Ngày 19/2/2009, Viettel Cambodia đã khai trương dịch vụ với thương hiệu Metfone trên lãnh thổ Campuchia. 10 năm sau, Viettel đã trở thành doanh nghiệp thuộc Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu, giá trị thương hiệu được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD - thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới.
Bước chân đầu tiên
Vào năm 2006, doanh thu của Viettel khi đó chỉ khoảng 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận chưa tới 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các lãnh đạo của Viettel khi đó đã có một quyết định táo bạo đầu tư ra nước ngoài và Campuchia là thị trường được lựa chọn để khởi đầu.
Từng chia sẻ về lý do tại sao lại lựa chọn Capuchia là điểm đến đầu tiên trong hành trình vươn ra thế giới, ông Lê Đăng Dũng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Viettel) cho hay, bởi khi đó Viettel chưa từng có kinh nghiệm, “mà nếu chưa có kinh nghiệm thì mình đi gần thôi, chọn những nước mà mình hiểu được văn hóa của người dân”. Theo ông Dũng, Campuchia là một đất nước có nền văn hóa mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Khi đó, mối quan hệ của hai nước cũng rất tốt. Tất cả những lý do đó đã khiến Viettel lựa chọn đầu tư ở Campuchia đầu tiên.
Cùng với đó, khi Viettel nghiên cứu thị trường Campuchia thời điểm đó cũng cho thấy có khoảng 6-7 nhà mạng nhưng chưa ai làm chủ được thị trường. Nhà mạng nào ở Campuchia khi đó cũng chỉ ở mức nhỏ, Viettel nhận định đó chính là cơ hội tốt để có thể biến mình thành người khổng lồ. Và kết quả đã chứng minh sự lựa chọn này của Viettel là hoàn toàn đúng đắn.
Là một trong những người đầu tiên được cử sang Campuchia để xây dựng hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Cao Lợi - Phó Tổng giám đốc Viettel Global (VTG) khi đó mới chỉ là một nhân viên phòng kế toán. Ở thời điểm đó, ban lãnh đạo Viettel chấp thuận đầu tư vào Campuchia với số vốn 1 triệu USD.
Khi bước chân sang Campuchia, Viettel chọn đầu tư Voice IP. Với 663.000 USD tiền mặt, những “chiến sĩ” Viettel đã kéo cáp thành công từ An Giang về văn phòng của Viettel ở Thủ đô Phnom Penh. Từ tháng 7 đến tháng 10/2006, tuyến cáp hoàn thành và VoIP mang lại doanh thu chỉ sau 3 tháng. Số tiền 81.000 USD thu được từ Voice IP tiếp tục được Viettel đầu tư để phát triển mảng Internet và di động sau này.
Giai đoạn đầu khi sang Campuchia, Viettel chỉ có 9 cán bộ kỹ thuật người Việt, ban ngày họ phải đi kéo cáp, tối về chỉ có trứng tráng ăn với cơm bởi chưa hợp với đồ ăn ở đây. Tuy nhiên, khi đó không một cán bộ nào của Viettel nghĩ đến việc bỏ cuộc. Bởi như ông Lợi chia sẻ: “Chúng tôi đi ra nước ngoài cùng với tâm niệm mình không chỉ là đại diện của Viettel mà là đại diện của Việt Nam”.
Thi công trục cáp quang ngầm tại Mozambique. |
Những người sang Campuchia phải chịu những khó khăn chưa từng gặp. Khi các nhân viên kỹ thuật được đưa sang phát triển thị trường ở các tỉnh, sau 2 ngày họ đã phải tự đi đến các địa phương thuê nhà, thuê vị trí đặt trạm để đảm bảo cơ sở có thể phát triển mạng lưới di động. Không biết tiếng bản địa, không biết tiếng Anh, đội ngũ cán bộ của Viettel phải tự mình mò mẫm để hoàn thành nhiệm vụ.
Sau gần 3 năm chuẩn bị, đối mặt với muôn vàn khó khăn, dự án xuất ngoại đầu tiên của Viettel đã chính thức khai trương vào ngày 19/2/2009. Chỉ sau 2 năm, Metfone đã tạo nên kỳ tích trong lịch sử viễn thông Campuchia khi đạt 46% thị phần di động, 60% thị phần mạng cố định băng thông rộng. Mạng di động do Viettel đầu tư tại quốc gia này có slogan “Thân hơn cả bạn thân”.
Hàng năm, thương hiệu Metfone đóng góp khoảng 40-50 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ Campuchia, tạo công ăn việc làm cho 3.000 lao động trực tiếp và khoảng 30.000 gia đình khác có công ăn, việc làm ổn định.
Thương hiệu Natcom được đông đảo người dân Haiti lựa chọn sử dụng. |
“Cơn địa chấn” khắp các châu lục
Năm 2010, kênh Telecom TV One (Anh) đã từng bình luận rằng: “Viettel bắt đầu đi trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi!” khi Tập đoàn viễn thông Việt Nam thành lập liên doanh Natcom tại đất nước Haiti và xây dựng hạ tầng.
Bởi chỉ 3 ngày trước khi Viettel sang Haiti ký hợp đồng thành lập liên doanh viễn thông, trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại đã xảy ra. Thảm họa động đất này đã phá hủy hoàn toàn các công trình lớn của quốc gia châu Mỹ, cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người, san phẳng Thủ đô Port-au-Prince và đẩy nơi đây vào dịch tả khủng khiếp. Vào thời điểm đó không có bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào dám vào Haiti để đầu tư.
Cộng thêm vào đó, Haiti vốn đã có kinh tế chính trị xã hội đều bất ổn. 80% trong số 9,8 triệu người dân Haiti thời đó vẫn sống trong cảnh nghèo đói, với thu nhập chưa tới 2 USD/ngày. Không ai có thể tin là Viettel vẫn tiếp tục thực hiện cam kết đầu tư.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những khó khăn về thảm họa, cơ sở hạ tầng, dịch bệnh, với việc đề cao chữ tín, không bỏ rơi nước bạn trong hoàn cảnh tồi tệ, những cán bộ Viettel vẫn lên đường sang Haiti thực hiện nhiệm vụ. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, ngày 7/9/2011, Natcom đã chính thức khai trương mạng viễn thông với cơ sở hạ tầng hàng đầu Haiti. Natcom đã nhanh chóng có 250.000 thuê bao di động chỉ sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm trước ngày khai trương.
Người dân vùng sau, vùng xa ở Mozambique cũng có cơ hội sử dụng điện thoại di động. |
Vào thời điểm khai trương, Natcom là công ty duy nhất tại Haiti cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông, công nghệ 3G và cũng là nhà mạng sở hữu cổng kết nối Internet quốc tế duy nhất của Haiti qua tuyến cáp quang biển tới Bahamas kết nối đi Mỹ. Sự xuất hiện của Natcom đã trực tiếp đẩy mặt bằng giá cước viễn thông giảm tới 20% so với trước đây.
Viettel tiếp tục đầu tư vào Burundi, một quốc gia nghèo ở châu Phi. Khi đó, quốc gia này đang rơi vào trạng thái bất ổn về chính trị. Các nhà mạng đang kinh doanh tại đây đều tạm ngừng hoạt động và đưa các nhân sự chủ chốt rời đi để đảm bảo an toàn.
Vẫn là quyết định khác người, những người Lumitel (thương hiệu của Viettel tại Burundi) đã ở lại để thực hiện một “kỳ tích”. Do là mạng di động duy nhất còn liên lạc thông suốt và còn bán sim thẻ trên khắp đất nước, Lumitel hoàn thành mốc 600.000 khách hàng và có lãi trong vòng 1 tháng. Sau 4 tháng, Lumitel đạt 1 triệu thuê bao, tương đương 10% dân số Burundi.
Đây không những là thị trường mà Viettel vươn lên vị trí số 1 nhanh nhất trong lịch sử, mà còn là doanh nghiệp viễn thông duy nhất trên thế giới bước chân vào một thị trường bị “trấn giữ” bởi 5 mạng di động, mà có thể có lãi trong thời gian chỉ hơn 4 tuần.
Cũng tại lục địa đen, mạng Movitel của Viettel tại Mozambique từng được mệnh danh là “Điều kỳ diệu châu Phi” khi làm bùng nổ một cuộc cách mạng về di động và giành tới 6 giải thưởng quốc tế. Trước khi Movitel xuất hiện, chỉ dân thành phố mới có thể sử dụng internet và điện thoại di động với mức giá cước “người giàu”. Năm 2012, Movitel bắt đầu kinh doanh và hiện nay, người dân Mozambique có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động 2G với giá 799 Metical (khoảng 250.000 đồng), hay điện thoại 3G với giá 3.199 Metical (chưa tới 1 triệu đồng) với mức cước thấp hơn các nhà mạng khác.