Luật pháp nhân văn

(PLO) - Bác sỹ Hoàng Công Lương –người bị khởi tố bị can trong vụ án chạy thận làm 8 người chết tại Hòa Bình được thay đổi biện pháp ngăn chặn, từ tạm giam đến cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú và bác sỹ đã về với gia đình, mẹ già, con nhỏ. Cái tin này làm nhiều người xúc động, Bộ trưởng Y tế gửi lời cảm ơn Luật sư của bị can Lương và cho rằng động thái này là “rất nhân văn”.
Bác sĩ Lương đã được tại ngoại.

Việc bắt người phục vụ cho công việc điều tra là cần thiết. Song, nó gây nên một hệ lụy rất lớn ở nhiều phương diện. Ngay sau khi người bị bắt, nếu là cán bộ, công chức thì bị đình chỉ công tác, thậm chí cho thôi việc luôn, nếu là đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt, có thể bị khai trừ, nếu chỉ là dân thôi thì chí ít cũng bị mọi người nghi kỵ, ghẻ lạnh, xa lánh, vợ con, gia đình đều bị vạ lây.

Cái định kiến “bị bắt là có tội” như một sự mặc định đối với dư luận xã hội, mặc dù nguyên tắc “chỉ coi là có tội khi có quyết định của bản án” nhưng mấy ai tin vào điều này. Có trường hợp bị bắt thì dân chúng thở phào nhẹ nhõm vì đối tượng đó nếu còn ngoài xã hội thì cộng đồng luôn nơm nớp, âu lo.

Ngược lại, có người khi bị bắt thì mọi người chung quanh tỏ ra thương cảm, bất bình, bác sỹ Lương là một ví dụ. Vì vậy, nếu “bắt cũng được mà không bắt cũng được” thì tốt nhất là không bắt. Cách đây chưa lâu, đề tài chống lạm dụng việc bắt giam đã nóng lên ở nhiều diễn đàn khác nhau: Hội thảo, tọa đàm khoa học, báo chí truyền thông và cả ở nghị trường Quốc hội.

Vụ việc “nhân văn pháp luật” này khiến người ta liên hệ được việc bắt tạm giam với một bí thư xã ở Thanh Hóa xảy ra 4 tháng trước đây. Ông ta bị bắt vì “nhắn tin bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo”.

Dư luận đã ồn ào về chuyện này, bởi một người là Huyện ủy viên, thành viên Hội đồng nhân dân huyện, đương kim Bí thư xã liệu có phải dùng hình thức quyết liệt như thế với cái “tội trạng” kia không? Lý giải khúc mắc này, cơ quan chức năng cho biết là ông ta có ý định bán nhà, ly dị vợ, có dấu hiệu bỏ trốn nên phải bắt, còn việc đình chỉ các chức danh đều diễn ra “đúng quy trình”(?!). Đã hết thời hạn tạm giam 2 tháng đối với bị can này, giờ không hiểu sinh mạng pháp lý của ông ta ra sao?

Trở về với câu chuyện bác sỹ Lương. Bị tạm giam 4 tháng mà được tại ngoại chỉ sau chưa đầy 2 tuần là một việc rất hiếm xảy ra. Đây là kết quả của công luận và dư luận, kiến nghị của cơ quan, đoàn thể, sự lên tiếng của các chuyên gia y khoa và pháp lý nhưng đáng ghi nhận hơn cả là động thái tích cực của cơ quan điều tra đã làm một việc đúng pháp pháp luật, nhân văn và hợp lòng người.