Ma nhai Ngũ Hành Sơn đón nhận Bằng Di sản Ký ức thế giới

(PLVN) - Ngày 1/3, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), Bộ Ngoại giao, các cơ quan Lãnh sự quán các nước tại Đà Nẵng, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, Ban Thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam và lãnh đạo TP. Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn cùng đông đảo nhân dân.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ đón nhận cho biết, Danh thắng Ngũ Hành Sơn là vùng đất giàu Di sản văn hóa, nơi hội tụ của 4 Di sản cấp quốc gia và khu vực, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn và hai Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Di sản nghề đá mỹ nghệ Non Nước và Lễ hội Quán Thế Âm.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại buổi lễ.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn với hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Từ năm 2019, ghi nhận những giá trị độc đáo của di sản tư liệu Ma Nhai, Thành ủy, chính quyền TP. Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị UNESCO công nhận Ma Nhai.

Ông Hoàng Đạo Cương Thứ trưởng Bộ VHTT&DL trao Bằng công nhận Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Nhờ đó, ngày 26/11/2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đồng thời, TP. Đà Nẵng cam kết thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị Ma nhai trong quần thể Ngũ Hành Sơn để xứng đáng với vị thế của một di sản tư liệu trong danh sách ký ức của UNESCO.

Bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam sẽ tiếp tục hành động và hỗ trợ các quốc gia bảo tồn và gìn giữ di sản.

Thay mặt Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc, UNESCO, Bà Miki Nozawa, Trưởng Ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết, việc ghi danh Ma nha trong danh mục của MOWCAP chính là ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo và tính xác thực.

Bà Miki Nozawa cũng chúc mừng sự nỗ lực của người dân, chính quyền các cấp và việc hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, để mở rộng Chương trình Ký ức Thế giới tại Việt Nam, nhằm bảo tồn, phát huy và truyền tải giá trị của di sản tư liệu quý giá tại Việt Nam ra thế giới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Các đại biểu tham quan tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Theo ông Hoàng Đạo Cương Thứ trưởng Bộ VHTT&DL lịch, tháng 01/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg quy định chức năng và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTT&DL, trong đó chính thức giao Bộ VHTT&DL thực hiện chức năng nhà nước quản lý di sản tư liệu.

Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của Bộ VHTT&DL cùng với Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu.

Các đại biểu tìm hiểu về Ma nhai trên vách đá trong hang động.

Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND TP. Đà Nẵng xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm kê di sản tư liệu trên toàn thành phố, đề xuất các dự án quản lý và phát huy giá trị di sản, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Ma nha tại Ngũ Hành Sơn nói riêng và khu di sản văn hóa nói chung hướng tới phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.