Quê tôi không xa Hà Nội, người làng tôi vẫn sáng đi, chiều về để kiếm cơm ở mảnh đất thủ đô. Tiền họ kiếm về làm quê nhà ngày càng khang trang hơn, nhưng thứ đeo bám làng quê tôi đó là những hủ tục thì không thể mai một đi theo ánh sáng văn minh của người thủ đô. Một trong những hủ tục đó, một trong những ám ảnh của đời tôi đó là chuyện con gái lấy chồng, khi bố mẹ đẻ mất, phải được bố mẹ chồng cho phép mới được để tang.
Tôi là con gái đầu của bố mẹ tôi. Nhà tôi đông chị em, dưới tôi còn 4 đứa em trứng gà trứng vịt. Bố tôi mất sau một thời gian khá dài đi hết viện nó đến viện kia. Khi bố tôi mất cũng là lúc gia đình tôi đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng, sức khỏe, tinh thần của mẹ con tôi cũng hoàn toàn kiệt quệ. Bố mất, tôi suy sụp hoàn toàn, bỏ mặc mọi thứ cho anh em, họ hàng lo lắng việc hậu sự của bố. Cũng bởi quá suy sụp tinh thần, tôi không để nhớ được một phong tục lạ kỳ của quê hương mình…
Chiếc khăn xô trên đầu tôi bị giật phắt, ném xuống đất ngay khi tôi vừa bước chân về nhà chồng sau lễ khâm liệm bố. Tôi chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra thì mẹ chồng tôi đã sừng sững trước mặt. Bà bảo tôi đã được gả bán cho nhà bà, tôi là con cái của gia đình này. Ông bà vẫn còn sờ sờ ra đây, tôi đội khăn xô như thế, chẳng khác gì coi họ đã chết…
Bà bảo mẹ tôi, họ hàng nhà tôi đã không biết dạy dỗ, bảo ban tôi để tôi đem điềm đen, điềm gở về nhà bà. Tai tôi lùng bùng, tôi không đủ sức để nghe hết, hiểu hết những gì mẹ chồng nói, chỉ ra sức van xin. Chồng tôi cũng không hiểu rõ ngọn ngành, bất lực trước giọng điệu đanh thép và thái độ cứng rắn của bà.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Suốt trong hai ngày tang lễ của bố tôi, mẹ chồng tôi không đến. Bố chồng và anh em nhà chồng cũng sang viếng với đầy đủ nghi lễ, nhưng thái độ rất lạnh nhạt. Về sau, tôi mới hiểu, theo phong tục của quê tôi, khi bố/mẹ đẻ mất, con dâu phải về nhà xin bố mẹ chồng cho phép để tang bố/mẹ đẻ. Thông thường, sẽ không có người nào cấm cản con dâu mình để báo hiếu với bậc sinh thành. Hình như chỉ có tôi, vì một chút sơ xuất, chưa xin phép đã đội tang bố, nên khiến mẹ chồng phật ý.
Sau lễ tang, mẹ đẻ tôi cũng đã có lời xin lỗi mẹ chồng tôi, nhưng bà nhất mực không nghe. Bà bảo nhà bà có nề nếp gia phong của nhà bà. Bà chỉ chịu “nhượng bộ” cho tôi được phép chít khăn tang ở những nơi khuất mắt bà. Sang bên nhà mẹ đẻ, làng của tôi, tôi có thể chit khăn để tang bố tôi tùy ý, nhưng về đến cổng làng nhà chồng, tôi phải lột khăn xuống, nếu để bà nhìn thấy là bà sẽ “không để yên”.
Ở quê tôi, khi bố mẹ khuất núi, con cái phải đội khăn tang đến hết 50 ngày. Và còn phải đội khăn tang trong những ngày lễ, giỗ chạp hay họ hàng có đám hiếu… cho đến tận hai năm sau. Vậy là suốt hai năm đằng đẵng chiếc khăn tang như một nỗi đau đớn, ám ảnh cuộc đời tôi. Nỗi đau của đứa con mất bố, nỗi đau của thân phận đàn bà è cổ với những hủ tục nặng nề khi làm dâu…