Mái ấm bồi đắp tâm hồn tôi

(PLO) - Tôi gặp nhà báo Trần Đức Vinh, nay là Trưởng ban Pháp luật - Kinh tế, kiêm phụ trách Văn phòng Bắc Trung bộ rất tình cờ. Lần đó, anh vào Quảng Bình công tác với một số đồng nghiệp báo khác. Tôi được “dự ké” buổi nhậu giao lưu đạm bạc giữa anh và một số người làm báo “chủ nhà”. Rất dễ ấn tượng với anh, bởi dân báo đã nhậu với nhau là sang sảng đủ thứ chuyện biển trời, riêng anh nói năng rất nhẹ nhàng, cung cách điềm đạm.
Phóng viên Nguyên Phong trong chuyến công tác tại nhà giàn DK1
Phóng viên Nguyên Phong trong chuyến công tác tại nhà giàn DK1

Cũng thời gian đó, tờ báo tôi đang công tác gặp một vài chuyện rất tế nhị, tôi và các đồng nghiệp ở Văn phòng miền Trung buộc phải ly tán. Trong vài tháng trời, tôi cộng tác với rất nhiều báo để trang trải qua ngày. Anh Vinh lúc này được Ban Biên tập cử “đi sứ” xây dựng Văn phòng Bắc Trung bộ ở Nghệ An. Anh lại vào Quảng Bình và tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ anh hẹn cà phê riêng. Tôi tắt máy và rất hồi hộp.

Sau cuộc trò chuyện dài, anh nói: “Anh muốn cho chú cơ hội! Nghề báo là cả quá trình tích lũy và kinh nghiệm, yếu kém một chút thì chịu khó rèn luyện sẽ nên. Quan trọng nhất là ngòi bút phải gánh được chữ Tâm. Lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam cũng xác định về quan điểm “nhận quân” vậy.Tòa soạn đối với  anh em rất nghĩa tình nhưng bắt buộc chú phải sống với nghề nghiêm túc và không lộn xộn”.

Tôi khởi đầu với danh nghĩa là cộng tác viên Báo Pháp luật Việt Nam, gửi về tòa soạn những bài viết đầu tiên và luôn tự mình nhắc nhớ lời anh Vinh: “Làm báo không lộn xộn”.

Dù trải qua rất nhiều biến cố nhưng tôi nghĩ, dường như nghiệp báo quàng lấy tôi và tôi chưa bao giờ có suy nghĩ là sẽ bỏ nghề, tách mình ra khỏi Pháp luật Việt Nam hay rẽ sang một hướng khác. Làm Báo Pháp luật Việt Nam nhiều áp lực, nhất là các bài viết về nội chính, pháp luật, đồng thời phải bám được dòng thời sự. Cũng nhờ đó, tôi trưởng thành lên nhiều. 

Tôi được giao nhiệm vụ thường trú tại Quảng Bình, ở xa tòa soạn, cánh thường trú trẻ như chúng tôi hay gọi ví von là “xa mặt trời”. Việc đề xuất, trao đổi thông tin, giao nhận đề tài, báo cáo nội dung công tác với Ban Biên tập hoàn toàn bằng email, điện thoại.

Ngoài những chỉ đạo về chuyên môn, sự chia sẻ, quan tâm của Ban Biên tập đến đời sống cá nhân, khó khăn, thuận lợi của phóng viên vùng miền là niềm an ủi đặc biệt. Tôi “nặng tình” ngược trở lại với Pháp luật Việt Nam cũng bởi thế.

Phóng viên thường trú cả năm chỉ được gặp lãnh đạo Báo mình có vài ba lần hiếm hoi. Thường thì đó là những lần họp cuối năm, giữa năm hay hội quân kỷ niệm ngày thành lập báo. Riêng chúng tôi ở Bắc Trung bộ sung sướng đùa rằng: “Năm nào tòa soạn vài chục người, có cả lãnh đạo phải vào thăm anh em địa bàn hẳn hoi”.

Miền Trung trong tâm tưởng của những người ở Báo Pháp luật Việt Nam là một nơi rất đặc biệt. Hàng năm đến hẹn lại lên, xuyên qua những miền “cát trắng gió Lào” của dải “đất lửa” miền Trung, Đoàn công tác tri ân – thiện nguyện của Pháp luật Việt Nam có hành trình dài thăm viếng các nghĩa trang, di tích và trao đến tận tay đồng bào nghèo ở vùng nghèo khó những món quà sâu nặng ân tình sẻ chia, những mái nhà tư pháp nghĩa tình…

Những ngày tháng 7 ở miền Trung, bên Tây Trường Sơn mưa giật ràn rạt, bên Đông nắng như thiêu đốt đất trời, Đoàn công tác của Pháp luật Việt Nam về tri ân “đất lửa”. Chúng tôi thắp sáng những mộ phần trong nghĩa trang liệt sĩ ánh hồng rực rỡ những ngọn nến tri ân, hòa trong khói nhang linh thiêng tỏa mờ. Chúng tôi thả xuống những dòng sông chiến trận xưa những đóa hoa đăng xuôi theo dòng vỗ về những linh hồn bất diệt với thời gian.

Chúng tôi dâng lên các di tích lịch sử những cành huệ trắng tinh khôi, bó cúc vàng và những lẵng hoa hồng đỏ tỏ lòng ngưỡng vọng đến thế hệ cha anh đã hiến thân mình, ngã xuống cho đất nước thanh bình.

Đi giữa bạt ngàn mộ, bạt ngàn cây, lớp tầng những chiến địa, di tích, Tổng Biên tập Đào Văn Hội nói với chúng tôi rằng: “Đây không phải là nơi chết chóc, chính những cái chết hóa thành bất tử đã phục sinh cho cõi sống và để cho lớp lớp thế hệ mai sau càng thêm yêu thiết tha, thêm tự hào về Tổ quốc, đất nước, hồn cốt dân tộc Việt. Đây là những chuyến đi bồi đắp tâm hồn…”.

Bởi cái địa thế núi, biển liền nhau nên miền Trung không có những châu thổ như sông Hồng, sông Cửu Long và hàng năm đồng bào nhận đủ những đợt thiên tai dập dồn như một nghiệp dĩ. Và những lúc bà con đang khốn đốn vì bão lũ dập vùi và cần nhất những sự sẻ chia, Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam lập tức ra lời kêu gọi cộng đồng cùng chung sức hướng về, dang tay ôm lấy miền Trung trong cơn hoạn nạn.

Những lúc ấy, tiền mặt, lương thực, thực phẩm, mảnh chăn, chiếc màn, bộ quần áo, tập vở học sinh… đã được lực lượng phóng viên thường trú trên khắp cả nước khẩn trương tiếp nhận và chuyển đến tận tay bà con trong ắp đầy sẻ chia của tình đồng chí, đồng bào.

Là phóng viên ở miền Trung, tôi hiểu tận cùng sự vất vả của đồng bào mình sau mỗi đận thiên tai. Và khi thấy những người trong “mái nhà” Pháp luật Việt Nam không quản xa xôi cách trở, mưa gió bão bùng để lao về sẻ chia cùng miền Trung, tôi nhận ra rằng:

Khi chúng ta nghiêng mình về phía những phận người khốn khó, đó là cách để xói mòn đi những tính toán, sân si nhỏ nhặt đời thường; và sống bao dung, quảng đại, nhiều xúc cảm hơn… Đó là những lần tôi thấy mình như thêm lần nữa học làm người. 

Đối với tôi, Pháp luật Việt Nam đã không chỉ là nơi để tôi làm báo, viết bài, nhận lương, nhuận bút, mà từ lâu đã thành một mái ấm bồi đắp tâm hồn tôi./.

Đọc thêm