Nước Đức hiện tại là một trong những quốc gia ở châu Âu lại bị dịch bệnh Covid-19 làm cho “thất điên bát đảo”. Trên châu lục này bây giờ có nhiều nơi như nước Đức không kiểm soát được sự lây lan và bùng phát những làn sóng dịch bệnh mới. Mức độ dịch bệnh hoành hành như thế nào và lo ngại sâu sắc đến đâu về nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan trong thời gian tới thể hiện ở việc chính phủ Đức buộc phải áp dụng những biện pháp đối phó quyết liệt chưa từng thấy.
Những biện pháp chính sách này động chạm trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, thói quen sinh hoạt, tập tục ứng xử cũng như quan niệm của người dân về những quyền cơ bản của họ, về trách nhiệm của nhà nước và nghĩa vụ công dân. Chúng động chạm cả đến cách hiểu về cái gọi là “tam quyền phân lập” được đề cao và tôn thờ ở đây. Vì thế mới có chuyện phía lập pháp làm luật, trong khi phía hành pháp tạo lệ.
Cụ thể là cuộc tranh cãi giữa chính phủ và quốc hội về cơ quan nào có quyền ban hành những biện pháp chính sách khiến cho luật pháp hiện hành có nội dung khác, có thể bị hiểu khác và được thực thi theo cách khác so với thông dụng lâu nay, cũng như về Chính phủ phải trình Quốc hội để được phê chuẩn trước khi công bố và thực hiện những biện pháp chính sách vừa mới ban hành nhằm khẩn cấp ứng phó dịch bệnh.
Ở nước Đức hiện tại, Quốc hội cũng như công chúng đều có nhận thức chung về sự cần thiết phải có biện pháp chính sách quyết liệt đối phó dịch bệnh nhưng lại không hoàn toàn đồng thuận quan điểm về áp dụng biện pháp chính sách gì, ở đối tượng và địa phương nào, với mức độ ra sao.
Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất và duy nhất. Mọi văn kiện được coi là luật đều phải được Quốc hội thông qua. Từ cách hiểu như thế ở nước Đức thì cũng có thể suy diễn là mọi thay đổi, sửa đổi hay bổ sung nội dung cho luật pháp hiện hành đều phải được Quốc hội đồng ý và phải được tiến hành theo quy trình và trình tự lập pháp do hiến pháp quy định. Luật là như thế và lẽ ra phía Chính phủ phải tuân thủ luật này.
Hành pháp ở phía Chính phủ có nghĩa là Chính phủ thực thi pháp luật. Chính phủ không có quyền ban hành luật mà chỉ có quyền ban hành những văn bản nhằm thực thi luật hoặc hướng dẫn thực thi luật. Nhưng ở phía cơ quan hành pháp thường thấy có cái lệ coi sứ mệnh hành pháp là nắm thực quyền và vì nắm trong tay thực quyền nhà nước nên có thể hiểu và vận dụng luật theo cách riêng.
Những khi không có được sự đồng thuận quan điểm giữa Quốc hội và Chính phủ về cách hiểu và vận dụng luật pháp cũng như nếu không có sự đồng hành thì nền chính trị nói chung không được ổn định và luôn có sự cản phá lẫn nhau giữa phía lập pháp và phe hành pháp. Trên phương diện này, lệ không bào mòn được vị thế quyền lực bẩm sinh của luật.
Sự xung đột hiện tại giữa luật và lệ ở nước Đức là kết quả hoặc hệ lụy của một tình huống đặc biệt. Dịch bệnh đã hoành hành đến mức buộc Chính phủ Đức không thể không ứng phó mạnh mẽ và quyết liệt.
Ứng phó dịch bệnh cho dù với biện pháp chính sách nào đều luôn bao hàm cách ly xã hội, giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người, giữ khoảng cách ở nơi công cộng... tức là cấm người dân làm những việc này và buộc họ phải làm những việc kia ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền tự do cá nhân của họ, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương... Ở đây có chuyện phía Chính phủ phải lựa chọn là tự quyết định hay trình Quốc hội quyết định. Nói theo cách khác, chính phủ tự giải quyết vấn đề quan hệ giữa luật và lệ.