Mất con vì xã “ngâm” đơn qua hai “đời” bộ luật

(PLO) - Vết thương từ chiến trận đã khiến ông không thể có thêm con. Ước nguyện được nhận một đứa cháu ngoại làm con nuôi đáng tiếc cũng bị cản trở. Hơn một thập kỷ đã qua đi, nhớ lại những năm tháng cay đắng ngược xuôi kêu cầu công lý nhưng không được, ông Khai chỉ biết ngậm ngùi rơi nước mắt.
 Vợ chồng ông Khai hơn 10 năm mang đơn đi khiếu nại.
Vợ chồng ông Khai hơn 10 năm mang đơn đi khiếu nại.
“Mất con” vì xã làm sai
Gần 40 năm trước, ông Vương Khả Khai (SN 1938, ngụ xóm Hanh, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xuất ngũ về quê đoàn tụ với vợ và hai người con gái. Ông bị nhiễm chất độc da cam lại thêm vết thương cũ tái phát nên đau ốm liên tục, vợ chồng vợ chồng không thể sinh thêm được người con nào. Các con gái lớn lên đều lấy chồng xa không có điều kiện chăm sóc bố mẹ. Vợ chồng ông Khai đành nương tựa vào nhau sống trong căn nhà nhỏ. 
Trước cảnh bóng đã xế chiều, ông bà quyết định nhận con nuôi để nương tựa khi trái gió trở trời, xa hơn nữa còn tính chuyện có người hương khói sau khi mình nhắm mắt xuôi tay. “Con nuôi” không phải ai xa lạ, chính là đứa cháu ngoại tên Nguyễn Như Vỹ (SN 1992) là con trai thứ ba của cô con gái lớn. Hoàn cảnh con gái rất khó khăn nên ngay sau khi chị này sinh cháu Vỹ, ông bà Khai đã đón về đứa bé về nuôi nấng.
Cuối năm 1992, ông Khai làm đơn xin nhận cháu làm con nuôi. Theo lời ông, khi đó chính quyền xã đã nhận đơn và nói mọi thủ tục đã xong xuôi, ông cứ yên tâm ra về. Tuy nhiên, trong sổ hộ tịch của ông, công an xã vẫn chỉ ghi Nguyễn Như Vỹ là cháu, không phải là con. Ông thắc mắc, được giải thích: Ghi là cháu nhưng vẫn được hưởng tất cả mọi chế độ con nuôi của nhà nước là được. Nghe vậy, ông Khai yên tâm ra về. 
Từ khi có thành viên mới, gia đình ông lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Ông Khai là bệnh binh hạng 1/3, mất sức lao động đến 80%, cháu Vỹ cũng được hưởng chế độ con của bệnh binh không phải đóng góp các khoản tiền trong quá trình học tập. Nhưng đến năm 2003, Phòng Thương binh và Xã hội huyện Thạch Hà cắt chế độ con bệnh binh của cháu Vỹ. Ông Khai chạy đôn chạy đáo khắp các cơ quan trong huyện khiếu nại nhưng đi đâu cũng được các cán bộ cho biết: Do ông chưa làm thủ tục nhận con nuôi nên cháu bé bị cắt chế độ. 
Lúc này người thương binh mới hoang mang vì thực tế ông đã làm thủ tục nhận con nuôi từ năm 1992. Kiến nghị việc này lên UBND huyện, cán bộ huyện về xã kiểm tra sổ hộ tịch, thấy ghi quan hệ của cháu Vỹ với ông Khai là “cháu”, không phải ghi là “con” nên kết luận ông chưa hoàn thành thủ tục nhận con nuôi.
Luật cũ không cấm
Ông Khai cho biết: “Vì tôi sơ suất thiếu hiểu biết nên khi xã làm không đúng thủ tục cũng không khiếu nại. Do đó tôi lên UBND xã xin làm lại giấy tờ. Tuy nhiên lúc đó cán bộ tư pháp xã nói tôi không thể nhận cháu Vỹ làm con nuôi vì nó là cháu ngoại tôi. Họ lấy Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình áp đặt cho gia đình chúng tôi. Mà theo khoản 1, điều này ghi rằng: 
“Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”, chứ không hề cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi”.
Sau đó, ông Khai đã làm đơn gửi các cấp chính quyền nhưng các bên đều viện cớ do chưa đăng kí nhận con nuôi nên cháu Vỹ không được hưởng chế độ. Ông lên xã xin đăng kí lại thì xã không cho vì quan hệ giữa hai người là ông cháu. 
Tuổi già sức yếu, hai ông bà không biết kêu ai đành cố gắng làm lụng nuôi cháu ăn học thành người. Vào năm 2004, có người bạn thương hoàn cảnh của ông Khai nên khuyên ông làm đơn ra văn phòng trợ giúp pháp lý Hội Cựu chiến binh Việt Nam xin giúp đỡ. Ngay sau đó, văn phòng trợ giúp pháp lý đã trả lời cho ông bà: “Đến thời điểm hiện tại (năm 2004) trong quy định của pháp luật không có điều khoản nào cấm ông bà không được nhận cháu ngoại làm con nuôi, kể cả chương VIII của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 về “Con nuôi”. 
Hơn nữa theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 32/2002/NDD-CP ngày 27/3/2002 của chính phủ quy định áp dụng luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số thì: “Nhà nước khuyến khích phát huy tập quán của các dân tộc nhận những người thân thích trong dòng họ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi không nơi nương tựa làm con nuôi, nếu việc nuôi con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”. Như trong đơn ông trình bày thì ông có đủ điều kiện để nhận cháu Vỹ làm con nuôi.”
Cũng trong năm này, văn phòng trợ giúp pháp lý Hội cựu chiến binh Việt Nam đã có phiếu kiến nghị gửi đến UBND xã Thạch Liên, Ban tư pháp xã Thạch Liên, UBND huyện Thạch Hà, Phòng TBXH huyện Thạch Hà giải quyết kiến nghị cho ông Khai. Tuy nhiên các cơ quan này vẫn “án binh bất động”.
Bị gây khó dễ vì chống tiêu cực?
Sau nhiều năm vất vả xin nhận cháu làm con nuôi không được, ông Khai cho rằng ông bị UBND xã gây khó khăn như vậy là có lý do, một số cán bộ ở đây thù ghét ông nên cố tình gây khó dễ. Khẽ lau những giọt nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo, ông nghẹn ngào tâm sự: “Đến năm 2010, Luật nhận con nuôi mới có điều khoản cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi. Thời điểm tôi lên xã xin làm thủ tục nhận con nuôi trước năm 2010 nên hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên chính quyền xã đã ngang ngược không làm thủ tục cho tôi. Tất cả đều là vì tôi đã đứng lên tố cáo các hành vi sai phạm của họ”.
Văn bản trả lời của xã Thạch Liên từ chối cho ông Khai nhận cháu làm con nuôi.
 Văn bản trả lời của xã Thạch Liên từ chối cho ông Khai nhận cháu
làm con nuôi.
Sau khi cháu Vỹ bị cắt chế độ con bệnh binh, trong chín năm tiếp theo nuôi cháu ăn học, vợ chồng ông Khai phải nộp đầy đủ các khoản đóng góp cho nhà trường. Theo ông, số tiền không đáng là bao nhưng nếu được hưởng cũng phần nào giúp cho gia đình người bệnh binh đỡ vất vả, tủi thân.
Việc xảy ra đã lâu, đứa cháu giờ đã trưởng thành nhưng đến nay ông Khai vẫn chưa hết bức xúc. Trong hơn 10 năm qua ông vẫn cần mẫn đạp xe mang đơn khiếu nại đến các ban ngành để tố cáo hành vi sai phạm của UBND xã. Ông cho biết: “Dù giờ đây cháu tôi đã học xong rồi, việc hưởng chế độ cũng không còn cần thiết nữa nhưng những việc làm sai trái của một số cán bộ xã thời đó vẫn chưa được đem ra ánh sáng. Thậm chí họ vẫn tiếp tục giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền”. 
Bà Bùi Thị Vẽ (SN 1936, vợ ông Khai) tâm sự: “Bao nhiêu năm qua vợ chồng tôi rất khổ tâm vì vấn đề này. Việc khiếu nại khiến chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và tiền của nhưng vẫn không được giải quyết. Tôi từng khuyên ông ấy đừng đi kiện cáo nữa, người ta có chức có quyền, mình dân đen thấp cổ bé họng làm sao chống lại họ được. Tuy nhiên ông nhà tôi không chịu, cứ nói không thể thấy việc làm sai trái mà làm ngơ”.
Đáng tiếc, ước nguyện được nhận cháu làm con nuôi đúng pháp luật của ông đã bị cản trở. Trải qua hơn chục năm, quy định của luật pháp đã thay đổi, ông đành “lỡ hẹn” với nguyện vọng từng không trái luật./.

Đọc thêm