Huyện Hà Trung (Thanh Hóa) từ lâu được người dân biết đến là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử vẫn còn nguyên dấu tích về một thời hào hùng của dân tộc. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng là một thế mạnh về phát triển du lịch, thu hút nhiều khách thập phương hàng năm đến đây cầu an, cầu phúc, cầu lộc…
Ly cung Thành Nhà Hồ tại làng Kim Phát, xã Hà Đông là một di tích phụ cận gắn liền với nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, nằm trong quần thể khu di tích Thành Nhà Hồ (thành Tây Đô) hiện tọa lạc tại xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hóa mới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/06/2011. Làng Kim Phát là nơi đã sinh ra “Kiệt nhân” Hồ Quý Ly - một nhân vật lịch sử nổi tiếng ở thế kỷ XIV, nhưng đáng tiếc trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, di tích nơi đây đã dần trở thành phế tích.
Ly cung Nhà Hồ tức Cung Bảo Thanh được Hồ Quý Ly cho xây dựng từ năm 1396 - 1398, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nạn ngoại xâm của giặc Minh và giặc Chiêm Thành. Do thế giặc mạnh, thêm vào đó là các cuộc khởi nghĩa của loạn thần nổi lên ở nhiều nơi, một mặt Hồ Quý Ly thực hiện các chính sách ngoại giao mềm mỏng với giặc Minh và Chiêm Thành, mặt khác đã khuyên Vua tôi Nhà Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Được triều đình chấp nhận, Hồ Quý Ly quyết định xây dựng cung Bảo Thanh để đón Vua Trần Thuận Tông xa giá vào trước khi xây dựng kinh đô mới.
|
Tấm bia còn lưu lại những dấu tích của Ly cung Nhà Hồ. |
Từ năm 1396 - 1398, Cung Bảo Thanh đã trở thành hành dinh chống giặc và nơi đàm luận việc quân cơ của Vua tôi Nhà Trần. Tuy mục đích xây dựng là “hành cung” nhưng nơi đây đã được đầu tư xây dựng khá công phu, như một thành Thăng Long thu nhỏ, nguy nga lộng lẫy với những lầu son, gác tía. Kết quả đánh giá qua nhiều lần khai quật nghiên cứu của Viện Khảo cổ học và những hiện vật còn lại của di tích là những minh chứng rõ nét.
Đánh giá tầm quan trọng của di tích, năm 1997 Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Ly cung Nhà Hồ. Tuy nhiên, trải qua hơn 600 năm với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cộng với sự vô ý thức của con người…, hiện nay Ly cung Nhà Hồ đang dần trở thành phế tích dù vẫn mang một ý nghĩa lịch sử rất to lớn, có giá trị nghệ thuật tuyệt tác, là đỉnh cao của nền văn hóa Trần - Hồ. Tỉnh Thanh Hóa cũng như các cơ quan liên quan cần sớm đưa ra các phương án để bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị vốn có của Di tích này.