Bí ẩn tên gọi chốn thâm sơn
Quần thể núi Bà Đen gồm ba ngọn núi hợp thành, gồm: núi Heo, núi Phụng, núi Bà Đen. Trong đó, Ma Thiên Lãnh dù cây cối rậm rạp, từng là chốn rừng thiêng nước độc với địa hình hiểm trở, muôn thú hung dữ nhưng kỳ thực đây không phải núi, mà là thung lũng tạo thành từ ba ngọn núi trên. Từ trên đỉnh núi Bà Đen - ngọn núi cao 986 m, cao nhất trong quần thể ba ngọn nhìn xuống, sẽ thấy Ma Thiên Lãnh như một lòng chảo khổng lồ với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Dù là vùng trũng giữa ba ngọn núi nhưng cấu trúc địa hình của Ma Thiên Lãnh rất lạ, đường vào một bên là vách núi sừng sững, bên kia vực sâu, nếu khinh suất, người ta rất dễ bỏ mạng. Địa hình hiểm trở khiến con đường vào thung lũng uốn lượn, ngoằn ngoèo ôm theo những sườn núi dày đặc đá tảng xếp tầng xếp lớp. Cũng chính vì được bao bọc bởi ba ngọn núi, cây rừng rậm rạp lại có những con suối trong vắt tuôn chảy từ nhiều mạch nguồn, khe đá tạo không khí tươi mát quanh năm.
Có người cho rằng, thung lũng Ma Thiên Lãnh ăn sâu qua đất bạn Campuchia, tuy nhiên điều này có vẻ không chính xác. Về mặt hành chính, nơi này thuộc địa bàn xã Thạnh Tân (TP Tây Ninh) cách xa biên giới. Cũng có người nhầm nhầm lẫn, gọi Ma Thiên Lãnh là Ma Thiêng Lãnh. Còn về cái tên của vùng đất này, cho đến tận bây giờ, căn nguyên chính xác của cái tên Ma Thiên Lãnh vẫn là điều còn bỏ ngỏ.
Các cao niên vùng đất này cho biết, lúc họ ý thức được về thế giới này thì cái tên Ma Thiên Lãnh đã được sử dụng. Theo người dân địa phương, có hai cách giải thích về nguồn gốc tên gọi. Giả thuyết thứ nhất, tên gọi Ma Thiên Lãnh ra đời giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Khi đó, nơi này là địa bàn hoạt động của các chiến sỹ cách mạng. Quân địch nhiều lần tấn công vào khu vực này nhằm tiêu diệt căn cứ và các chiến sỹ ta. Địch lúc tiến quân thì hùng hổ, khí thế nhưng kỳ lạ là chỉ có vào mà không thấy ra.
Nhiều cánh quân, biệt kích địch xông vào thung lũng nhưng đều rơi vào kết cục tan tác, lính tráng bỏ xác nơi hoang địa, thi thể bị cọp tha, thú xé. Những kẻ lạc trận lang thang kiệt sức rồi chết vì đói khát giữa rừng thiêng nước độc, tất cả trở thành thây ma giữa chốn thâm sơn cùng cốc. Từ đó đã hình thành nên cái tên Ma Thiên Lãnh, có thể hiểu theo nghĩa coi nơi này là “lãnh địa của những hồn ma”.
Hồ Núi đá (hồ Mây núi) ở thung lũng Ma Thiên Lãnh. |
Lại có bậc cao niên giải thích căn nguyên của tên gọi là do rừng thẳm nơi đây nằm giữa núi cao, khung cảnh u mịch, nhiều thú dữ và muôn vàn hiểm nguy rình rập nên chẳng ai dám đặt chân đến. Theo các bậc cao niên người S’tiêng, Ma Thiên Lãnh có nghĩa là lãnh địa thiêng của ma quỷ, ai liều lĩnh, bạo gan xâm nhập cũng sẽ trở thành hồn ma. Dù hai cách giải thích có phần khác nhau nhưng tựu chung đều nhằm lý giải sự hung hiểm, thâm u, khắc nghiệt của vùng rừng núi này.
Hai cách giải thích trên ít nhiều làm người ta nghĩ đến ngọn núi Ma Thiên Lãnh ở vương quốc Cao Câu Ly xưa, nay là Triều Tiên. Theo một số tài liệu, ngọn núi này vô cùng hiểm trở, trùng trùng nguy cơ. Theo một số sử liệu, năm 666, vua Ðường Cao Tông sai tướng Tiết Nhân Quý (hay Tiết Nhơn Quí) Hữu Uy vệ Đại tướng quân dẫn binh chinh đông, thực chất là muốn xâm lược nước Cao Câu Ly. Trong cuộc viễn chinh này, quân sĩ nhà Ðường tử thương ở núi Ma Thiên Lãnh nhiều vô kể.
Chẳng những được nhắc đến trong sử liệu, núi Ma Thiên Lãnh còn xuất hiện trong các tác phẩm văn học. Trong tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa “Tiết Nhơn Quí chinh đông”, bản dịch tiếng Việt của dịch giả Tô Chẩn, được đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến từ mấy chục năm trước, núi Ma Thiên Lãnh được miêu tả là “núi cao chót vót, bốn bề rậm rì, chỉ có một con đường độc đạo lên núi”. Từ chân núi nhìn lên thấy hiểm nguy rình rập, dễ thủ khó công, đây như một thành trì mà đem quân từ chân núi đánh lên giống như tự sát. Còn trong loại hình nghệ thuật cải lương ở miền Nam cũng có vở “Tiết Nhơn Quý phá Ma Thiên Lãnh”.
Một số học giả cho rằng, từ sự kiện “Tiết Nhơn Quí chinh Đông” ấy, và những ảnh hưởng lâu dài của dòng chảy văn hóa, người đời sau thường dùng tên Ma Thiên Lãnh đặt cho những vùng sơn linh hiểm trở, thâm u, gắn với nhiều chiến trận khốc liệt. Đây cũng chính là lý do vì sao vùng Đông Nam Bộ, ngoài khu rừng trũng dưới chân núi Bà Đen còn có nhiều địa danh ở các tỉnh thành khác cùng chung cái tên Ma Thiên Lãnh.
Căn cứ cách mạng thời chiến
Tương truyền, vùng rừng núi Ma Thiên Lãnh chính là nơi Đức Ngài Huỳnh Công Giản rèn binh luyện sĩ để phòng giặc, giữ gìn cương thổ năm xưa. Thực tế ngày nay, cách thung lũng Ma Thiên Lãnh hơn 2km về phía Ðông, trên đường 785, có ngôi miếu thờ Quan Lớn Trà Vong - Huỳnh Công Giản. Ðây là một trong những ngôi miếu nổi tiếng nhất trong hàng chục ngôi miếu thờ ba anh em ngài trên đất Tây Ninh.
Theo một số sử liệu ghi chép về Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản (1722-1782). Theo đó, năm Kỷ Tỵ - 1749, triều đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh, đó là Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông đã cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện cuộc Nam tiến, di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương.
Khi đến Tây Ninh, Huỳnh Công Giản đã sắp xếp mỗi người một khu vực. Huỳnh Công Giản ở cánh rừng Trà Vong, cách núi Bà Đen chừng hơn 20 dặm về hướng Bắc. Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ trấn giữ các vùng đất phía Nam và phía Tây núi Bà Đen. Ở Trà Vong, Huỳnh Công Giản vừa quy dân lập ấp vừa xây thành đắp luỹ (thành Trà Vong) nhằm bảo vệ biên cương, bờ cõi. Huỳnh Công Giản cũng bí mật trấn giữ thung lũng Ma Thiên Lãnh để rèn luyện voi ngựa, binh sĩ và tích trữ lương thảo để đề phòng khi chiến sự.
Năm 1782, được tin tình báo là quân Chân Lạp chuẩn bị đánh ta, tướng Huỳnh Công Giản đã ra lệnh binh sĩ vào rừng đốn gỗ làm bờ thành, chặt tre, lồ ô làm chông. Ngoài việc củng cố bờ thành, tập luyện chiến đấu, Huỳnh Công Giản còn chuẩn bị dao, giáo, mác, cung tên và cho quân sĩ đi lấy dầu sơn rái về dự trữ trong lu.
Vào mùa xuân năm 1782, ngày 12 tháng 2 năm Nhâm Dần, quân Chân Lạp từ bên kia biên giới tràn sang đánh chiếm thành Trà Vong bằng chiến thuật biển người. Quân địch đông hơn gấp nhiều lần, bao vây bốn mặt thành nhưng Huỳnh Công Giản và các tướng sĩ đánh trả quyết liệt. Khi giặc tràn vào thành mà quân tiếp viện Huỳnh Công Nghệ lại chưa tới, sau nhiều lần tả xung hữu đột giữa vòng vây, Huỳnh Công Giản đã vung gươm tuẫn tiết, quyết không để rơi vào tay giặc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực Ma Thiên Lãnh còn là địa bàn chiến đấu của Liên đội 7, do Đại uý Hoàng Thao, nguyên Chỉ huy trưởng Liên đội 7 làm chỉ huy, tiền thân là đơn vị Trinh sát A14. Nhiệm vụ của đơn vị là cắm chốt trên núi Bà Ðen, lập đài quan sát, theo dõi điều tra nắm mọi diễn biến và các hoạt động quân sự của địch khi vào cửa căn cứ địa R (Trung ương Cục miền Nam).
13 năm bám trụ trên núi Bà Đen, Liên đội 7 đã đánh 30 trận toàn thắng, giữ vững trận địa và tiêu diệt, làm bị thương gần 2.000 tên địch. Bắn rơi 8 máy bay trực thăng, phá huỷ 56 xe quân sự, trong đó có 28 xe tăng, 12 xe Zep, 15 xe GMC, 1 pháo 105 ly… Thu được nhiều vũ khí đạn dược và quân trang, quân dụng của địch. Với thành tích xuất sắc và những chiến công oanh liệt chiến đấu và chiến thắng quân Mỹ và tay sai, cuối năm 1972, Liên đội 7 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.
Liên đội 7 tiếp tục bám trụ núi Bà Đen, phát huy thành tích vẻ vang và thừa thắng tiến lên. Đơn vị đã phối hợp với Tiểu đoàn Trinh sát 47 điều tra nghiên cứu trận địa cụm chốt của đối phương trên đỉnh núi Bà Đen. Và đã cùng các đơn vị bạn tham chiến ác liệt 30 ngày đêm (6/12/1974 đến rạng sáng ngày 7/1/1975), tiêu diệt hoàn toàn cụm chốt của địch, giải phóng núi Bà Đen, góp phần cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam 30/4/1975.