PLVN đã có cuộc trò chuyện với LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) về vấn đề này.
Thiệt hại trong nghi án này là gì?
Thưa LS, trước cuộc đấu giá, hồ sơ của bà Bích bà Chi, do ông Đạt là “lính” của hai người này mang đến nộp cùng một thời điểm. Lẽ ra tổ chức đấu giá phải làm gì trong trường hợp này? Tại thời điểm này đã xuất hiện nghi vấn thông đồng dìm giá hay chưa?
- Việc một người mang cùng lúc hai hồ sơ của hai người sẽ đấu giá với nhau đến nộp cho Cty BR-VT nghi vấn có dấu hiệu thông đồng trong việc đấu giá, vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Đấu giá Tài sản (ĐGTS). Trước tình huống trên, Cty BR-VT phải có trách nhiệm kiểm tra tư cách của hai ứng viên tham gia đấu giá để tránh việc thông đồng dìm giá.
|
LS Trần Cao Đại Kỳ Quân |
Như PLVN đã nêu về các vấn đề hồ sơ của bà Bích bà Chi, khoản tiền chuyển lòng vòng để lấy số dư tài khoản, bà Phương là người chuyển tiền cho cả bà Bích bà Chi “ký quỹ”... LS nhận thấy những người này đã có hành vi đủ dấu hiệu yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 218 BLHS hay chưa?
- Với những chứng cứ như trên thì có dấu hiệu rõ ràng của tội phạm “vi phạm quy định về hoạt động bán ĐGTS” theo Điều 218 BLHS.
CQĐT cần khởi tố vụ án để tiến hành các hoạt động điều tra, làm rõ cá nhân nào đứng đằng sau, chỉ đạo ra sao; sự liên quan của đấu giá viên, người nhận hồ sơ đấu giá, cán bộ chức năng trong lĩnh vực đấu giá tại BR-VT...?
Một vấn đề nhiều bạn đọc còn băn khoăn là Điều 218 BLHS quy định phải có “hành vi của cá nhân thu lợi bất chính từ 30 triệu đến dưới 200 triệu đồng; hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng”. LS có thể giải thích vấn đề này?
- Thiệt hại ở đây được xác định là số tiền mà bên có tài sản đấu giá (UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất) thực hiện chi phí các hợp đồng như: Chi phí thực hiện hợp đồng giao thầu cho Cty đấu giá để tiến hành tổ chức đấu giá; Chi phí thực hiện cuộc đấu giá theo hợp đồng đấu giá với Cty đấu giá... Tất cả chi phí này đều do người có tài sản (UBND tỉnh – NV) chi trả.
Về “thu lợi bất chính”, ai cũng biết thông đồng dìm giá để mua được tài sản với mức giá thấp nhất, đó là thu lợi bất chính. Còn xác định số tiền bao nhiêu thì cơ quan công an phải điều tra làm rõ.
Đối với khoản tiền đặt trước, nếu xác định có thông đồng dìm giá thì sẽ xử lý ra sao?
- Với khoản tiền đặt trước, nếu quá trình điều tra xác định có hành vi thông đồng trong đấu giá, hành vi đó cấu thành tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”; thì số tiền này phải bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước theo quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 47 BLHS.
Đối với Cty đấu giá thì vai trò, trách nhiệm trong vụ việc này như thế nào?
- Cty đấu giá phải chịu trách nhiệm vì đã thiếu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ dù có nhiều dấu hiệu thông đồng, vi phạm Điều 9 Luật ĐGTS. Đặc biệt, cần làm rõ vai trò của đấu giá viên và những cá nhân liên quan thuộc Cty đấu giá.
|
Sơ đồ, vị trí khu đất rộng gần 80.000m2 ở An Hải - An Hội. |
Có e ngại sự việc “chìm xuồng”?
Vụ việc được phát hiện hơn 1 năm qua, CQĐT CA Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện việc xác minh theo yêu cầu của UBND tỉnh từ tháng 11/2020. Tới nay thời gian đã 8 tháng. LS có thể lý giải tại sao thời gian lại dài như vậy?
- Theo tôi, dù vi phạm trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất không ít; nhưng phát hiện ra sự việc thông đồng dìm giá với tài sản được định giá khởi điểm hơn 500 tỷ, có một âm mưu dàn dựng tinh vi tỉ mỉ để qua mặt cơ quan chức năng... như loạt bài PLVN vừa phản ánh, thì lần đầu mới thấy. Do đó, theo cá nhân tôi, CQĐT đã phải xác minh điều tra rất thận trọng, thậm chí phải hỏi nhiều cơ quan ban ngành cấp trung ương để chắc chắn hơn.
Thứ hai, cuộc đấu giá đã diễn ra hơn năm, nhưng đến nay PLVN mới có loạt bài, theo tôi đánh giá là kỳ công, phản ánh chi tiết rõ ràng nhiều góc cạnh của sự việc. Khi PLVN phơi bày ra sự việc, dư luận mới nhận định dấu hiệu thông đồng dìm giá trong cuộc đấu giá là rõ ràng.
Quan điểm cá nhân tôi, CQĐT CA BR-VT cần sớm khởi tố vụ án, từ đó mới có thể điều tra làm rõ kết luận hành vi từng cá nhân phạm tội như thế nào.
Theo LS, CQĐT CA BR-VT có “e ngại” khi điều tra một sự việc liên quan đến những người trong “Tập đoàn THP” là những người rất nổi tiếng, có rất nhiều tài sản... hay không?
- Theo tôi, với bất kỳ vụ án nào, CQĐT nào cũng chỉ e ngại nếu chứng cứ không rõ ràng. Trước pháp luật, tất cả mọi người, dù có tài sản ngàn vạn tỷ hay không có đồng nào, đều bình đẳng như nhau.
Gần hai năm nay, theo dõi diễn biến từ phía BR-VT, tôi cũng thấy lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chỉ đạo rất quyết liệt về sự việc. Vì vậy tôi tin rằng không có bất kỳ điều gì đáng phải e ngại.
Có ý kiến cho rằng ngoài dấu hiệu thông đồng đấu giá tại BR-VT, nhóm người “Tập đoàn THP” còn có hành vi tương tự tại Phú Yên, Bình Phước... vì vậy, Bộ Công an có nên vào cuộc sự việc này?
- Như Báo PLVN đã phản ánh, mới đây một số cá nhân có đơn tố cáo nhóm người “Tập đoàn THP” vi phạm quy định về hoạt động bán ĐGTS gửi Bộ Công an và CA các địa phương. Do có dấu hiệu cùng một phương thức, một nhóm người thực hiện hành vi tại nhiều tỉnh thành; đồng thời vụ việc có tính chất phức tạp; nên Bộ Công an cần thiết phải có sự chỉ đạo; thậm chí vào cuộc để điều tra thống nhất. Khoản 2 Điều 19 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã quy định rất rõ về thẩm quyền này: “Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh thành...”.
Xin cảm ơn ông!
Sau khi phát hiện nghi vấn thông đồng đấu giá, ngày 16/11/2020, UBND tỉnh BR-VT có Văn bản 12670/UBND-VP giao CA tỉnh rà soát, thẩm tra.
Mới đây, ngày 2/6/2021, trong Văn bản số 483/CSKT, Đại tá Nguyễn Huy Cương, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, khẳng định sự việc này vẫn đang được CA tỉnh xác minh.
Tại Bình Phước, CA Bình Phước cũng vừa chuyển hồ sơ tố cáo nhóm người THP vi phạm khi đấu giá đất tại Bình Phước đến PC03 CA Bình Phước xem xét giải quyết.