Nhìn vào sự bình đẳng này có thể đánh giá được mức độ dân chủ và nhân quyền thực sự ở các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong các tôn giáo, Đạo Hồi có quan điểm khắt khe nhất trong vấn đề này. Tín ngưỡng đạo Hồi cấm triệt để đồng tính và thậm chí còn trừng phạt rất nặng những người đồng tính. Iraq là một quốc gia với đạo Hồi là quốc giáo và có quan điểm chính sách như thế về vấn đề người đồng tính. Ở đây, cả tôn giáo lẫn luật pháp quốc gia hiện hành đều cấm đồng tính.
Mới đây, nhân Ngày quốc tế chống kỳ thị và phân biệt đối xử người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới tính, cơ quan đại diện ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) và đại sứ quán một số nước phương Tây ở thủ đô Baghdad của Iraq đã treo lá cờ bảy sắc cầu vồng cùng với lá cờ của EU hay quốc kỳ của các quốc gia kia. Bảy sắc cầu vồng được dùng làm biểu tượng cho đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.
Công khai sử dụng bảy mầu sắc này dưới mọi hình thức, đặc biệt bằng lá cờ, được nhìn nhận là công khai bày tỏ sự ủng hộ công cuộc đấu tranh vì bình đẳng đối xử người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Đối với EU và các nước kia cũng như đối với đại đa số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, việc công khai thể hiện quan điểm thái độ như thế thật ra là chuyện rất bình thường.
Cái lệ chung ở đây đối với tất cả các nước ấy và các tổ chức như EU là tận dụng mọi dịp để làm việc ấy với mục đích không phải chỉ có đơn thuần là biểu thị sự ủng hộ nói trên mà còn khích lệ và nhắc nhở mọi người ở mọi nơi trên thế giới phải kiên định quyết tâm đấu tranh đảm bảo mọi quyền chính đáng cho những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.
Trong chuyện này ở Iraq, EU và các nước kia còn hàm ý phê trách quan điểm chính sách của phía Iraq về vấn đề người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Nhưng cả trong thế giới ngoại giao cũng có câu tương tự như ở ngoài đời thường là nhập gia phải tuỳ tục.
Cho dù thế giới bên ngoài có bất đồng quan điểm như thế nào, có không hài lòng như thế nào và có phê trách như thế nào thì luật pháp và tôn giáo ở Iraq vẫn là cấm và nghiêm trị những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới. Iraq không phải là quốc gia Hồi giáo duy nhất hiện tại trên thế giới có quan điểm chính sách như thế. Vậy là ở đây trong vụ việc này có hai chuyện cả thảy.
Chuyện thứ nhất là lệ khách trái ngược với luật nhà. Những khi khách hành xử như vậy thì chủ nhà luôn bị khó xử. Đuổi khách đi bình thường thôi đã là chuyện không dễ và không mấy khi xảy ra, quyết định như thế trong thực tiễn cuộc sống của thế giới ngoại giao lại càng thêm hiếm thấy và là ngoại lệ chứ không phải là thông lệ.
Chuyện thứ hai là chuyện nhập gia tùy tục. Các nhà ngoại giao và các cơ quan đại diện, lãnh sự của nước cử đi được hưởng những quyền ưu đãi miễn trừ sâu rộng ở nước tiếp nhận nhưng phải có trách nhiệm tôn trọng và tuân thủ các luật pháp và quy định hiện hành của nước sở tại.
Cũng chính vì thế mà phía chính phủ Iraq đã phải thể hiện thái độ không hài lòng về việc làm nói trên của cơ quan đại diện ngoại giao của EU và đại sứ quán một số nước ở Iraq. Quan hệ song phương của Iraq với các đối tác kia không hẳn bị tổn hại nặng nề, nhưng cũng bị sứt mẻ nhất định. Xung khắc giữa luật nhà và lệ khách có khi nào không để lại hậu quả gì đâu.