Máy xét nghiệm Covid-19: Nhà nước không quy định giá nhưng gian lận, trục lợi bất hợp pháp cần phải xử lý nghiêm minh.

(PLVN) -Cùng mua máy xét nghiệm Covid-19 nhưng giá rất khác nhau và chênh lệch rất nhiều so với giá nhập khẩu. Việc thẩm định giá và đấu thầu máy xét nghiệm Covid-19 được quy định như thế nào? PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm giá Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm giá Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm giá Việt Nam.

* Việc thẩm định giá (TĐG) đối với máy móc thiết bị mua bằng tiền NSNN được quy định như thế nào, thưa ông? 

Theo quy định tại Điều 31 Luật giá thì tài sản TĐG có hai loại: Tài sản của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu TĐG: Và tài sản của Nhà nước phải TĐG theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước  và quy định của pháp luật có liên quan; 

Tài sản của Nhà nước đó là: các tài sản mà các cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN: mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản Nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước... Mua, bán tài sản có giá trị lớn...

* Trong trường hợp đặc biệt như chiến tranh, dịch bệnh thì quy định như thế nào? Nếu chỉ định thầu thì có kèm theo quy định nào khác không thưa ông?

Theo Quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu thì các gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu và trong các trường hợp đặc biệt còn được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn (Trừ gói thầu cần thực hiện bảo đảm bí mật Nhà nước) gồm “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng, gói thầu cần thực hiện  để bảo đảm bí mật Nhà nước, gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”.

Các gói thầu này đều phải lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giá gói thầu phải lập căn cứ vào ít nhất một trong 5 tài liệu theo quy định tại Điều 11, Khoản 2, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính. 

Trong 5 tài liệu đó có 3 tài liệu liên quan đến giá, đó là: Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá; Kết quả TĐG của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện TĐG tài sản, doanh nghiệp TĐG đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải TĐG theo quy định của Luật Giá.

Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.

Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 126/2015/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ Tài chính quy định để TĐG tài sản trong trường hợp này cũng bắt buộc phải lấy giá giao dịch phổ biến trên thị trường, cụ thể là phải “có ít nhất 3 tài sản tương tự đã giao dịch trên thị trường”; trong đó nếu có các giao dịch thành công thì ưu tiên sử dụng các thông tin về giao dịch thành công, nếu chưa có giao dịch thành công thì thu thập giá chào bán trên thị trường để có sự điều chỉnh hợp lý theo phương pháp so sánh.

* Thời gian qua, có nhiều địa phương cùng mua máy xét nghiệm Covid-19 nhưng giá rất khác nhau và chênh lệch rất nhiều so với giá nhập khẩu. Ở đây có điều gì bất thường không ?

Trước hết phải khẳng định: đây là mặt hàng Nhà nước không quy định giá, mà giá của nó được quyết định bởi thị trường theo các tín hiệu của thị trường trên cơ sở thuận mua vừa bán. Khi phải TĐG để làm tư vấn cho việc mua bán đủ điều kiện áp dụng cách tiếp cận thị trường (phương pháp so sánh) thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về 3 tài sản so sánh như phân tích ở phần trên.

Áp dụng theo phương pháp này trong điều kiện cung – cầu mất cân đối nghiêm trọng: cung ít, cầu nhiều do tác động của thiên tai, dịch bệnh lại hoạt động trong một thị trường cạnh tranh hạn chế thì dù chi phí sản xuất, hay giá vốn bán hàng hoá nhập khẩu (tính đủ, bao gồm: giá nhập CIF + chi phí vận chuyển, bốc xếp, lắp đặt, chuyển giao… + các nghĩa vụ tài chính và lợi nhuận…) chỉ là một trong những yếu tố hình thành giá, nó không phải là nhân tố quyết định hình thành mức giá bao nhiêu tiền trên thị trường mà yếu tố quyết định nên mức giá bao nhiêu tiền trên thị trường phải là: cung – cầu, cạnh tranh, khả năng thanh toán, tính khan hiếm, thị trường (vùng, miền khác nhau…), thời điểm mua bán (thời điểm cung – cầu bình thường, khác với thời điểm cung – cầu biến động mạnh và cầu có tính chất cấp bách); tính tương đồng và đồng bộ của thiết bị …

Trường hợp giá khẩu trang trong giai đoạn dịch bệnh là một minh chứng: khi bình thường 50.000 đồng/hộp, dịch bệnh xảy ra giá vọt lên 300.000 - 350.000 đồng/hộp. Tình trạng giá thịt lợn hơi hiện nay đang từ 50.000đ/kg “nhẩy” lên gần 100.000đ/kg đâu phải do chi phí quyết định mà đích thị là cung mất cân đối so với cầu…

Đó là các nguyên tắc của giá, định giá theo nguyên tắc thị trường – tất nhiên thị trường thì bên cạnh có nơi tuân thủ nguyên tắc thị trường, pháp luật nhưng không loại trừ có trường hợp gian lận về giá mượn danh cơ chế thị trường để trục lợi bất hợp pháp thì cần phải kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm minh.

• Xin cám ơn ông!