Mập mờ giữa luật và lệ

(PLVN) - Trung Quốc nhận lại Hong Kong từ Anh vào năm 1997. Hai năm sau, Trung Quốc nhận lại Ma Cao từ Bồ Đào Nha và cũng thực hiện mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở Ma Cao. Từ đó đến nay, Ma Cao thì không sao nhưng Hồng Kông liên tục khiến Trung Quốc khó xử cả về đối nội lẫn đối ngoại. Vì sao vậy? 
Những tòa cao ốc ở Hong Kong (Trung Quốc)
Những tòa cao ốc ở Hong Kong (Trung Quốc)

Hong Kong là một trong những đặc khu hành chính của Trung Quốc. Sau khi nhận lại Hong Kong từ Anh, Trung Quốc thực thi mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở đây. Cái biệt danh “Đặc khu hành chính” có từ đó và cũng hàm ý đó, cụ thể là Hồng Kông được Trung Quốc dành cho những quyền tự trị sâu rộng trên nhiều phương diện, có mãi mãi như vậy hay không thì chưa biết, nhưng ít nhất thì cũng cho tới năm 2047 như thoả thuận giữa Trung Quốc và Anh.

“Đặc khu hành chính” phản ánh sự khác biệt rất cơ bản về pháp lý giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Trung Quốc nhận lại Hong Kong vào năm 1997. Hai năm sau, Trung Quốc nhận lại Ma Cao từ Bồ Đào Nha và cũng thực hiện mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở Ma Cao. Từ đó đến nay, Ma Cao thì không sao nhưng Hong Kong liên tục khiến Trung Quốc khó xử cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Mới đây, Trung Quốc đưa ra một bộ luật mới về an ninh cho Hong Kong. Mỹ, Anh và EU phản đối luật này. Trong khi EU chỉ thể hiện thái độ phản đối thôi thì Mỹ và Anh đi xa hơn thế rất nhiều. Phía Mỹ ngừng áp dụng những biện pháp chính sách ưu đãi Hồng Kông, tức là không còn phân biệt đối xử nữa giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Có thể hiểu theo cách khác ở đây là phía Mỹ cho rằng với việc đưa ra bộ luật mới kia về an ninh cho Hồng Kông, chính phủ Mỹ mặc định rằng Trung Quốc không còn thực thi mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở Hong Kong vì thế ngừng ưu đãi Hồng Kông bởi trên thực tế giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong giờ chỉ còn “một nhà nước, một chế độ”.

Người dân Hong Kong biểu tình phản đối luật mới về an ninh tháng 5/2020
Người dân Hong Kong biểu tình phản đối luật mới về an ninh tháng 5/2020 

Cùng lúc, đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nếu Trung Quốc thực thi bộ luật mới này thì phía Anh sẽ tạo mọi điều kiện pháp lý thuận lợi cho người dân hiện tại sinh sống ở Hồng Kông được nhập cảnh vào Anh, định cư ở Anh và gia nhập quốc tịch Anh.

Theo số liệu thống kê của Anh, hiện tại ở Hồng Kông có khoảng 350.000 người mang hộ chiếu Anh và ước tính sẽ có từ 1/3 trong tổng số 7,5 triệu người dân ở Hong Kong muốn di cư hoặc gia nhập quốc tịch Anh. Mỹ ngừng ưu đãi, còn Anh “rộng cửa” đón người dân ở Hồng Kông trở thành công dân của Anh. Hiệu ứng của những động thái này của Mỹ và Anh giống nhau là gây khó dễ cho Trung Quốc, tạo áp lực thúc ép Trung Quốc hủy bỏ bộ luật mới.

Lập luận của họ đều là Trung Quốc không tuân thủ cam kết về thực hiện mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở Hồng Kông. Cũng vì thế mà ở đây có chuyện lập lờ giữa luật và lệ. Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Anh về việc trao trả Hong Kong được Liên Hợp quốc ghi nhận và vì thế được coi như luật pháp quốc tế. Nhưng cam kết của Trung Quốc về thực hiện mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở Hong Kong lại được thể hiện trong một tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Anh.

Cái mập mờ ở đây là phía Anh coi cam kết của Trung Quốc như bộ phận của thỏa thuận, trong khi Trung Quốc coi đấy chỉ là cam kết đơn phương, có nghĩa là không hề hàm chứa bất cứ trách nhiệm hay nghĩa vụ gì của Trung Quốc đối với Anh. Cái lệ ở đây là khi hữu hảo với nhau thì lệ có giá trị như luật, được hiểu và tuân thủ như luật, còn khi không thiện chí với nhau nữa thì lệ không phải là luật và không có tính ràng buộc như luật.

Cái mập mờ giữa luật và lệ này hiện có lợi cho Trung Quốc. Việc Mỹ và Anh phải tạo cảm nhận chung trên thế giới là Trung Quốc đã không còn thành công nữa với mô hình “Một nhà nước, hai chế độ” ở Hong Kong là cách hai nước này thúc ép Trung Quốc coi lệ cũng như luật. 

Đọc thêm