Mẹ chồng tôi

(PLO) - Mẹ chồng mình mới 60 tuổi nhưng mà “nhà quê” lắm. Thức ăn thừa bà để lại bữa sau, tuyệt đối không cho bỏ đi. Bà tích trữ túi nilon để dùng dần. Con dâu đi chợ về, bà hỏi giá từng món đồ, rồi xuýt xoa kêu đắt đỏ, mấy thứ rau cỏ này ở quê toàn được hàng xóm biếu không, vừa đỡ tiền mà lại ấm áp nghĩa tình láng giềng...
Ảnh minh họa từ internet.

Mẹ chồng hay chuyện, những câu chuyện của bà giản dị, mộc mạc nhưng luôn ẩn chứa những giáo lý sâu sắc và thấm đẫm nhân văn. Khi dạy lũ trẻ cách chăm sóc cái cây con, cứu con kiến, con ong gặp nạn, bà ân cần bảo: Trẻ nhỏ mà đã vô cảm khi bẻ một cái ngọn cây, lớn lên rất có thể trở thành người tàn nhẫn. Muốn dạy trẻ có thói quen tốt, có hành động tốt thì cha mẹ phải làm gương. Đã bao giờ con để ý cái giọt nước đầu thềm và hỏi tại sao giọt trước nhỏ đâu, giọt sau nhỏ đấy chưa? Người lớn làm thế nào thì trẻ nhỏ sẽ học làm theo, người trước làm sao thì người sau làm vậy. Vậy nên phải sống thật tốt, thật tử tế để cho con trẻ noi gương. 

Nhưng mình sống tử tế, ân tình với người khác không phải chỉ để mong được đối đãi lại đâu con, điều cốt yếu là để người khác sống tốt hơn và chỉ để lương tâm mình được an yên, thanh thản. Khi con mang lại niềm vui cho người khác, chẳng phải trong lòng con cũng thấy vui sướng, hạnh phúc đó sao? 

Nói vậy nhưng mẹ chồng mình cũng “tân tiến” lắm. Bà khuyên con dâu bất kể hoàn cảnh thế nào cũng phải chỉn chu, tươm tất. Cái lý làm đẹp chỉ để cho một người ngắm đã lạc hậu rồi đó con à. Phụ nữ là phải đẹp, để thiên hạ phải ngắm và trầm trồ: “Chị ấy vừa giỏi giang vừa xinh đẹp” mới là tiêu chí của phụ nữ thời nay. Hình ảnh thiếu phụ luộm thuộm, chỉ biết bù đầu với công việc, con cái đã xưa lắm rồi. Mẹ bỉm sữa bây giờ cũng phải “xì tin” nữa đó. 

Và thời nào cũng vậy người phụ nữ luôn là trái tim của gia đình. Vậy nên con phải luôn giữ cho “trái tim” đó ấm áp, nồng nàn để lan tỏa khắp ngôi nhà. Con thấy không, chỉ khi con vui thì gia đình nhỏ của con mới được vui vẻ, ấm áp; ngược lại lúc con buồn thì không khí trong nhà cũng cảm thấy u ám, nặng nề. 

Có khi nào con hỏi tại sao những cái cây chỉ sống gần nhau thân mới thẳng không? Có khi nào con hỏi tại sao lòng người lại thấy bình yên, thanh thản khi ngồi dưới bóng mát tán cây? Đời cây cũng giống như đời người con ạ. Cái cây hào phóng, vô tư dâng hiến, tĩnh tại lòng mình thì mới có thể mang lại bình yên, làm bóng mát cho con người. Vậy nên cuộc sống của con phải thật an lành, vui vẻ, phải hài lòng thì mới có thể lan tỏa và mang đến niềm vui và hạnh phúc cho mình và những người xung quanh. 

Nhưng không phải lúc nào mẹ chồng cũng đúng. Cũng có những khi bà cư xử không phải với con dâu và bản thân bà cũng nhận ra điều ấy. Tuy nhiên, lòng tự ái, sĩ diện của mẹ chồng không cho phép bà mở lời xin lỗi. Những lúc ấy bà chỉ thở dài, an ủi con dâu mà như nói với chính mình: “Ai cũng phải qua phận làm dâu rồi mới được làm mẹ chồng, con ạ!” Con dâu thấy lòng mình mềm nhũn, thấy nước mắt ấm bờ mi sau câu nói giản dị mà hàm ý sâu xa đó của mẹ chồng.

Ôi, mẹ chồng yêu quý của tôi!

Đọc thêm