Thế nhưng, dù đã nhiều năm trôi qua “điểm nóng” một thời vẫn chưa bớt nóng. Số người chết liên quan đến căn bệnh ung thư ở ngôi làng này thậm chí còn tăng cao...
Nỗi buồn xuyên thập kỷ
Mới đây, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả điều tra cả nước có 37 “làng ung thư” trong đó Lũng Vỵ luôn đứng đầu.
Một cao niên trong vùng cho biết trong xóm ngoài làng lúc đó cũng ngót 40 trường hợp “dính” cái án ung thư. Nhiều gia tộc nhỏ trong làng như họ Trần cũng có không dưới 5 người bị ung thư chết.
Người dân Lũng Vỵ rỉ tai nhau rằng, những cái chết dồn dập ấy nôm na đều do dịch “xa gan” (Bệnh xơ gan – PV) mà ra cả. Độ tuổi người mất cũng trẻ dần, phần lớn là trụ cột trong gia đình, cao tuổi nhất mới chỉ chạm ngưỡng 55.
|
Đó là khoảng thời gian trước năm 2008, nay nỗi buồn liên quan đến ung thư như càng dai dẳng, nhức nhối hơn. Vuốt ngang những giọt nước mưa còn đọng trên mặt, một người đàn bà luống tuổi tên Sinh Lũy chỉ chúng tôi hướng ra phía khu nghĩa trang rồi chua xót nói: “Ngần này tuổi, tôi chưa khi nào thấy ở đâu chết nhiều như ở đây. Khổ lắm nhà báo ạ, thôn này đâu có lớn, chỉ hơn 400 nhà thôi nhưng có tới tận 3 cái nghĩa trang. Mà cũng lạ, toàn người chết vì ung thư, toàn người chết trẻ thôi”.
“Bóng ma” ung thư bao trùm Lũng Vỵ, nó ám ảnh người dân nhiều đến mức hỏi bất kỳ ai trong làng họ cũng có thể kể vanh vách những người bị ung thư.
“Gần đây nhất có người chết vì ung thư thì có hộ Hoa Huấn, nhà Mạnh Toan, Nghị Lung, rồi thì nhà Đức, ông Ben... nhiều lắm, có khi còn gần chục nhà nữa” – một người dân nhẩm đếm rồi thở dài thườn thượt.
Trời chuyển tiết giao mùa, cơn mưa ào ào đổ xuống ngày một nặng hạt, không khí dường như càng u ám hơn khi chúng tôi ghé nhà bà Tuất, một hoàn cảnh éo le đến mức nhiều người phải thảng thốt rằng “khổ nhất, tăm tối nhất cái làng Lũng Vỵ”.
Những phận người bi thương
Bà Tuất tên đầy đủ là Nguyễn Thị Tuất (sinh năm 1945). Trong ngôi nhà trống hoác, phả ra mùi nhang cay nồng vương trên bàn thờ của người con trai mới mất chưa chẵn 100 ngày, bà Tuất ôm đứa cháu nội mới qua cữ dứt sữa, dấm dứt vừa khóc vừa kể: “Tôi từng này tuổi rồi, cha mẹ tôi, rồi tôi nào có sống ác nghiệt với ai đâu mà trời nỡ gieo bất hạnh vào nhà tôi. Mấy thằng con trai tôi, chúng nó đều đang chết cả rồi, cái thân già này, rồi vợ chúng nó, con chúng nó biết sống thế nào”.
|
Bà Tuất chia sẻ với PV. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên tiếp năm nào nhà bà Tuất cũng hứng chịu đại tang. Khoảng năm 2011, người con trai Đỗ Văn Hảo (sinh năm 1983) chết vì ung thư phổi. Liên tiếp các năm tiếp sau là anh Đỗ Văn Luyện (sinh năm 1970) chết vì ung thư gan, Đỗ Văn Quy ung thư tủy. Mới đây nhất, người con trai của bà Tuất tên Đỗ Văn Huấn cũng chết vì ung thư gan.
“Thằng Huấn chết rồi nhưng cũng vẫn còn khoản nợ hơn 100 triệu đồng tiền chữa bệnh cho nó chẳng biết khi nào mới trả được bác ạ. Thằng con thứ tư của tôi là Đỗ Văn Hoạch, mới đây cũng phải vào viện Nhiệt đới trên Hà Nội để điều trị. Nghe người ta nói nó cũng bị ung thư, mới nằm hơn một tuần mà đã vay nợ cả chục triệu rồi, cái số phận nhà tôi sao nó lại khổ thế chứ” – bà Tuất chua xót.
Ngoài 5 người con trai bà Tuất “dính” ung thư thì trước đây chồng bà là ông Đỗ Văn Tuất cũng mất vì căn bệnh ung thư phổi năm 1997. Như vậy, cả 6 người đàn ông trụ cột trong gia đình bà Tuất đều lần lượt chết vì căn bệnh ung thư.
Nuốt vào lòng nỗi đau đớn, giờ đây ở cái ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” bà Tuất vẫn hàng ngày phải cặm cụi vót từng nan tre để kiếm dăm, ba ngàn bạc lẻ rau cháo nuôi cháu, chăm con.
Liên quan đến câu chuyện ung thư ở Lũng Vỵ, người viết khá băn khoăn về số liệu những người dân “dính” ung thư trong vùng. Chẳng là, theo thống kê của ông Phạm Ngọc Kiên, trưởng thôn Lũng Vỵ, cả thôn hiện có hơn 400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu.
Sổ ghi chép của ông trưởng thôn thống kê, năm 2014 Lũng Vỵ tổng cộng có 12 người tử vong vì ung thư. Trong số đó, đa phần người chết ở độ tuổi dưới 60, người trẻ nhất chưa đầy 30 tuổi và toàn bộ là nam giới.
Trái lại, một vị cán bộ y tế địa phương lại khẳng định rằng, số người chết liên quan đến căn bệnh ung thư ở Lũng Vỵ chỉ khoảng 5 người. Làng Lũng Vỵ cũng chưa thể đủ “chuẩn” để gọi là “làng ung thư” như truyền thông đưa tin.
Vì sao ư? Bởi so tương quan số người bị ung thư ở Lũng Vỵ không cao hơn các địa phương khác, thậm chí còn có phần thấp hơn các thôn khác thuộc xã Đông Phương Yên.
Tuy nhiên, đối chiếu với thông tin người dân Lũng Vỵ cung cấp trước đó thì thấy tất thảy số liệu thống kê đều “vênh” nhau. Vậy số liệu của người dân, trưởng thôn hay đơn vị y tế thống kê mới là chính xác; vai trò của các cấp chính quyền ở đâu khi để người dân suốt hàng chục năm chìm nghỉm trong sự hoang mang bệnh tật như vậy...?
Trong sự mơ hồ về “cơn bão” ung thư đang quần thảo ở Lũng Vỵ, bất giác chúng tôi lạnh người khi chứng kiến những nấm mồ la liệt, ken đặc ở ba khu nghĩa trang vây quanh ngôi làng vỏn vẹn 400 hộ dân này.
(Còn tiếp...)