Săn bắn, nuôi nhốt động vật rừng trái phép sẽ bị phạt tới 400 triệu đồng

(PLVN) - Nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ban hành Công văn số 2669/UBND-NN hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh TT- Huế quy định phạt tới hàng trăm triệu đồng nếu có hành vi săn bắt, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái phép (ảnh mang tính minh họa)
Tỉnh TT- Huế quy định phạt tới hàng trăm triệu đồng nếu có hành vi săn bắt, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái phép (ảnh mang tính minh họa)

Theo đó, các hành vi quảng cáo để kinh doanh động vật hoang dã, bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã trái quy định của pháp luật: mức phạt có thể từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; săn bắt, giết,nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.

Vận chuyển lâm sản trái pháp luật mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật (đối với động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng) mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 360.000.000 đồng. Cùng với đó, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép sẽ bị phạt mức từ 500.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm: mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; hoặc phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cùng với tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng tùy theo mức độ vi phạm

Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản (đối với trường hợp không sử dụng tàu cá): mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện, ngư cụ…

Cùng với đó, sẽ truy tố xử lý hình sự các hành vi săn bắt, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển động vật nguy cấp, quý, hiếm; vi phạm liên quan đến các loài thủy sản.

Thời gian qua, mặc dù chính quyền các cấp, các ngành chức năng Thừa Thiên – Huế đã tích cực tuyên truyền các quy định của Nhà nước trong công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã do đó tình hình vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã có giảm đáng kể, nhận thức của người dân được nâng cao. Thế nhưng, việc săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời... vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Đọc thêm