Bị tước quyền làm bố vì vợ “quên” ly hôn chồng cũ

(PLO) - Những đứa con sinh ra bị ép buộc khai sinh theo tên người bố trong hôn thú của mẹ, mặc dù bố nó là một người khác. Nhùng nhằng với những vướng mắc đó, cả 3 cháu bé từ khi ra đời cho đến nay không giấy tờ, không được hưởng quyền lợi gì của xã hội…
Các con của chị Quân đến nay vẫn không có giấy khai sinh và mất luôn các quyền của trẻ em
Các con của chị Quân đến nay vẫn không có giấy khai sinh và mất luôn các quyền của trẻ em

36 tuổi đã 6 đứa con

Chị Tôn Nữ Chiêu Quân (SN 1977, ngụ tổ 2B, phương Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Năm 1999, chị Quân nên duyên với một người đàn ông SN 1976, ngụ phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê. Lần lượt 3 con gái ra đời vào năm 1999, 2001 và 2003.
Sinh con “một bề”, mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, vợ chồng ly thân, chị đứt ruột gửi cả 3 con cho gia đình chồng. Gần 2 năm sau, người chồng có “vợ” mới.
Năm 2006, chị gặp anh Trần Quốc Vương (SN 1976, ngụ phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Vượt qua rất nhiều cản trở từ người thân, anh Vương mới được gia đình đồng ý cho cưới chị Quân.
Khoảng thời gian trên, chị Quân vẫn chưa làm thủ tục ly hôn với chồng cũ. Chưa thể đăng ký kết hôn, cả 2 vẫn lần lượt sinh 3 người con, tự đặt tên Trần Quốc Thịnh (SN 2007), Trần Thị Thanh Hiền (2010) và Trần Thị Thanh Hòa (SN 2013). Cũng vì chưa đăng ký kết hôn nên các cháu ra đời đều không được làm giấy khai sinh.
Lý giải về sự chậm trễ này, chị Quân cho biết, dù chồng cũ đã có vợ mới với 3 con, nhưng gia đình nhà chồng vẫn không chịu giúp đỡ cho chị mượn giấy tờ để làm thủ tục ly hôn. Mãi đến năm 2013, chị mới được giải quyết ly hôn với chồng cũ, đồng thời đăng ký kết hôn cùng anh Vương.
Con số 300 “rắc rối” trong Luật
Vợ chồng chị đến UBND phường Hòa An làm thủ tục khai sinh cho các con. Một rắc rối mới tiếp tục phát sinh.
Điều 21 Nghị định 70 hướng dẫn chi tiết Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết hoặc có bản án quyết định ly hôn là con của người đó”.
Điều này đồng nghĩa, dù các cháu Thịnh, Hiền, Hòa thực tế là con của chị Quân và anh Vương, nhưng vì cháu sinh ra trong thời điểm chị Quân và chồng cũ chưa ly hôn nên mặc nhiên cả 3 cháu đều trở thành con của... người khác.
Căn cứ theo quy định này, cán bộ phường hướng dẫn vợ chồng chị Quân làm thủ tục khai sinh cho các cháu, nhưng phần cha phải đứng tên… người dưng, là chồng cũ của chị.
Cán bộ hướng dẫn, cứ đăng ký như vậy trước, sau đó muốn xác định lại cha cho con, vợ chồng chị phải đến TAND quận làm thủ tục xin xác định. Trên cơ sở phán quyết của Tòa, UBND sẽ làm thủ tục thay đổi hộ tịch.
Chị Quân làm theo hướng dẫn, đến Tòa án để nộp hồ sơ xin xác định lại cha cho con, nhưng Tòa trả lời “không có tranh chấp nên Tòa không giải quyết”. Mang ý kiến này về báo lại với cán bộ phường, không được chấp nhận.
Chị một lần nữa quay lại Tòa nhờ hướng dẫn, được cho biết, muốn xác định ADN phải chi phí gần 10 triệu đồng/cháu. Người mẹ nghèo rớt nước mắt xin rút hồ sơ vì “gia đình tôi làm gì có chừng đó tiền”.
Để giúp tháo gỡ, các ban ngành cũng đưa ra 3 giải pháp làm thủ tục đăng ký khai sinh cho các cháu, nhưng đều không thỏa đáng. Thứ nhất, để chồng cũ của chị đứng tên cha: Giải pháp này cả chồng cũ và chồng mới đều không đồng ý, không muốn “con một người, lại mang họ một nẻo”.
Thứ hai, để chị khai sinh theo thủ tục mẹ đơn thân sinh con: Vậy là sai luật, bởi cả 3 đứa trẻ đều sinh ra trong thời điểm chị Quân và chồng cũ chưa ly hôn.
Thứ 3, khai sinh để tên cha là anh Vương, thì cán bộ phường lại không dám làm trái luật. Vậy là vụ việc bị bỏ ngỏ.
(Còn nữa)

Đọc thêm