Lương tâm “thợ viết”

(PLO) - Chị mở bản kết luận ra rồi lại đóng vào, mắt cứ nhìn mãi vào cái dấu đỏ. Chị biết, với văn bản này, người nông dân nọ rồi sẽ phải lãnh chịu hậu quả cho hành vi dại dột của mình. 
Mấy tháng trước, khi chị bắt đầu viết về sự việc này, chị cũng chịu nhiều áp lực, nhiều can thiệp nhưng chị vẫn viết. Rồi thanh tra, kiểm tra, rồi nhiều tờ báo có cùng quan điểm như chị đã lên tiếng bênh vực người nông dân thiếu hiểu biết. Tiếc rằng, chị cũng như các đồng nghiệp chỉ có thể nói lên sự thực mà không làm thay đổi được cục diện. 
Hôm nay, người ta đề nghị chị đăng tải toàn văn bản kết luận, không quên nói thẳng sẽ có “cảm ơn hậu hĩnh”. Chị biết, họ rất cần báo chị lên tiếng bởi chính báo chị đã khơi ra và thổi bùng lên sự việc này. Chị đã ngần ngừ rất lâu trước bản kết luận, lời nói của một đồng nghiệp cứ văng vẳng trong tai: bên cậu nhận tài trợ của bên kia rồi, đăng thoải mái đi, có chung có riêng, họ cũng khá “biết điều” còn gì. 
Hơn nữa, cơ quan chức năng có kết luận, mình đăng tải lên, có gì mà phải áy náy. Coi như một cái tin thông thường đi.
Chị biết, đồng nghiệp của chị nói không sai, nhiều đồng nghiệp khác theo dõi chung vụ việc này đều đã lần lượt đăng tải kết luận đó. Nhìn bề ngoài, chả ai trách được họ, bởi diễn biến sự việc là như thế. Nhưng tận sâu thẳm trong lòng, chị không thể quên được ánh mắt cầu cứu của người vợ nông dân khi biết chồng mình phạm lỗi. 
Chị cũng không quên được hình ảnh cả gia đình họ, trong đó có bà mẹ già lưng còng sát đất, cứ rối bời cả lên vì lo lắng, vì hoảng loạn bởi trong đời họ chưa một lần va chạm với “công quyền”. 
Và rồi, chị cũng có quyết định của mình, khi nhiều tờ báo đã đăng kết luận nọ, nguyên trang, hoành tráng. Chị gửi trả bản kết luận cho người nhờ đăng tải với lý do rất đơn giản: tin cũ, không phù hợp. Và chiều đó, một mình một xe chị đi tới nhà người nông dân tội nghiệp nọ, chị đưa cho họ một bản kết luận photo cùng lời an ủi, hãy vững niềm tin rằng sự thật vẫn sẽ là sự thật. 
Bước ra khỏi căn nhà ọp ẹp, chị vẫn như nghe thấy tiếng thở dài của bà mẹ già, cô vợ dại và tiếng bầy trẻ nheo nhóc tranh nhau gói bánh chị mang tới. Cuộc sống muôn mặt, có lẽ chỉ những người mắc nợ con chữ như chị mới thấm hết cái cảm giác của sự cô đơn, thậm chí cả bất lực trước những ngang trái đời thường. Nhưng chị thấy lòng thanh thản, vì đã làm một việc đơn giản mà đúng lương tâm, lương tâm của một người làm thợ, dù chỉ là “thợ viết”…

Đọc thêm