Ma men ngõ hẻm

(PLO) -Đó là từ dùng của bà con dân phố Sài Gòn chỉ những đám thanh niên tụ tập nhậu nhẹt từ nhà ra hẻm, choán hết lối đi, mở nhạc ầm ỹ..., kéo dài đến quá nửa đêm, làm náo động cả một điểm dân cư. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Cái văn hóa từ miệt vườn du nhập vào thành phố đó đã khiến không ít người khó chịu và phá vỡ sự yên tĩnh cần thiết cho mọi người chung quanh.

Đã nhậu trong đám là có nói cười, chọc ghẹo, mâu thuẫn và ẩu đả. Không ít án mạng đã xảy ra trong những cuộc nhậu kiểu này với những lý do lãng nhách. Chỉ có 4.000 đồng không ai chịu trả cho chủ quán mà đâm nhau chết, tranh luận với nhau “ở tù sướng hay khổ” cũng khiến một người thiệt mạng. Một câu khích bác, một cái “nhìn đểu”..., cũng trở thành nguyên cớ để vác mã tấu thanh toán lẫn nhau. Mới đây nhất, tại Trà Vinh, một phụ nữ từ chối ly rượu mời mà bị kẻ mời rượu đâm chết. Những chuyện tương tự như vậy xảy ra như cơm bữa ở bất cứ đâu.

Nhậu không chỉ gây nên những án mạng, thương tích mà còn là xúc tác cho các vụ xâm hại tình dục, nhất là đối với các em gái. Đã có không ít các trường hợp mời bạn nhậu về nhà, rượu say khách hiếp dâm con gái hoặc sàm sỡ với vợ chủ nhà. Thậm chí, có những chuyện vô luân thường đạo lý của những ông bố bị ma men dẫn lối hiếp dâm cả con gái mình.

Không cứ những thanh niên và những người đàn ông trong giới bình dân mới rượu chè bê tha và nảy sinh hành vi trái đạo lý, pháp luật mà cả những người thuộc giới cán bộ cũng “rượu vào, lời ra” có những cử chỉ, hành vi gây chướng tai, gai mắt những người chung quanh.

Đơn cử một tiệc cưới của con một cán bộ tỉnh, một ông lãnh đạo được các “đệ tử” tung hô, chúc tụng, “thằng” nào không mang ly đến mời ông là bị chửi, tiện đà, ông chửi bới, lăng mạ đến bạn học, đồng nghiệp và xúc phạm đến những người đồng hương công tác ở Trung ương một cách thô bạo. Việc hành xử như vậy trong một cuộc vui cũng đủ nói lên tư cách của ông này!

Không biết tự bao giờ, phổ biến và lưu hành cái quan niệm trong cán bộ địa phương: “Phải có tửu lượng hơn người mới làm lãnh đạo được”?.

Việt Nam ta đã trở thành "cường quốc" tiêu thụ bia rượu. Đó là một điều chẳng đáng tự hào gì mà nên xấu hổ thì đúng hơn. Tác hại của rượu và những hệ lụy nặng nề mà nó mang lại cho xã hội phải gánh chịu là rất lớn. Thế mà dường như các quy chuẩn về văn hóa, nếp sống khi đưa ra thực hành người ta đã bỏ ngỏ rượu bia, không những thế còn mở rộng cửa để cho rượu bia xâm nhập vào tận hang cùng ngõ hẻm, tạo nên những ma men không những hủy hoại chính cơ thể và tư cách mình mà còn gây hại đến xã hội.

Đọc thêm