'Mái nhà' cổ tích của hàng trăm trẻ mồ côi ở Khánh Hòa

(PLO) -Trong bữa cơm của những mảnh đời bị bỏ rơi luôn lắng đọng một nỗi niềm sâu thẳm. Có được chốn ăn, ngủ nhưng những trái tim nhỏ bé vẫn khát khao cháy bỏng về một người mẹ, một gia đình của mình…
 

 

Thầy Quang bảo dù đã có một mái ấm nhưng các cháu luôn khát khao tình thương yêu của cha mẹ
Thầy Quang bảo dù đã có một mái ấm nhưng các cháu luôn khát khao tình thương yêu của cha mẹ

Tình thương nơi cửa Phật

Chúng tôi đến chùa Thanh Sơn (ở làng Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) vào buổi trưa, cũng là lúc các cháu nhỏ vừa đi học về, tiếng cười nói ríu rít. 

Trong gian bếp nhỏ, nhà chùa đang tất bật chuẩn bị bữa ăn cho các em. Có đến hàng trăm trẻ mồ côi không nơi nương tựa đang sống tại chùa. Từ lâu, ngôi chùa này đã là ngôi nhà cổ tích của những đứa trẻ và cả những người già không nơi nương tựa ở đây.

Theo đại đức Thích Thanh Quang - Trụ trì chùa Thanh Sơn, chùa do hòa thượng Thích Trí Đạt trụ trì, nhưng từ khi thầy Đạt viên tịch vào năm 1939, chùa bị bỏ hoang. Năm 1996, trước yêu cầu của người dân, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa bổ nhiệm ông về trụ trì chùa cho đến giờ.

Lúc thầy Quang mới về, làng Thủy Triều còn heo hút, hoang sơ. Cuộc sống của người dân lam lũ, nghèo khó, trẻ em ngày hai bữa đi bắt cá, mò cua, không được đến trường. Thấy vậy thầy nhận đỡ đầu, nuôi các cháu ăn học. 

“Thấy nhiều đứa trẻ chăm chỉ, ngoan ngoãn, học hành ngày càng tiến bộ, các gia đình đem con đến chùa gửi ngày một nhiều. Và rồi không biết từ lúc nào, chùa Thanh Sơn trở thành địa chỉ từ thiện của trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa”, thầy Quang tâm sự.

Chùa Thanh Sơn đang che chở cho hơn 110 trẻ mồ côi và gần 20 người già không nơi nương tựa. Đó là những người có hoàn cảnh vô cùng éo le. Không ít trẻ mới sinh ra đã bị mẹ mang đến bỏ trước cổng chùa. Số khác mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cha mẹ bỏ đi đâu không rõ tung tích, gia đình; họ hàng không đủ điều kiện nuôi dưỡng.

Tất cả những trường hợp này đều được thầy Quang khai sinh theo họ mình (thầy Quang họ Chế) như trường hợp của cháu Chế Kim Phát, Chế Tầm Xuân, Chế Kiến Phúc…

Cháu Chế Kỳ Hà, 2 chân bị khoèo bẩm sinh, không rõ cha, được mẹ mang đến gửi chùa. Thầy Quang lấy họ mình đặt tên khai sinh cho cháu, vừa nuôi cháu lớn lên vừa nhiều lần đưa cháu đến bệnh viện mổ để mang lại đôi chân lành lặn cho cháu. Nay Hà đã 16 tuổi, đi lại gần như người lành. 

Bà Đoàn Thị Mười (75 tuổi, quê xã Cam Hải Đông) chồng mất, không có con. Năm 2003, bà vào chùa tìm nơi nương tựa lúc tuổi già. Hôm đó có một cô gái trẻ đến cổng chùa bỏ lại đứa con trai còn đỏ hỏn. Bà Mười mang cháu vào nuôi, lấy họ thầy Quang đặt tên cho cháu, bây giờ cháu đã khôn lớn, khỏe mạnh, học rất thông minh.

Nhìn các cháu nhỏ nơi đây, chúng tôi cảm nhận trên khuôn mặt các cháu không có những tia sáng long lanh của tuổi thơ. Mỗi gương mặt trẻ thơ ấy dường như có vẻ trầm tư của người lớn. 

Khi chúng tôi hỏi chuyện, thầy Quang tâm sự: “Tôi luôn mong ước một điều là các bậc cha mẹ hãy vì con cái mà đừng bao giờ chia tay, ly dị hoặc đẩy các cháu ra đường. Bởi vì dẫu có một mái ấm bình yên như chùa Thanh Sơn, các cháu vẫn luôn khao khát tình thương yêu của cha mẹ”. 

Chuyện lo ăn, chỗ ở, chữa bệnh và học hành cho gần 130 con người không phải là chuyện đơn giản. Theo thầy Quang, tiền ăn mỗi tháng bình quân hơn 30 triệu đồng, số tiền này phần lớn nhờ vào sự giúp đỡ của các gia đình Phật tử từ khắp nơi. Các chi phí khác như học hành, chữa bệnh… cho các cháu, nhà chùa đều dựa vào thu hoạch hoa trái trong khu vườn chùa.

Chùa Thanh Sơn đang che chở cho hơn 110 trẻ mồ côi và gần 20 người già không nơi nương tựa
Chùa Thanh Sơn đang che chở cho hơn 110 trẻ mồ côi và gần 20 người già không nơi nương tựa

Hơn 20 em đỗ đại học, cao đẳng

Theo thầy Quang, những em nhỏ ở đây được nuôi dưỡng từ nhỏ, đến tuổi đi học các em cũng được học như bao bạn bè cùng trang lứa. Còn những em có hoàn cảnh khó khăn, bị nghỉ học giữa chừng, khi vào chùa, việc đầu tiên thầy Quang mong muốn là làm sao để cho các em được tiếp tục tới trường

Hai anh em Vũ Tiến Trình và Vũ Tiến Đạt (quê ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cha mẹ bị tai nạn, không còn khả năng nuôi con nên phải tìm đến chùa. Những tưởng đến chùa chỉ để kiếm miếng cơm, không ngờ sau hơn 15 năm nương nhờ cửa Phật, giờ đây cả hai đều đã học xong đại học, có công ăn việc làm ổn định.

“Nếu không có kiến thức thì dù nuôi dưỡng đến mấy, sau này các cháu cũng không thể có một tương lai tươi sáng hơn được. Vì thế, tôi thường dạy cho các cháu câu “Duy tuệ thị nghiệp”, tức là duy trì trí tuệ để cố một sự nghiệp tốt đẹp. Từ cổng nhà chùa, đã có gần 20 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước”, thầy Quang tâm sự.

Thầy Quang chia sẻ thêm: “Bên cạnh việc chăm lo nơi ăn, chốn ở, tạo điều kiện cho các cháu tới trường, tôi đã cho xây dựng 1 phòng học vi tính và mở lớp dạy thêm tiếng Anh ngay tại chùa để giúp các cháu có thể tiếp cận với công nghệ thông tin và nâng cao kiến thức. Để thực hiện thường xuyên hoạt động của các lớp học này, tôi rất mừng khi được Hội Bảo trợ Yersin hàng tháng ủng hộ 3 triệu đồng để hỗ trợ cho giáo viên”.

Bà Mười chia sẻ: “Nhân duyên đặt trên vai những bậc tu hành trong ngôi chùa này phải gắn với trẻ em. Nhân duyên đó chính là tình thương. Từ đây, đã có hàng trăm trẻ em bước vào đời với một kiến thức vững vàng, một công việc ổn định và với lòng nhân ái được thụ hưởng từ tình thương của các sư thầy và phật tử ở chùa”.

Thấm nhuần triết lý nhà Phật, “Tình thương, lòng từ bi và sự cưu mang” là biểu tượng của chiều sâu văn hóa, biểu tượng của sự gần gũi thân thuộc. Từ ngôi chùa này, có nhiều những số phận không may mắn trưởng thành, được chắp cánh ước mơ tươi đẹp để các em vững bước vào đời.

Đọc thêm