Anh Phạm Văn Thâu (dân tộc H’Re) kể: Đi tháng 8/2010 đến tháng 10/2011, anh xin về nước vì “công việc nặng lắm, lại bị ép cường độ lao động. Trong khi đó, việc làm thêm không có, nên ngoài khoản lương đã thỏa thuận không có thu nhập gì thêm”. Người lao động phải làm việc với cường độ cao từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Nếu đạt được điều kiện đó, mới được chấp nhận làm thêm từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm.
Anh Thâu bày tỏ, cũng là do công ty không tư vấn kỹ, người lao động không tìm hiểu thấu đáo, “tưởng có 3,6 triệu đồng để ra gửi về nhà chứ 3,6 triệu đồng tiền lương chỉ đủ ăn ấy ở quê chúng tôi làm lần hồi cũng đủ”. Thế là, năm tháng đi làm xứ người, kết quả thu về là “một chuyến du lịch giá cao”, bởi anh và gia đình đã vay của Nhà nước 23,9 triệu đồng chi phí cho chuyến đi.
Xung quanh đó, làng trên xã dưới, lại không ít người chung cảnh ngộ như anh. Anh trai anh Thâu là Phạm Văn Thiết cũng thế, đi Malaysia được ít ngày, về gánh khoản nợ 23,9 triệu đồng, vợ bỏ nhà đi cũng vì không chịu được cảnh nợ nần chồng chất, anh Thiết bỏ đi khỏi địa phương.
Ông Phạm Văn Chảy có con trai là Phạm Văn Tiến đi xuất khẩu lao động quá hạn khoản vay 24,3 triệu đồng chưa trả được đồng nào, giờ cũng không biết lấy tiền đâu mà trả…
Đa phần những người lao động nghèo ở Quảng Ngãi “đi mắc núi, trở lại mắc sông” là những người lao động về nước trước thời hạn. Nguyên nhân chính là người lao động chưa hình dung được môi trường làm việc, hoặc do thông tin tư vấn không đầy đủ, hoặc do môi trường lao động khắc nghiệt hơn so với thông tin mà người lao động được tư vấn.
Trong khi đó, người lao động chưa quen ý thức kỷ luật lao động công nghiệp, ngoại ngữ lại hạn chế, không có kỹ năng và trình độ đáp ứng tốt cho công việc và cuộc sống khi làm việc ở nước ngoài.
Một vấn đề mà các địa phương và người lao động phải giải quyết khi người lao động về nước trước thời hạn, đó là khoản tiền vay mà người lao động và gia đình phải trả. Không ít gia đình thuộc diện nghèo, không có tài sản, mà hồ sơ thủ tục không đầy đủ để có thể đáp ứng điều kiện xử lý nợ rủi ro. Tỉnh Quảng Ngãi, Ngân hàng Chính sách xã hội đang tìm giải pháp thỏa đáng để có thể “tháo gỡ” hoàn cảnh này cho người dân.