Chuyện ở nghĩa địa Đô Thành
Với lớp người trẻ Sài Gòn bây giờ, công viên Lê Thị Riêng như là một điểm vui chơi, giải trí giúp họ tìm lại cảm giác yên bình, thư thả bởi không gian xanh với bầu không khí trong lành hiếm hoi giữa lòng Thành phố.
Tuy nhiên, với lớp người Sài Gòn xưa, công viên Lê Thị Riêng là một phần ký ức không thể thiếu khi nhắc về những biến động thời cuộc gắn với mảnh đất Sài Gòn – Gia Định. Bởi trước khi trở thành công viên, mảnh đất ấy là nghĩa địa Đô Thành (sau đổi tên thành nghĩa trang Chí Hoà), nơi an giấc ngàn thu của những người có chức vụ cao trong quân đội chế độ cũ.
Nhiều bậc cao niên sống cạnh công viên vẫn còn nhớ rõ về mảnh đất được xem linh thiêng nhưng cũng lắm chuyện ly kỳ rùng rợn này. Xưa, nghĩa địa Đô Thành rộng đến 25 ha, cổng chính hướng ra đường Lê Văn Duyệt nay là đường Cách Mạng Tháng Tám. Đây là nơi chôn cất những người khốn khó, những mảnh đời vất vưởng và những xác chết vô thừa nhận.
|
Khóm bạch đàn cổ thụ còn lại trong công viên Lê Thị Riêng. |
Sau trận chiến Tết Mậu Thân 1968, xác lính chết trận nằm la liệt trên đường trong nhiều ngày mà không có ai đến nhận về. Chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cho đào một hố lớn và sâu bên trong nghĩa trang để đưa những thi thể xuống đó. Do quá nhiều nên chỉ sau vài ngày, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm ảnh hưởng đến cả khu vực dân cư sống chung quanh. Trong suốt tuần, nhiều nhà phải đóng cửa, có người phải bỏ đi nơi khác chờ mùi tử khí tan bớt mới dám trở về.
Sau sự việc này xuất hiện những tin đồn, câu chuyện được thêu dệt đến độ rợn người lần lượt được truyền đi, khiến người dân không khỏi hoang mang. Người ta kể nhau nghe những câu chuyện huyền bí về những âm hồn lính chết trận, bị chôn tập thể nên chẳng siêu sinh, thường xuyên hiện về lởn vởn khóc than. Phổ biến nhất vẫn là chuyện ban đêm, oan hồn hóa thành những người bưng thúng bánh chưng, bánh giò đứng trên đường Lê Văn Duyệt. Người âm cứ đứng đó chờ có người mua rồi “dẫn” họ vào trong mộ ngủ qua đêm.
Thậm chí, những câu chuyện đẫm chất ma mị xoay quanh nghĩa địa Đô Thành vẫn lưu truyền cho đến sau này. Ngoài nguyên do từ sự việc hố chôn tập thể xưa, những lời đồn đoán tồn tại dai dẳng có một phần nguyên nhân là bởi thời gian sau này, nhiều vụ án đã xảy ra trong công viên.
Bên cạnh đó, trong công viên nhiều nơi có rừng bạch đàn cổ thụ, phía dưới lại là đất thịt, mỗi khi mưa xuống đất trở nên nhầy nhụa khiến ít ai lui tới khu vực này. Đây là điều kiện thuận lợi cho các thanh niên hút chích rúc vào đây để phê ma túy. Để đảm bảo bí mật “sào huyệt” của mình, những con nghiện này được cho là đã không ít lần giả ma quỷ hù dọa người dân.
Nhiều năm trước, cơ quan chức năng Quận 10 đã có đợt truy quét lớn nhằm ngăn chặn tệ nạn buôn bán và hút chích ma túy tại hẻm 601 đường Cách Mạng Tháng 8 và khu vực xung quanh công viên Lê Thị Riêng. Hàng chục đối tượng mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy đã bị bắt, cũng từ đó, tin đồn ma ám ở khu vực vườn cây bạch đàn trong công viên Lê Thị Riêng lắng dần.
Linh thiêng tượng “ông Phật đen”
Trở lại thời điểm năm 1968, trước việc người dân Sài Gòn, Chợ Lớn e dè, sợ hãi mỗi khi phải đi qua nơi này, trong khi người dân khu Bắc Hải – Hòa Hưng luôn trong tâm trạng bất an, hội Phật tử Long Hoa được sự đồng ý của chính quyền Sài Gòn, đã đứng ra xây một am nhỏ để thờ và cầu siêu cho các oan hồn uổng tử. Điều kỳ lạ, am xây lên, kinh kệ được tụng hàng đêm nhưng những câu chuyện được thêu dệt vẫn không giảm bớt.
|
Bức tượng Địa Tạng Vương ngày nay ở Quan Âm tu viện. |
Các Phật tử lúc bấy giờ nghĩ đến việc xây chùa ở cổng nghĩa trang nhưng rồi cũng không giải quyết được gì. Người trông coi chùa thì kể rằng, đêm nào họ cũng nằm mơ thấy có “ông đen” từ đầu đến chân tự xưng là “Địa Tạng”, bảo đắp tượng ông để thờ, mọi chuyện sẽ được hóa giải. Từ câu chuyện của người trông chùa, nhiều người đề xuất cần dựng một tượng Địa Tạng Bồ Tát - một trong 6 vị Bồ Tát thường được xem như là vị Bồ Tát của chúng sanh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.
Năm 1971, từ nguyên liệu là khối đá Italia đen nặng gần chục tấn, nhà điêu khắc Đặng Trần Mai Lân đã tạc nên bức tượng Địa Tạng Vương cao 3,35 m, ngang 0,75 m, đế cao 3 m, vòng tròn 4,10 m. Chuyện ly kỳ, ngày dựng tượng, khi xe cẩu đưa tượng lên đế, tượng đã tự xoay về hướng đông rồi đứng vững luôn mà không cần thêm một sự trợ giúp nào.
Từ ngày có tượng Địa Tạng thì quả nhiên mọi chuyện về “người âm” quấy rầy người dương thế không còn nữa, cuộc sống của cư dân quanh vùng dần trở về bình yên. Thay vào đó xuất hiện những lời đồn đại huyền bí, những câu chuyện linh thiêng về bức tượng toàn thân màu đen mà dân quanh vùng khi đó thường gọi là “ông Phật đen”.
Sau 1975, Thành phố dần trở nên đông đúc, việc tồn tại một nghĩa trang rộng lớn giữa lòng thành phố trở nên bất cập. Bởi vậy, bắt đầu từ năm 1980, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương giải toả nghĩa địa Đô Thành để xây dựng công viên, lấy tên người chiến sĩ cách mạng Lê Thị Riêng, vì bà hy sinh năm 1968 và thi hài cũng được an táng tại nơi đây.
Năm 1986, nghĩa địa Đô Thành cơ bản hoàn thành giải tỏa, riêng tượng Địa Tạng thì vẫn chưa được di dời. Giữa mảnh đất rộng lớn đã được san bằng mà bức tượng Địa Tạng Vương màu đen tuyền kia vẫn đứng đó, khiến cho khung cảnh thêm phần kỳ bí cùng những đồn thổi về sự linh thiêng của bức tượng. Có chuyện kể rằng, khi nhóm thợ tiến hành đục phần chân tượng thì cảm giác như bị ai đó ngăn cản, người thì đập búa vào tay, ông thì cái dùi đục văng vào mặt tóe máu.
Nhóm thợ đục vì sợ hãi đã không dám làm tiếp công việc dời tượng nữa. Lời đồn lan truyền, cả Thành phố xôn xao bàn tán về sự linh thiêng của bức tượng Địa Tạng. Chưa hết, có chuyện rằng sau đó người ta phải dùng đến xe ủi để dời tượng nhưng lại gặp chuyện lạ. Khi xe ủi chạy gần đến bức tượng thì bỗng nhiên tắt máy, tài xế bao nhiêu lần khởi động lại nhưng chưa kịp nhúc nhích thì máy lại tắt.
Người tài xế rồi bao nhiêu người thợ máy loay hoay cả buổi trời, ai nấy vã mồ hôi nhưng vẫn không thể hiểu nổi nguyên nhân sự cố là vì sao. Sau đó, người tài xế bỗng lăn đùng ra ngất xỉu, đến khi tỉnh lại thì bỏ đi một mạch chẳng nói chẳng rằng. Khi được hỏi lại, ông này cũng không biết lúc đó vì sao mình lại hành động như vậy.
|
Trước hàng loạt tin đồn huyễn hoặc đó, nhiều cơ sở của Phật giáo đề nghị chính quyền cho di dời tượng về chùa của mình nhưng cuối cùng chỉ có Quan Âm tu viện ở Biên Hòa được chấp thuận. Ngày 23/8/1986, đoàn Phật tử của Quan Âm làm nghi thức cúng lễ suốt đêm, sau đó bắt đầu công việc di dời. Sáu người thợ cùng nhiều người dân hỗ trợ đục đẽo cật lực hàng chục giờ đồng hồ cuối cùng cũng hoàn thành được công việc. Theo những người trong cuộc, công việc dời tượng của Quan Âm tu viện đã không gặp bất cứ hiện tượng kỳ lạ nào.
Tượng được đưa về Quan Âm tu viện (ở đường Nguyễn Ái Quốc, phường Bửu Hòa, TP Biên Hoà, Đồng Nai) và an vị cho đến bây giờ. Đã nhiều năm trôi qua nhưng bây giờ, mỗi lần nhắc đến công viên Lê Thị Riêng hay đứng trước tượng Địa Tạng Vương ở Quan Âm tu viện, người ta vẫn nhắc nhớ chuyện cũ. Đó cũng là một phần ký ức xưa về mảnh đất Sài Gòn gắn liền với những sự kiện lịch sử đất nước, trước khi trở thành đô thị phồn hoa tấp nập như ngày nay.