“Ma trận” thủ đoạn “ăn” đất công

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, chỉ tại 3 Tập đoàn Công nghiệp cao su, TCty Lâm nghiệp và TCty Chè, đã phát hiện hơn 180.000ha đất tại 30 tỉnh thành xảy ra sai phạm, tồn tại cần phải được xử lý.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổng diện tích đất bị lấn chiếm của 3 tập đoàn và TCty nêu trên lên đến gần 20.000ha; có hàng ngàn cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước phải xử lý, sắp xếp lại nhưng đã bị các tập đoàn cho thuê làm văn phòng làm việc chưa phù hợp quy định hoặc để xảy ra tình trạng lấn chiếm, không sử dụng gây lãng phí…

Tại TP HCM, theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 30 cán bộ, trong đó 3 Phó Chủ tịch TP đang là bị can, bị cáo, phạm nhân trong các vụ án sai phạm liên quan đất công.

Cũng tại TP HCM, vấn nạn “tắc sổ hồng” có một nguyên nhân đến từ việc không ít dự án đã dính dáng nguồn gốc đất công, cổ phần hóa, thuộc dạng có thể phải rà soát thanh kiểm tra.

Tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt tại phía Nam, nhiều dự án bất động sản đã mọc lên nhiều như nấm trên đất nhà máy, xí nghiệp xa xưa. Bất chấp chỉ đạo của Trung ương tạm dừng việc “bán tài sản trên đất xí nghiệp, nhà máy”, nhiều nhà đầu tư vẫn bắt tay với các lãnh đạo DNNN, trên danh nghĩa là liên danh liên kết, nhưng thực chất là “chuyển hóa” đất công sang đất tư nhân. Rồi dự án được chuyển nhượng qua nhiều chủ đầu tư, người mua sau sẽ lấy lý do là “ngay tình” để hợp thức hóa đất công thành “đất của ông”.

Nói về thủ đoạn “ăn” đất công, có thể nói đó là một “ma trận” với trăm phương ngàn kế, muôn vàn thủ đoạn.

Theo nhiều ý kiến nhận định, ở nhiều nước, chế độ quản lý đất công khác hoàn toàn chế độ quản lý đất tư. Quản lý đất tư là quản lý để thu thuế. Còn quản lý đất công là quản lý để giữ đất. Đó là hai nguyên tắc khác nhau. Việc đưa đất công thành đất tư là cả một quá trình rất phức tạp. Chúng ta chưa làm được điều đó, nên mới để xảy ra thực trạng đất công bị một nhóm nhỏ lợi ích xâu xé, tư túi, làm giàu. Tài sản trăm tỷ, ngàn tỷ của một số “đại gia” thực ra là mồ hôi xương máu của nhân dân, của các thế hệ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai mới đây đã có một đề xuất đáng chú ý, rất đáng được quan tâm: “Chúng ta phải tổng rà soát lại, ít nhất tại các đô thị lớn, bởi lượng tiền đất công ở đây cực kỳ lớn. Qua đó cần rà soát lại lịch sử diễn ra như thế nào, ai đúng, ai sai? Trong trường hợp trái pháp luật, Nhà nước phải thu hồi lại. Điều đó sẽ góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân. Bởi từ đó dân mới thấy đất công không phải “miếng mồi béo bở” cho những người có chức quyền”.

“Đồng thời chúng ta phải định nghĩa pháp lý về đất công. Đơn giản đất công là không được sử dụng vào mục đích tư nhân, không do tư nhân sử dụng. Còn đất tư là đất đang được tư nhân sử dụng. Chế độ quản lý đất tư, đất công phải rành mạch, rõ ràng”.