“Lùm xùm” vụ đấu giá mỏ cát 2.800 tỷ ở An Giang: Đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau khi gây xôn xao dư luận vì trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang với giá 2.811 tỷ đồng, cao gấp gần 400 lần giá khởi điểm, Cty T-S.Home (trụ sở TP HCM) mới đây “xin” nhận lại 1,4 tỷ đồng tiền đặt cọc và đồng ý trả chi phí tổ chức đấu giá tại khu mỏ cát.
Ảnh minh họa. Nguồn VOV
Ảnh minh họa. Nguồn VOV

Đòi hoàn trả tiền đặt trước

Mới đây, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh (TTDVĐGTS) gửi thông báo đến Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ T-S.Home, đơn vị trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền, đề nghị nộp tiền trúng giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát.

Với số tiền trúng đấu giá quyền khai thác cát lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, Cty T-S.Home phải nộp hơn 140 tỷ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Số tiền còn lại, Cty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm phải nộp số tiền tạm tính là hơn 667 tỷ đồng. Thời gian khai thác mỏ là 12 năm, mỗi năm khai thác 200.000m3.

Tuy nhiên, phía Cty lại “yêu sách” cho nộp tiền trúng đấu giá lần đầu là 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác và số tiền hơn 90 tỷ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên. Trong trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận đề xuất này, Cty T-S.Home xin nhận lại 1,4 tỷ đồng tiền đặt cọc và đồng ý trả chi phí tổ chức đấu giá tại khu mỏ cát.

Từ những lý do trên, Sở TN&MT An Giang đã đề xuất UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá quyền khai thác mỏ cát sông trên sông Tiền với Cty T-S.Home. Đồng thời, Sở yêu cầu Cty T-S.Home phải trả lại chi phí tổ chức đấu giá cho TTDVĐGTS với số tiền 330 triệu đồng trước khi được nhận lại tiền đặt cọc là hơn 747 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét theo hướng hủy kết quả trúng thầu quyền khai thác khoáng sản tại mỏ cát thuộc xã Bình Phước Xuân với Cty TNHH TM&DV T-S.Home; đồng thời tổ chức đấu giá lại theo quy định.

Trước đó, dư luận xôn xao trước thông tin mỏ cát trên sông Tiền được đấu giá từ 7,2 tỷ lên 2.811 tỷ đồng, cao gấp 390 lần giá khởi điểm.

Cụ thể, cuối tháng 3/2021, TTDVĐGTS thuộc Sở Tư pháp An Giang đã tổ chức bán đấu giá công khai mỏ cát trên sông Tiền với giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng. Phiên đấu giá có sự tham gia của 19 DN. Kết thúc phiên đấu giá, Cty T-S.Home trúng đấu giá với số tiền 2.811 tỷ đồng. Công ty này có trụ sở ở TP HCM, vốn điều lệ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 27 tỷ đồng. DN này có thư cam kết tài trợ vốn vay thực hiện dự án 50 tỷ đồng.

Được biết, cuộc đấu giá trải qua 45 vòng, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá là 1.951%, tạm tính là 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần so với giá khởi điểm. Đơn giá trúng đấu giá hơn 1,1 triệu đồng/m3 cát khai thác. Mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 60,3ha; mức sâu khai thác dự kiến -16m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500m3. Mỏ này đã từng được khai thác từ nhiều năm trước, đến nay trữ lượng cát bổ sung nên được đưa ra đấu giá khai thác tiếp.

Luật quy định như thế nào?

Về hậu quả pháp lý của việc hủy kết quả đấu giá tài sản, Thạc sĩ, LS Nguyễn Đức Hùng (Phó GĐ Cty Luật TNHH TGS, Đoàn LS TP Hà Nội) phân tích, Điều 73 Luật Đấu giá tài sản quy định: Trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 72 của Luật này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp việc hủy kết quả đấu giá không gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì các bên tham gia có thể thỏa thuận về việc hủy kết quả đấu giá tài sản nêu trên.

Các chuyên gia pháp lý cho biết, pháp luật hiện hành không cấm đơn vị trúng đấu giá tự ý hủy kết quả phiên đấu giá, nhưng pháp luật có nhiều quy định điều chỉnh hành vi này. Cụ thể, nếu bỏ kết quả trúng đấu giá, DN không được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 6, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (tiền đặt trước không được hoàn trả trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này được nộp vào ngân sách nhà nước). Ngoài ra, đơn vị trúng đấu giá này sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát này theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định 22/2012/NĐ-CP.

Một chuyên gia pháp lý cảnh báo hậu quả từ hành vi “trúng đấu giá song tự ý hủy kết quả phiên đấu giá” như sau: Với trường hợp tổ chức đấu giá lại quyền khai thác khoáng sản tại khu mỏ nói chung, mỏ cát 2.800 tỷ đồng nói riêng, việc đấu giá cũng sẽ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Nghĩa là giá khởi điểm của khu mỏ và bước giá cũng sẽ được cấp thẩm quyền quyết định đảm bảo đúng quy định theo Nghị định 22 và Thông tư liên tịch 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC.

Trả lời tại buổi họp báo chiều 22/10, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, Cục đã nắm được thông tin và đang theo dõi sát sao. Do đây là cuộc đấu giá thành nên theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì việc hủy kết quả đấu giá thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh An Giang. Theo bà Mai, pháp luật hiện hành về dân sự và khoáng sản đã có đầy đủ quy định về xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá từ chối thực hiện nghĩa vụ sau đấu giá.

Giải pháp với tình trạng này là cần đưa giá khởi điểm tài sản đấu giá về đúng giá trị thực của tài sản. Đây là nội dung thuộc thẩm quyền trách nhiệm của người có tài sản. Bà Mai dẫn lại Chỉ thị số 40 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá và nhấn mạnh Chỉ thị đã giao các bộ, ngành, người có tài sản rà soát các quy định về xác định giá khởi điểm nhằm xác định đúng giá trị của tài sản đấu giá, qua đó đảm bảo chất lượng và hiệu quả cuộc đấu giá, tránh tình trạng đẩy giá lên quá cao, không đảm bảo thực chất cuộc đấu giá.

Đọc thêm