Mất niềm tin vào Sacombank

(PLO) - Trình bày với Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Vũ Văn Phước (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Song Ngưu) cho biết ông quyết định dừng việc khiếu nại Sacombank tại đây vì thấy đã đủ mệt mỏi và không muốn lãng phí thêm thời gian.
Ông Vũ Văn Phước

Chưa có văn bản trả lời khách hàng

Như đã phản ánh, ngày 5/2/2016 (tức ngày 27 Tết Âm lịch), ông Vũ Văn Phước được Phòng giao dịch Sacombank Trảng Bom (PGD Trảng Bom) làm giấy ủy quyền cho phép rút, chuyển khoản, cầm cố, thế chấp tài khoản tiết kiệm từ thẻ tiết kiệm có 2,5 tỷ đồng của ông Nguyễn Trung Hiếu (Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV Mộc Anh Phát). Giấy ủy quyền này có thời hạn từ ngày 5/2 đến ngày 3/3/2016, có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan, gồm đại diện PGD Trảng Bom, ông Phước và ông Hiếu.

Ông Phước cho biết, thẻ tiết kiệm này là khoản đặt cọc của ông Hiếu cho ông Phước trong một giao dịch chuyển nhượng nhà xưởng, đất đai.

Tuy nhiên ngày 15/2/2016 (tức ngày 8 tháng Giêng âm lịch), ngay sau kỳ nghỉ Tết, khi ông Phước quay lại PGD Trảng Bom để rút tiền và chuyển khoản từ thẻ tiết kiệm nêu trên thì bị nhân viên PGD từ chối thực hiện giao dịch.

Cùng với việc gửi đơn thư đến Tổng Giám đốc Sacombank, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Đồng Nai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Đồng Nai, ông Phước cũng phản ánh sự việc trên đến Báo Pháp Luật Việt Nam.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên đã phản ánh sự việc tới người có trách nhiệm của Sacombank. Ngày 4/3/2016, Sacombank Chi nhánh Đồng Nai có văn bản trả lời Báo Pháp Luật Việt Nam, trong đó xác nhận ngày 3/2/2016 có phát sinh cho ông Nguyễn Trung Hiếu một thẻ tiết kiệm giá 2,5 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, thẻ tiết kiệm này đang đảm bảo cho khoản vay của ông Hiếu tại Sacombank - PGD Trảng Bom và được phong tỏa từ ngày 3/2 đến ngày 3/3/2016. Cũng vì thẻ tiết kiệm đang trong thời gian bị phong tỏa nên PGD Trảng Bom đã từ chối thực hiện yêu cầu rút tiền, chuyển khoản của ông Phước.

Như vậy, cùng về một nội dung nhưng Sacombank đã có văn bản trả lời Báo Pháp Luật Việt Nam mà chưa có văn bản trả lời khách hàng là ông Phước dù ông Phước đã gửi đơn thư cho Sacombank trước khi phản ánh tới báo chí.

Dừng khiếu kiện nhưng mất niềm tin 

Do ông Vũ Văn Phước chưa có được câu trả lời chính thức bằng văn bản của Sacombank đối với các phản ánh của mình, Báo Pháp Luật Việt Nam đã cung cấp văn bản trả lời của Sacombank cho ông Phước nắm thông tin (cần nói thêm là trong văn bản trả lời Báo Pháp Luật Việt Nam, phần “Nơi nhận” không hề có tên ông Phước).

Biết được PGD Trảng Bom không cho mình rút tiền, chuyển khoản từ thẻ tiết kiệm của ông Hiếu là do thẻ này đang bị phong tỏa để đảm bảo cho khoản vay, ông Phước nhận xét: “Nếu đúng vậy thì nhân viên ngân hàng không thể cho tôi rút tiền, chuyển khoản. Có điều, ở đây vẫn còn một số vấn đề mà tôi không thể hiểu được. Thứ nhất, tại sao thẻ tiết kiệm đang bị phong tỏa mà PGD Trảng Bom lại làm giấy ủy quyền cho tôi được rút tiền, chuyển khoản, liệu điều này có đúng pháp luật? Thứ hai, tại sao khi làm giấy ủy quyền, nhân viên PGD Trảng Bom không nói cho tôi biết hiện trạng của thẻ tiết kiệm đã bị phong tỏa? Thứ ba, tại sao Sacombank có văn bản trả lời báo chí mà không có văn bản trả lời tôi, phải chăng báo chí quan trọng hơn khách hàng?”.

Ông Phước cũng cho biết thêm, sự cố này có gây thiệt hại cho ông nhưng thiệt hại về vật chất là không đáng kể nên ông sẽ dừng việc khiếu nại Sacombank tại đây để tránh mệt mỏi và khỏi lãng phí thêm thời gian.

Cũng theo ông Phước, trước sự cố này, ông có mở tài khoản cá nhân tại Sacombank, từng thực hiện nhiều giao dịch và rất tin tưởng ở Sacombank. Nhưng sau sự cố, vì niềm tin đã mất nên ông Phước sẽ đóng tài khoản trên để không phải nhớ đến Sacombank, không phải nhớ đến câu chuyện không hay đã xảy ra với mình.

“Bạn bè và đối tác có nhiều người đọc báo nên biết chuyện và gọi điện hỏi thăm tôi. Hôm nay qua Báo Pháp Luật Việt Nam, tôi xin được chuyển lời tới mọi người rằng tôi sẽ dừng việc khiếu nại Sacombank tại đây. Tôi cũng không cần Sacombank xin lỗi hoặc giải thích nữa. Ngoài ra, tôi đã không còn là khách hàng của Sacombank. Tôi mong sẽ không còn ai nhắc tới ngân hàng này trước mặt tôi”.

Nhiều tranh luận từ cộng đồng mạng

Câu chuyện giữa ông Vũ Văn Phước và Sacombank thu hút được nhiều bình luận từ cộng đồng mạng.

Trên trang Zing.vn, bạn Vinh Ngô viết: “Không thể nào đúng luật được. Sổ tiết kiệm đã cầm cố được phong tỏa để đảm bảo khoản vay tức là lúc này tài sản đã thuộc diện hạn chế thực hiện các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, ủy quyền cho bên thứ ba. Khi tiếp nhận yêu cầu ủy quyền này, đúng ra Sacombank phải giải thích cho bên thứ ba về hiện trạng sổ tiết kiệm đã được cầm cố và không thể tiến hành ủy quyền được”.

Cư dân mạng Binh lại nhận định: “Theo luật dân sự, tài sản khi thế chấp, cầm cố ở ngân hàng vẫn là tài sản của người thế chấp nên họ có quyền tặng, cho, thừa kế, mua bán... Bởi vậy, để không phát sinh rắc rối nên sinh ra cái giao dịch bảo đảm (GDBĐ). Mà cầm cố mỗi cái sổ tiết kiệm cũng đăng ký GDBĐ thì hơi phiền nên khi làm hợp đồng cầm cố sẽ có thêm điều khoản có mục đích tương tự như GDĐB, tức là dù chủ sổ có chuyển nhượng sổ cho ai thì ngân hàng vẫn có quyền xử lý đầu tiên, sau đó mới đến người được chuyển nhượng. Ông Hiếu chắc là vay tiền chứng minh tài chính, cầm cố luôn sổ tiết kiệm tại Sacombank. Sau đó vì lí do gì đó (xuất trình để làm thủ tục du lịch hay du học chẳng hạn) mà đi mượn Sacombank sổ tiết kiệm vài ngày...”.

Còn đây là nhận xét của bạn Anh Thi: “Lỗi này thuộc về phía ngân hàng. Rõ ràng ngân hàng đã biết sổ tiết kiệm này dùng để đảm bảo khoản vay của ông Hiếu, vậy mà ngân hàng vẫn cấp giấy ủy quyền cho ông Phước rút toàn bộ tiền trong đó. Nếu ông Phước không được rút số tiền này thì giấy ủy quyền của ngân hàng có tác dụng gì?”.

Cư dân mạng Nguyễn Phước Gia Bảo thắc mắc: “Ở đây ai cũng thấy “phi vụ” này có liên quan đến người giám sát hợp đồng (làm chứng) là nhân viên ngân hàng thực hiện giao dịch và lãnh đạo chi nhánh này (giám sát). Vấn đề chính là tại sao nhân viên ngân hàng không thông báo rõ với bên được ủy quyền tình trạng của sổ tiết kiệm? Nhân viên ngân hàng cố tình hay vô tình “quên”?”.

Ở góc độ khác, bạn Thanh bày tỏ sự ngạc nhiên: “Chuyện này kỳ vậy? Sổ tiết kiệm đã thế chấp, cầm cố thì phải lưu tại ngân hàng (nhập kho) và bị phong tỏa trên toàn hệ thống, trong khi để ủy quyền được thì người ủy quyền phải có sổ và khi đã ủy quyền thì phải giao sổ cho người được ủy quyền giữ?”. 

Một cư dân mạng khác tên Cẩm thì bày tỏ niềm tin vào Sacombank và mong sự việc được tiếp tục làm rõ: “Sacombank là ngân hàng lớn và uy tín. Tôi có niềm tin ở họ. Trong chuyện này đúng là có điều gì đó không bình thường. Chúng ta không nên tin vào lời nói từ một phía. Mọi việc thế nào chờ cơ quan điều tra sẽ rõ”.

Đọc thêm