Luyện quân trong nắng khô cháy

(PLVN) - Tháng 6, trên cả nước, dù thời tiết nóng như nung, nắng khô cháy đất nhưng cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân vẫn quyết tâm bám lớp, bám thao trường, hăng say ôn luyện. Khuôn mặt sạm nắng, lưng áo đẫm mồ hôi, nắng nóng kéo dài dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội khi huấn luyện cường độ cao. Bằng tinh thần chủ động giữ vững chất lượng huấn luyện, bảo đảm tốt sức khỏe bộ đội, không để xảy ra trường hợp say nắng, say nóng.
Bộ đội ở Tiểu đoàn 20, Bộ Tham mưu Hải quân rèn luyện trong trang phục kín mít.

Bảo đảm sức khỏe cho bộ đội

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết mùa hè năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài hơn mọi năm, do đó, các đơn vị trong toàn quân đã chủ động các biện pháp chống nắng nóng, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, giữ vững chất lượng huấn luyện.

6 giờ 30 phút sáng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hóa học 20, Bộ Tham mưu Hải quân đã luyện tập với trang bị khí tài phòng hóa. Bộ đội kín mít trong bộ quần áo cao su và mặt nạ, mang đeo đầy đủ vũ khí, trang bị phòng hóa, ước chừng nặng phải trên chục kg. Sau khi chạy 3km trong khoảng 18 phút về đến nơi tập kết, ai cũng ướt đẫm.

Do nắng nóng, thời gian huấn luyện buổi sáng được đẩy lên sớm hơn. Khi nền nhiệt trong ngày còn thấp, các đơn vị triển khai huấn luyện các nội dung có cường độ hoạt động cao như chiến thuật, kỹ thuật, võ thuật... Vào buổi chiều, quy trình đó được thực hiện ngược lại. Thời điểm nắng nóng, các đơn vị bố trí các nội dung huấn luyện trong nhà hay dưới bóng cây như chính trị, hậu cần, quân y, tài chính... 

Việc kéo dài thời gian nghỉ cho bộ đội vào giữa trưa khi ngưỡng nhiệt trong ngày tăng cao nhất cũng được áp dụng, kết hợp với bổ sung các vật dụng che chắn trên thao trường, trận địa. Thực hiện rút ngắn thời gian và tăng số ca, kíp trực để cán bộ, chiến sĩ được xoay vòng nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe.

Ngoài việc điều chỉnh nội dung, kế hoạch, thời gian phù hợp, để bộ đội mau chóng hồi phục sức khỏe, trong mỗi buổi huấn luyện, nhiều đơn vị còn tăng thời gian giờ nghỉ giải lao giữa các đợt. 

Tại Quân khu 1, Đại úy Nguyễn Đức Huy, Chính trị viên phó, Tiểu đoàn 5 cho biết: Tiểu đoàn yêu cầu các đơn vị khi huấn luyện ngoài thao trường phải tận dụng bóng mát, chuẩn bị đủ nước uống. Đồng thời, từng chiến sĩ phải mang theo bình tông nước vối, nước chè xanh và khăn mặt để che nắng, làm mát khi giải lao; mỗi trung đội phải chuẩn bị thùng đựng đá lạnh để bộ đội hạ nhiệt cơ thể khi cần; y tá các đại đội phải theo sát bộ đội trong huấn luyện, tích cực hướng dẫn bộ đội các biện pháp chống nắng, sẵn sàng xử trí tình huống ngoài thao trường.

Với đặc thù là đơn vị phòng không, lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của Lữ đoàn Phòng không 210, Quân khu 1 thường xuyên phải chống chịu với cái nắng như thiêu đốt trên trận địa. Cùng với các biện pháp phòng, chống say nắng, say nóng được đơn vị kịp thời triển khai, Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn còn duy trì hoạt động “Bát chè xanh thắm tình đồng đội” để giúp bộ đội chống nóng. 

Những ngày nắng nóng cao điểm, Hội phân công hội viên phụ nữ chuẩn bị nước chè xanh, nước đỗ đen, gạo lứt rang mang lên trận địa phục vụ bộ đội. Công tác phổ biến, quán triệt, kiểm tra, động viên của chỉ huy các cấp cũng được tăng cường. Nhờ đó, sức khỏe bộ đội được bảo đảm tốt, đơn vị duy trì nghiêm túc chế độ trực SSCĐ phòng không.

Định lượng bữa ăn vượt chỉ tiêu quy định

Để chuẩn bị cho mùa huấn luyện năm nay, ngoài làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng quân y các đơn vị đã được tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản, cách nhận biết các triệu chứng, biện pháp phòng, chống say nắng, say nóng; vệ sinh phòng dịch, trọng tâm là phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhiễm khuẩn não mô cầu, sốt xuất huyết, quai bị, nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống. 

Quân y đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe và phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản để nhận biết, phòng chống say nắng, say nóng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Khi hoạt động dã ngoại, quân y cập nhật dự báo thời tiết, đề xuất và xây dựng các phương án phòng, chống say nắng, say nóng khi bộ đội luyện tập ngoài trời. Khi thấy bộ đội có biểu hiện say nắng, say nóng, quân y đề nghị cán bộ chỉ huy cho bộ đội nghỉ tập và kiểm tra, đủ điều kiện sức khỏe mới tiếp tục huấn luyện…

Xác định nuôi quân là nội dung quan trọng bảo đảm sức khỏe bộ đội, phần lớn các đơn vị đều tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật chế biến, nấu ăn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ nuôi quân; nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phục vụ. 

Các đơn vị đã chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm có chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao, bảo đảm cơ cấu bữa ăn hợp lý, định lượng cân đối, đủ khoáng chất, phù hợp với điều kiện thời tiết mùa hè và cường độ hoạt động của bộ đội. Nhà ăn, nhà bếp và nơi ngủ nghỉ phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, dù thời tiết nắng nóng bộ đội vẫn ăn ngon, ngủ ngon. Đây chính là “nguồn nội lực” để nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu của bộ đội.

Công tác quản lý, bảo quản, tiếp nhận, cấp phát nguyên liệu được các đơn vị kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt. Các bếp ăn luôn chế biến, cải tiến món ăn ngon, thực hiện theo cơ cấu 2-4-4, bữa ăn chính duy trì 3-4 món ăn. Nhờ đó, định lượng bữa ăn của bộ đội các đơn vị luôn vượt chỉ tiêu quy định của Bộ Quốc phòng. 

Thượng tá Phan Minh Hưng, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9 cho biết, để đáp ứng đủ lượng thực phẩm quanh năm, sư đoàn chỉ đạo tổ chức tăng gia sản xuất đồng bộ ở 3 cấp theo hướng bền vững, hiệu quả; tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao vào chăn nuôi, trồng trọt. Sư đoàn còn phát huy hiệu quả các trạm xay xát, chế biến tập trung, bảo đảm lương thực, thực phẩm rẻ hơn giá thị trường 10-12%.

Điều chỉnh nội dung, thời gian huấn luyện phù hợp thời tiết nắng nóng

Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, do nắng nóng kéo dài trên diện rộng, để bảo đảm sức khỏe bộ đội, Cục Quân huấn đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nội dung điều chỉnh thời gian huấn luyện trong ngày. 

Theo đó, thời gian huấn luyện buổi chiều muộn sẽ hơn thời gian quy định 30 phút. Những nội dung huấn luyện, đào tạo có cường độ cao, bố trí thời gian huấn luyện vào đầu giờ buổi sáng, cuối giờ buổi chiều; thực hiện tốt các biện pháp chống say nắng, say nóng và quy định bảo đảm an toàn khi huấn luyện. Nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm các vụ việc mất an toàn trong kiểm tra huấn luyện chiến sĩ mới tại một số đơn vị.

Đọc thêm