Vụ kiện “hiểm hóc” đòi bồi thường bao phân cho ruộng dưa leo “đột tử”

(PLO) - Cho rằng người hàng xóm xả nước làm chết ruộng dưa leo nhà mình, hơn một năm qua, ông Dũng liên tục kiện cáo để đòi được đền bù… một bao phân. Vụ việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thực tế khiến chính quyền địa phương cả năm trời đau đầu, tốn công sức nhiều lần hòa giải vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Dưa chết già hay chết do ngập nước?
Đầu năm 2013, anh Võ Văn Quyền (SN 1983, ngụ ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thuê một phần đất để trồng dưa leo sát vườn ông Trần Văn Dũng (SN 1966). Thời gian đầu, mối quan hệ của hai người rất tốt đẹp. Về sau, anh Quyền cho rằng không cho ông Dũng vào bắt cá trong mương nước của mình nên hai người xảy ra mâu thuẫn, không còn qua lại với nhau.
Đến tháng 4/2013, do sơ ý, trong một lần xả nước vào mương để tiện chèo xuồng, vợ anh Quyền quên bịt lại. Hậu quả của việc làm này khiến nước tràn vào ruộng dưa leo nhà ông Dũng và hoa màu của 5 hộ dân xung quanh. 
Ngay ngày hôm đó, toàn bộ diện tích dưa leo vườn ông Dũng đồng loạt vàng lá, có hiện tượng héo úa. Cho rằng gia đình anh Quyền chính là “thủ phạm” gây ra sự việc trên, ông Dũng cùng 5 hộ dân kia viết đơn kiện, gửi lên chính quyền địa phương. 
Xuống xem xét, quan sát tình hình thực tế, lãnh đạo ấp Mỹ Hòa lập biên bản, xác nhận vụ việc, nhận định: “Việc gia đình anh Quyền xả nước vào mương chính là lý do khiến ruộng dưa của ông Dũng và hoa màu của một số hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng”.
Cho rằng mình không làm chết ruộng dưa leo nhà hàng xóm nên anh Quyền nhất quyết không chịu đền bù bao phân
 Cho rằng mình không làm chết ruộng dưa leo nhà hàng xóm nên anh Quyền nhất quyết không chịu đền bù bao phân
Dù bị chính quyền ấp cùng hàng xóm “buộc tội, bắt vạ” nhưng anh Quyền không chấp nhận, cho rằng: “Cách xử lý của ấp quá hời hợt, do dưa ông Dũng già nên vàng héo chứ không phải do tôi xả nước. Nếu do nước, ruộng dưa của tôi cũng đã chết như dưa ông Dũng”.
Trong khi đó, ông Dũng khẳng định chính anh Quyền đã gián tiếp gây ra hậu quả cho ruộng dưa nhà mình. “Chỉ cần dùng mắt thường cũng thấy rõ ràng ruộng dưa anh Quyền vun luống cao, dưa của tôi luống thấp, lại trồng ra ngoài mé, nên khi xả nước vào quá nhiều, ruộng dưa của tôi mới bị ngập và chết. Bình thường một vụ dưa leo cho 10 đợt trái. Lúc chết, dưa của tôi mới thu hoạch được 5 đợt, không thể nói dưa chết già”, ông Dũng phản bác.
Ông Võ Bình Định, Phó trưởng ấp Mỹ Hòa hì cho hay: “Nhận đơn phản ánh, Ban lãnh đạo ấp xuống xem xét thực tế, lúc đó thấy ruộng dưa ông Dũng héo úa, dưới luống nước ngập. Bởi vậy chúng tôi nhận định việc gia đình anh Quyền xả nước gián tiếp gây ra ảnh hưởng tới ruộng dưa của ông Dũng chứ không có kết quả phân tích khoa học”.
Không “tâm phục, khẩu phục”, ông Võ Văn Đại (SN 1935, cha anh Quyền) lập luận: “Tôi thừa nhận nước chảy vào ruộng ông Dũng là do gia đình tôi gây ra. Tuy nhiên lúc đó nước còn cách mặt luống 5 tấc. Khi phát hiện ra, tôi đã đắp bờ ngăn lại. Dưa leo rất nhạy cảm, có thể do già, bệnh, hoặc do phân, nước hoặc nhiều lý do khác mà chết. Không thể dựa vào cảm tính, dựa vào mắt thường để “buộc tội” cho gia đình tôi như vậy được”.
Hai bên đương sự đều “lời hứa gió bay”
Tổ hòa giải ấp Mỹ Hòa đã tổ chức gặp mặt hai bên, hòa giải 3 lần nhưng không thành công. Vụ việc được chuyển lên Ban Tư pháp thị trấn Cây Dương giải quyết. Ban hòa giải thị trấn lại tiếp tục quy trình họp dân, gặp gỡ hai bên nhằm tìm ra cách xử lý thích hợp nhất nhưng mọi việc vẫn loanh quanh luẩn quẩn, chẳng đâu vào đâu. 
Trong quá trình hòa giải, Ban Tư pháp đã thuyết phục được 5 hộ dân kia rút đơn kiện. Riêng ông Dũng vẫn một mực đòi anh Quyền phải công khai nhận lỗi trước mặt bà con và cơ quan chức năng thì “sẽ bỏ qua tất cả”. 
Anh Quyền nhớ lại, dù rất ấm ức và bức xúc nhưng anh vẫn chấp nhận để mong được qua chuyện. Không ngờ khi anh nhận lỗi, ông Dũng “được đà lấn tới”, tiếp tục dựa vào cái cớ ấy để đòi bồi thường 2 bao phân. 
“Khi ông Dũng nói nếu tôi chịu nhận lỗi sẽ đồng ý bỏ qua tất cả, một cán bộ cũng khuyên tôi nên nhận lỗi cho “yên thân”. Thấy quá rắc rối vì liên tục bị mời lên mời xuống, không thể yên ổn làm ăn, tôi gật đầu đồng ý. Ai ngờ ông Dũng tiếp tục nằng nặc “bắt vạ””, anh Quyền nói. 
Sự việc quay trở lại rắc rối, khi các bên đều đã cho rằng “thanh danh bị ảnh hưởng”. Cho rằng mình bị “gài” vào thế, anh Quyền sau khi hứa sẽ đền 2 bao phân trong vòng một tháng, nhưng ấm ức không chịu “thi hành án” khiến sự việc kéo dài dai dẳng. 
Đến đầu năm 2014, Ban Tư pháp thuyết phục được ông Dũng giảm mức yêu cầu bồi thường xuống 1 bao phân. Anh Quyền vẫn chưa chịu trả. 
Hơn 1 năm nay, ông Dũng liên tục tìm tới Ban Tư pháp thị trấn, yêu cầu được giải quyết dứt điểm và đòi nợ 1 bao phân, khiến các cán bộ ở đây nhiều phen dở khóc dở cười. 
Anh Nguyễn Văn Điền, cán bộ Tư pháp thị trấn Cây Dương cho biết: “Chỉ có một bao phân mà một bên nằng nặc đòi đền, một bên thì không thực hiện. Vụ việc quá nhỏ nhặt nhưng lại kéo dài hơn một năm nay. Chúng tôi không có đủ bằng chứng để “buộc tội” anh Quyền, chỉ có thể giải quyết vụ việc theo nguyên tắc dung hòa tình làng nghĩa xóm. Anh Quyền đã nhận lỗi, đã hứa sẽ đền bù, nhưng chỉ hứa cho qua chuyện chứ không thực hiện. Trong những lần họp, tiếp xúc cử tri, ông Dũng lại lôi vụ việc này ra phản ánh, trách chúng tôi làm việc không hiệu quả, thiếu trách nhiệm. 
Lãnh đạo thị trấn cũng phê bình chúng tôi về việc này. Chúng tôi đã hướng dẫn ông Dũng gửi đơn lên Phòng Tài nguyên Môi trường, nhờ xác nhận, tìm ra nguyên nhân nhưng lúc đó đã quá muộn, dưa ông Dũng đã chết khô hết, không thể phân tích được. Chúng tôi đã cố gắng hết sức, dù ở giữa phải chịu vô vàn sức ép. Thật không biết giải quyết cách nào cho hợp tình hợp lý?”.
Có hay không việc địa phương “làm khó” đương sự?
Theo anh Quyền, thời gian gần đây, anh rời quê lên Đồng Nai làm công nhân, không may bị kẻ gian bẻ khóa, đột nhập phòng trọ trộm xe máy cùng toàn bộ tiền bạc, giấy tờ tùy thân để trong cốp. Ngày 25/7, anh trở về địa phương, mang theo sổ hộ khẩu và giấy khai sinh lên UBND thị trấn Cây Dương xin giấy xác nhận đi làm lại chứng minh nhân dân nhưng bị công an “gây khó dễ”. 
Ông Nguyễn Văn Huyền , phó trưởng công an thị trấn Cây Dương
  Ông Nguyễn Văn Huyền , phó trưởng công an thị trấn Cây Dương 
Theo anh Quyền: “Khi tôi đem giấy tờ lên, anh Nguyễn Văn Huyền, phó công an thị trấn đã giữ lại và buộc tôi phải đền bù cho ông Dũng. Nếu tôi không thực hiện, anh ấy sẽ không giao giấy tờ lại”. 
Xa lộ Pháp luật đã có buổi trao đổi với ông Trần Văn Sách, Trưởng công an thị trấn Cây Dương về vấn đề này. Ông Sách cho biết chưa nghe báo cáo sự việc và cho hay ông Huyền vừa đi công tác, không có mặt tại cơ quan, hẹn gặp vào ngày 29/7.
Đúng hẹn, phóng viên đã gặp ông Huyền. Vị Phó trưởng công an thị trấn cho biết: “Mấy lần Ban hòa giải mời anh Quyền lên để giải quyết dứt điểm vụ việc, bồi thường cho ông Dũng như lời cam kết nhưng anh Quyền không chịu hợp tác. Bởi vậy khi biết anh Quyền xuất hiện, tôi mời anh ấy qua phòng làm việc để động viên, nhắc nhở về vụ việc. Khi tôi hỏi về bao phân bồi thường, anh Quyền hứa sẽ trả và đưa ông Dũng tới gặp tôi. Biết anh Quyền không rành chữ nghĩa, tôi nhờ người viết giấy tờ giúp anh ấy và dặn tới chiều quay lại lấy, chứ không giữ như anh Quyền trình bày”./.