Luật nghiêm, dịch bệnh sẽ không còn!

(PLVN) - Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan soạn thảo Chỉ thị nghiêm cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD). 
Các vật phẩm từ động vật hoang dã bị cơ quan chức năng thu giữ.
Các vật phẩm từ động vật hoang dã bị cơ quan chức năng thu giữ.

Trong giai đoạn nóng bỏng của công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì Chỉ thị này rất được các nhà hoạt động vì môi trường trông đợi, bởi hơn ai hết họ hiểu 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đều đến từ ĐVHD. Và nếu con người không ngay lập tức ngừng việc mua bán, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD, thì đại dịch Covid-19 chưa phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải hứng chịu.

Có hay không mối liên hệ giữa động vật hoang dã và virus Sars - Cov2?

Đầu tuần rồi, giới khoa học truyền nhau thông tin về một cá thể hổ trong vườn thú New York dương tính Sars-Cov2. Nadia – tên cá thể hổ cái 4 tuổi, giống hổ Mã Lai tại Sở thú Bronx (New York, Mỹ) được xác nhận dương tính với Sars-Cov2.

Trước đó, Cơ quan Bảo tồn ĐVHD thuộc Sở thú Bronx đã lấy mẫu xét nghiệm của Nadia và 5 cá thể hổ, sư tử khác sau khi các cá thể này có triệu chứng bệnh hô hấp như ho khan. Nguyên nhân khiến Nadia nhiễm bệnh thì chưa biết, nhưng một nhân viên chăm sóc chuồng hổ trước đó đã được xác nhận mắc Covid-19. 

“Chúng tôi chưa biết căn bệnh Covid-19 sẽ tiến triển như thế nào ở các loài hổ, sư tử. Vì các loài khác nhau sẽ có những phản ứng khác nhau với cùng một loại virus. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và dự đoán chúng sẽ hồi phục hoàn toàn” – lãnh đạo sở thú này cho biết.

Được biết, Sở thú Bronx đã đóng cửa từ ngày 16/3 trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở New York. Và Bộ Nông nghiệp Mỹ trước đó đã khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với động vật, bao gồm cả vật nuôi, cho đến khi có thêm thông tin về cơ chế lây truyền của virus Sars-Cov2. 

“Có hay không mối liên hệ giữa ĐVHD và virus Sars-Cov2?” – câu hỏi này không chỉ làm đau đầu các nhà khoa học thế giới mà cả các nhà khoa học Việt Nam. Mới đây, các tổ chức CHANGE, WildAid phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức tọa đàm khoa học trực tuyến “Hoàn thiện pháp luật để quản lý, bảo vệ ĐVHD trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19”  để lấy ý kiến một số  cơ quan chức năng liên quan, cũng như các chuyên gia về sức khoẻ, luật pháp, các tổ chức phi chính phủ môi trường nhằm hỗ trợ Bộ NN&PTNT hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng của Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD, đặc biệt là những loài động vật nguy cấp, quý hiếm để trình Thủ tướng ban hành. 

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã nhắc lại các mốc thời gian sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc. Theo đó, ngày 29/02/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định virus gây đại dịch bắt nguồn từ ĐVHD. WHO cũng cảnh báo 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đều đến từ động vật.

Trước đó, ngày 24/02/2020, Chính phủ Trung Quốc ban hành quyết định cấm tiêu thụ ĐVHD và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Căn nguyên của việc Chính phủ Trung Quốc ban hành quyết định cấm này là vì dịch bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc tại khu chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, cũng là nơi buôn bán, giết mổ ĐVHD. 

Thịt rừng được bày bán ngang nhiên.
Thịt rừng được bày bán ngang nhiên. 

Tham gia tọa đàm, bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Điều phối viên liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cho biết, theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, hiện tại Bộ Y tế và các nhà khoa học Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào được công bố về mối liên hệ giữa ĐVHD và vi rút Sarv-Cov2 gây ra đại dịch lần này.

Tuy nhiên, theo sự nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Trọng An về mối liên hệ giữa ĐVHD và đại dịch thì các văn bản của Bộ Y tế Việt Nam đều trích dẫn các công bố báo cáo chi tiết về dịch Covid-19 của WHO về nguồn gốc của virus: “Virus Corona chủng mới (Sarv-Cov2) bắt nguồn từ ĐVHD. Các phân tích cho thấy dơi dường như là vật chủ cho Sarv-Cov2 nhưng vật chủ trung gian chưa được xác định. Các nghiên cứu xác định nguồn gốc virus vẫn đang được tiến hành”.

Việt Nam không thể đứng ngoài lời kêu gọi

Một cuộc khảo, điều tra, thu thập thông đã được thực hiện từ nửa cuối tháng 2/2020 đến ngày 20/3/2020 tại Tuyên Quang, Bắc Kạn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Định, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ và một số tỉnh biên giới giáp Việt Nam thuộc nước Lào với nội dung khảo sát bao gồm: Hành vi buôn bán, giết thịt, kinh doanh ĐVHD công khai; Hành vi buôn bán, giết thịt ĐVHD nguy cấp bí mật; Thói quen ăn uống các loài ĐVHD tại một số nhà hàng, vùng quê và bộ phận quan chức, doanh nghiệp; Hồ sơ, tài liệu các vụ việc bắt giữ, xử phạt hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, giết thịt ĐVHD từ các cơ quan chức năng; Hành vi buôn bán, săn bắt, giết thịt, kinh doanh ĐVHD trái phép trên mạng xã hội.

Các phát hiện thông qua khảo sát cho thấy tại Việt Nam, lâu nay tập quán thích ăn thịt thú rừng, tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng xảy ra tràn lan ở khắp mọi miền rất nhức nhối khiến nhiều loài thú rừng đang có nguy cơ tiệt chủng.

“Ở nước ta từ trước đến nay cũng đã có nhiều người bị chết do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt ĐVHD, báo chí cũng đã đưa nhiều tin bài về các vụ người dân bị chết tập thể sau khi ăn thịt con nưa (giống trăn 9 lỗ mũi ở vùng núi Tây Nguyên, Kiên Giang), câu chuyện nhiều người bị mắc viêm phổi nặng phải cứu chữa sau khi ăn cua đá ở khe suối các tỉnh miền núi phía Bắc do bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên.

Nhưng đó vẫn là những cá thể hoặc nhóm cá thể bị lây lan dịch bệnh từ ĐVHD. Còn vấn đề đại dịch Covid-19 hiện nay do virus Corona chủng mới có nguồn gốc từ ĐVHD đang tàn phá toàn cầu, trong đó có Việt Nam là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, cần thiết, Chính phủ, các bộ, ngành và mọi người dân cần phải chung tay hành động” - bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh. 

Bảo vệ động vật hoang dã.
 Bảo vệ động vật hoang dã.

Trong một thông cáo vừa phát đi, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, các văn phòng WWF châu Á - Thái Bình Dương hoan nghênh quyết định cấm tiêu thụ thịt ĐVHD và chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD của Trung Quốc và kêu gọi các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đưa ra quyết định tương tự để bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của người dân, bởi hành động của một quốc gia thôi là không đủ.

Từ lâu, Việt Nam được xem là thị trường có độ nóng về tiêu thụ ĐVHD trong khu vực, tại Việt Nam thị trường buôn bán ĐVHD bất hợp pháp phổ biến và tạo thành một trong những hoạt động kinh tế bất hợp pháp có thể so sánh với giá trị của việc buôn bán ma túy, buôn người và buôn vũ khí. Do đó, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài lời kêu gọi này.

Pháp luật cũng có thể chặn đại dịch từ trứng nước nếu…

Theo Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, tình trạng săn bắt, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ ĐVHD vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Đặc biệt là hành vi rửa nguồn gốc, trà trộn ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp vào ĐVHD gây nuôi để buôn bán, giết mổ. Các hoạt động này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh cho con người.

Từ tháng 1/2018 đến ngày 31/5/2019, lực lượng kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý 560 vụ vi phạm về ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, 41 vụ xử lý hình sự với 38 bị can; 27 bị can được đưa ra xét xử với mức phạt cao nhất là 7 năm 6 tháng tù giam; xử lý hành chính 519 vụ.

Trước thực trạng số vụ án được đưa ra xử lý thấp dẫn đến hạn chế tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, để tháo gỡ, Cục Kiểm lâm kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ĐVHD; tránh hành chính hoá các quan hệ hình sự, bỏ lọt tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của lực lượng thực thi pháp luật.

Cùng quan điểm, Luật sư Đặng Đình Bách - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách và phát triển bền vững cho rằng, ngay từ đầu dịch Covid-19, Trung Quốc và WHO đã đặt ra nghi vấn virus SARS-Cov2 bắt nguồn từ ĐVHD. Vấn đề về ĐVHD hiện nay cần được nhìn nhận ở góc độ bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy định pháp luật bảo vệ ĐVHD còn bộc lộ hạn chế, đó là sự thiếu vắng quy định về quyền tự nhiên của động vật. Các quy định về ĐVHD hiện nay nằm rải rác trong các bộ luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, khách thể của tội phạm liên quan đến ĐVHD trong Bộ luật Hình sự 2015 là tội phạm về kinh tế, không phải là tội phạm về môi trường, điều này bỏ qua việc đánh giá tác động môi trường và đa dạng sinh học, cũng như tác động đến sức khoẻ con người khi xem xét đến hậu quả pháp lý…

Được biết, bản dự thảo cuối cùng của Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ ĐVHD, đặc biệt là những loài động vật nguy cấp, quý hiếm đã được trình Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 3/2020 và tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị này. 

Không nên đổ lỗi cho ĐVHD

“Cần phải hiểu rằng không nên đổ lỗi cho ĐVHD, bởi việc lây nhiễm virus từ các loại ĐVHD sang người là do có sự can thiệp của con người với ĐVHD. Thịt và phủ tạng ĐVHD có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại.

Do vậy, việc chấm dứt các hành động săn bắn, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ ĐVHD là việc làm cấp bách. Và cũng cần có các biện pháp ngăn ngừa các can thiệp gây hại của con người để bảo vệ các loài ĐVHD” - bác sĩ Nguyễn Trọng An.

Đọc thêm