cháu Thịnh, Hiền, Hòa thực tế là con của chị Quân và anh Vương, nhưng vì cháu sinh ra trong thời điểm chị Quân và chồng cũ chưa ly hôn (năm 2007) nên mặc nhiên cả 3 cháu đều trở thành con của... chồng cũ chị Quân. Bởi Điều 21 Nghị định 70 hướng dẫn chi tiết Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 quy định: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết hoặc có bản án quyết định ly hôn là con của người đó”.
Căn cứ theo quy định này, cán bộ phường hướng dẫn vợ chồng chị Quân làm thủ tục khai sinh cho các cháu, nhưng phần cha phải đứng tên chồng cũ của chị.
Cán bộ hướng dẫn, cứ đăng ký như vậy trước, sau đó đến TAND quận làm thủ tục xin xác nhận cha con. Trên cơ sở phán quyết của Tòa, UBND sẽ làm thủ tục thay đổi hộ tịch.
Khốn nỗi, khi chị Quân đến Tòa án để nộp hồ sơ xin xác định lại cha cho con, nhưng Tòa trả lời “không có tranh chấp nên Tòa không giải quyết”. Mang ý kiến này về báo lại với cán bộ phường, không được chấp nhận.
Chị một lần nữa quay lại Tòa nhờ hướng dẫn, được cho biết, muốn xác định ADN phải chi phí gần 10 triệu đồng/cháu. Người mẹ nghèo rớt nước mắt xin rút hồ sơ vì không có tiền.
Những đứa trẻ đã lớn lên mà không có giấy khai sinh vì cả ba giải pháp đưa ra đều không thể thực hiện: Thứ nhất, để chồng cũ của chị đứng tên cha: Giải pháp này cả chồng cũ và chồng mới đều không đồng ý.
Thứ hai, để chị khai sinh theo thủ tục mẹ đơn thân sinh con: Vậy là sai luật, bởi cả 3 đứa trẻ đều sinh ra trong thời điểm chị Quân và chồng cũ chưa ly hôn.
Thứ 3, khai sinh để tên cha là anh Vương, thì cán bộ phường lại không dám làm trái luật. Vậy là vụ việc bị bỏ ngỏ.
Áp dụng luật cứng nhắc
Một năm sau, chị Quân tiếp tục gửi đơn cầu cứu đề nghị xử lý “về việc xin được đăng ký khai sinh cha mẹ đẻ cho con đẻ”. Ngày 19/8/2014, UBND phường đã mở cuộc họp, triệu tập đầy đủ các bên liên quan.
Tại đây, chồng cũ thừa nhận, anh chỉ có 3 người con chung với chị Quân đã được công nhận tại quyết định ly hôn.  Ngoài ra, anh cũng ký vào biên bản cam kết thể hiện, các cháu sinh năm 2007, 2010 và 2013 không phải con của anh, đồng thời cũng đề nghị “các ban ngành tạo điều kiện để 3 cháu khai sinh theo đúng tên cha đẻ”. “Bản thân tôi cũng đã có gia đình rồi, không còn liên quan và không muốn đứng tên cha của những đứa trẻ con của người khác” – anh nói.
Từ cơ sở này, UBND phường có tờ trình gửi Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, UBND quận và Phòng Tư pháp quận, đề nghị cho phép phường làm đăng ký khai sinh cho các cháu theo đúng tên cha mẹ đẻ.
Theo ông Trương Hùng Mạnh, trong Công văn của Sở Tư pháp và UBND quận gửi về, vẫn tiếp tục yêu cầu phường mời chị Quân và những người có liên quan đến hướng dẫn, giải thích về trách nhiệm đăng ký khai sinh theo quy định pháp luật tại Khoản 1 Điều 63 Luật Hôn nhân & Gia đình; vận động chị Quân đăng ký cho 3 đứa con và phần khai sinh về cha của chúng có tên là... chồng cũ chị Quân.
“Trong trường hợp cha, mẹ hoặc những người có trách nhiệm, không thực hiện đăng ký khai sinh, phường có biện pháp tổ chức đăng ký cho 3 trẻ em nêu trên theo đúng quy định pháp luật”, công văn trên cho biết, nhưng không nói rõ như thế nào là “theo đúng quy định pháp luật”.
Ngày 25/11, chị Quân lại được mời đến phường. Dù giải thích thế nào, chị vẫn từ chối đăng ký theo phần khai cha lũ trẻ là chồng cũ. Chị nói: “Nếu làm thế, gia đình sẽ xảy ra mâu thuẫn, bản thân tôi cũng cảm thấy có lỗi rất nhiều với chồng mới. Hơn nữa, ngay cả chồng cũ cũng không đồng ý”.
Gỡ rối như thế nào?
Người lớn cứ loanh quanh tranh luận về luật, lũ trẻ bao năm thiệt thòi. Những đứa trẻ này đến nay vẫn không được pháp luật công nhận, không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Tháng 9/2013, cháu Thịnh đến tuổi vào lớp 1, không có giấy khai sinh nên không thể nhập học.
 Công văn “cầu cứu” xin hướng xử lý vụ việc của UBND phường.
Đích thân Chủ tịch UBND phường phải can thiệp trực tiếp đến Ban giám hiệu Trường tiểu học nơi cháu Thịnh xin học với cam kết sẽ sớm bổ sung Đăng ký khai sinh. Cha mẹ đăng ký nhập học cho con với tên “tạm” Trần Quốc Thịnh.
Về sau, trường liên tục hối thúc, vợ chồng chị Quân buộc lòng phải “hi sinh” một trường hợp, làm thủ tục đăng ký tên cha Phạm Văn Hòa cho Thịnh. Ngày 7/8/2014, UBND phường đã cấp giấy Đăng ký khai sinh cho cháu Thịnh với họ tên đầy đủ Phạm Văn Thịnh (chứ không phải họ Trần theo cha đẻ Trần Quốc Vương).
Rắc rối tiếp diễn. Khi cha mẹ bổ sung giấy khai sinh này, trường lại không đồng ý với lý do, đang dạy cháu Trần Quốc Thịnh chứ “không có ai là Phạm Quốc Thịnh ở đây”. Rắc rối này hiện chưa có hướng xử lý, tạm thời “ngâm tôm” để đó.
Ngoài thiệt thòi khi học hành, cả 3 đứa con của chị Quân còn không được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và nhiều quyền lợi khác.
Để gỡ rối trường hợp này, theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng, nguyên nhân để xảy ra những rắc rối này nằm ở chỗ cán bộ phường quá cứng nhắc trong áp dụng luật.
Điều 21 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2011 và Khoản 1 Điều 63 của Luật Hôn nhân & Gia đình, ngoài quy định về con số 300 ngày “rắc rối” như đã nói ở trên, cũng có quy định: “Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”.
Như vậy, cần phải xét đến hoàn cảnh gia đình, bản chất vụ việc để linh hoạt áp dụng các quy định. “Ở đây, chồng cũ chị Quân cam kết không tranh cấp, xác nhận những đứa trẻ kia không phải con mình và yêu cầu tạo điều kiện để 3 đứa trẻ khai sinh theo cha Trần Quốc Vương. Chị Quân và anh Vương cũng mong muốn như vậy. Do đó 3 đứa trẻ hoàn toàn có thể được khai sinh theo đúng nguyện vọng của tất cả các bên nếu áp dụng căn cứ nếu trên”, luật sư này nói./.

Đọc thêm