Cái vòng luẩn quẩn?
Hiện cuộc sống của cháu không còn lang thang nơi đầu đường xó chợ, những đêm dài ngủ dưới gầm cầu lắm những tai họa rình rập… Cháu và cậu ruột Trịnh Đắc Hòa đã được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM.
Sau khi được giải cứu khỏi cảnh hành hạ, ép ăn xin, cháu Đức được cách ly với cậu ruột của mình. Dù được quan tâm, chăm sóc tận tình nhưng cháu Đức vẫn chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng của chuỗi ngày dài bị hành hạ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Khánh Vy - Phó phòng Quản lý hồ sơ, giáo dục tư vấn, Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM - cho biết: Cháu đã được khám sức khỏe và được ăn mặc đầy đủ. Bên cạnh đó, cháu Đức còn được các cán bộ ở Trung tâm đặc biệt quan tâm, nhưng do mới thoát khỏi cuộc sống “địa ngục” nên Đức vẫn còn sợ sệt, rụt rè, ít nói và cũng ít giao lưu với những đứa trẻ cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ tại đây.
Cháu Đức nhớ tên mình nhưng không nhớ tuổi và tuyệt nhiên không hề nhắc gì đến người mẹ của mình là Trịnh Thị Tuyết Nở (22 tuổi).
Được biết, trước đây cháu Đức, Hòa, Đạt (anh trai Đức) và 2 trẻ khác cũng đã bị đưa vào Trung tâm sau khi công an các phường An Lạc (quận Bình Tân), phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) phát hiện những trẻ này đang lang thang đi ăn xin. Sau một thời gian ngắn ở Trung tâm, những đối tượng “vô gia cư” này đã được đưa vào một làng thiếu niên khác, tuy nhiên sau đó gia đình đã đến bảo lãnh xin cho cháu được về nhà.
Cũng có ý kiến cho rằng sau khi những trẻ này được “giải cứu”, sau đó người thân đến bảo lãnh các cháu về và cuộc sống của chúng lại trở về những ngày dài lang thang ăn xin trong đòn roi, đói rách.
Về vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM cho rằng, do gia đình từng đến bảo lãnh các cháu về nhưng lại để tái phạm, do vậy, nếu gia đình có đến xin về lần này thì cũng không dễ dàng được chấp thuận.
Sẽ xác định xem mẹ có nuôi được con!
Ông Võ Trung Tâm - Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - nói về trường hợp cháu Đức: Đối với trường hợp cháu Đức, Đạt vừa được “giải cứu”, chiều ngày 5/11 Sở đã tổ chức cuộc họp khẩn và đi đến thống nhất: Sau khi được hỗ trợ ban đầu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, cháu Trịnh Đắc Hòa được chuyển về Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (ở Gò Vấp).
Riêng cháu Đức sẽ được giữ lại Trung tâm Bảo trợ xã hội trong 3 tháng. Trong thời gian này, nếu người mẹ đến thì sẽ được mọi người vận động giao cháu Đức cho Trung tâm nuôi. Trong trường hợp người mẹ cương quyết muốn bảo lãnh về thì Sở sẽ cùng chính quyền địa phương tiến hành thẩm định các điều kiện như nơi ăn chốn ở, kinh tế, và yêu cầu người mẹ cam kết không bạo lực đối với cháu.
Nếu các điều kiện này được đảm bảo thì cháu Đức sẽ trở về với mẹ. Còn không, cháu Đức sẽ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để được nuôi dưỡng, giáo dục đến khi trưởng thành.
Cháu bé 3 tuổi bất hạnh Trịnh Nguyễn Thành Đức |
Ông Tâm cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, cháu có gia đình thì phải đưa cháu về, nhưng đây là trường hợp cá biệt nên Sở sẽ xác minh lại nhân thân, điều kiện của người mẹ. Nếu đảm bảo cuộc sống cho cháu Đức thì Trung tâm sẽ cho cháu về với gia đình. Còn không, cháu sẽ được Trung tâm nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: bà Trịnh Thị Tuyết Nở, mới 22 tuổi đã có 3 con, nhưng không nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục các con mà còn đồng tình để em ruột của mình (15 tuổi) hành hạ, đánh đập gây thương tích buộc con nhỏ của mình đi ăn xin lấy tiền nuôi gia đình, là vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp Cơ quan Điều tra kết luận hành vi trái pháp luật của bà Nở phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ con đối với cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức theo Điều 151 Bộ luật Hình sự; thì khi xét xử tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, HĐXX sẽ quyết định tước quyền nuôi con của bà Nở trong một thời gian nhất định hay không(?!).