62 tuổi còn phải trụ cột gia đình
Đến chợ Mai, phường Thủy Dương không ai là không biết đến bà Lê Thị Lựu, từ người giữ xe cho đến bà bán thịt lợn, cô bán hàng rau quả. Bởi hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn với gánh hàng rau làm “ sinh kế” đã quá quen thuộc với bà con mấy chục năm nay.
Không quá khó để nhận ra bà Lựu, một người phụ nữ thấp bé, làn da nhăn nhó và đen sạm. Bà ngồi trên lô đất cao, bên cạnh là những mớ rau mơn mởn được bà mời chào khách. Người qua kẻ lại, người thì ủng hộ bà bó rau, kẻ ủng hộ bà củ khoai, củ sắn. Ai cũng thương tình cho người đàn bà cả đời vất vả, khổ cực này.
Hơn 30 năm trước, bằng tình yêu mãnh liệt với một chàng trai vốn đã có di chứng bệnh tâm thần, bà đã gạt đi bức rào cản của gia đình để quyết định chung sống với người mình yêu. Một năm sau, vợ chồng bà sinh hạ một người con gái đầu lòng nhưng bị chứng thần kinh, không làm gì được.
Nhìn đứa con gái bị bệnh, vợ chồng bà quyết định sinh thêm con thứ hai với hy vọng sinh ra sẽ được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế rồi, cậu con trai thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4 cũng đều bị chứng bệnh thần kinh bẩm sinh nặng, hằng ngày la hét trong vô thức.
Sau những ngày tháng vất vả cùng chồng bươn chải, làm đủ tất cả các nghề từ bốc vác, đến làm ruộng mong thoát khỏi cái nghèo. Thời gian trôi đi và bệnh tình của chồng càng nặng hơn cho đến một ngày, vì lao lực nên người chồng của bà bỗng trở chứng căn bệnh ác quái ngày xưa, xót thương cho chồng nhưng bà không làm gì được.
Rồi người chồng thân yêu đã trút hơi thở cuối cùng để lại người vợ với ba đứa con nửa điên nửa dại. “Lúc đầu khi tui lấy ông ấy, thì ông ấy bệnh tình nhẹ, chỉ hay nói nhiều thôi và vẫn đi làm phụ giúp cho tui, ai dè ông ấy bỏ tui đi mãi mãi”, vừa nói bà vừa ứa nước mắt.
Mất người chồng trụ cột trong gia đình, người vợ bất hạnh chỉ còn biết nương tựa vào 3 đứa con. Nhưng ước mơ nương tựa đó chỉ là điều xa xỉ đối với người phụ nữ này.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, mà bà Lựu phải tất bật dậy từ lúc 4h sáng đi mua từng bó rau để bán lại cho người ta, lời lãi không là mấy, có khi bán quần quật cả ngày đến tối đen mới về mà chỉ được 20.000 đồng.
Một số tiểu thương ở chợ cho hay: “Ở đây cứ nhắc tới bà Lựu là ai cũng biết. Chúng tôi là dân buôn bán, tiền bạc cũng chẳng có, thấy bà khó khăn bọn tui ai có cái chi giúp được thì giúp. Người cho vài ngàn để mệ có thêm tiền mua gạo, ai có áo quần cũ thì cho bà đem về để mấy đứa ở nhà mặc tạm”.
Mệ cho biết nhà có bốn sào ruộng, từ ngày chồng mất, đất cũng bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Đất xấu, cho người ta làm họ cũng không muốn nhận, bà đành phải trả lại cho hợp tác xã.
Thiếu tiền, không có ruộng, lại cộng thêm bốn miệng ăn bà phải tần tảo sương gió, chắt chiu từng đồng một kiếm tiền đong gạo cho con.
“Có những ngày tui đau lưng, mỏi gối đi không nổi, phải ở nhà không có tiền, nhà lại hết gạo. Mấy mẹ con nhịn đói, tui thì răng cũng được chứ nhìn tụi nó đói khác mà tui xót xa” bà Lựu ngậm ngùi.
Vất vả là thế, gánh nặng càng ngày càng đè nặng lên đôi vai người phụ nữ già yếu, chẳng biết kêu ai, chỉ thầm trách số phận, bà Lựu phải nuốt nước mắt vào lòng đứng lên trước số phận.
Ở độ tuổi 62, cùng với những gian khổ của cuộc sống đè lên, làm cho cái dáng người bà không còn thẳng nhưng vẫn còn phải quần quật cả ngày lẫn đêm để có được đôi ba đồng lo thuốc cho con và mấy miệng ăn của ba đứa con như ba đứa trẻ.
Thuê thợ xây phòng nhốt con
Ngôi nhà ba gian năm nào giờ đây đã trở nên quá cũ kỹ, tường nhà đã bong tróc gần hết lộ ra những mảng xi măng lớn, mái ngói đã bạc màu vì thời gian. Đây chính là nơi ăn, chốn ở của bốn con người côi cút.
Bước vào nhà, đập ngay vào mắt tôi là một khung cảnh tang hoang, nhà cửa trống rỗng, có lẽ đáng giá nhất trong ngồi nhà này là chiếc ti vi từ cái thời nào mà tôi cũng chẳng còn nhớ nổi.
“Nhà tui chẳng có chi mô o ơi, có chi thì cũng bị thằng con tui hắn đập phá hết rồi, cái cửa cũng bị nó phá nốt, gió luồn vô lạnh buốt. Sức tui già rồi không sửa lại được, hàng xóm thì chẳng ai dám bén mảng tới để mà nhờ. Họ sợ…” lời bà nói khiến lòng tôi nghẹn ứ.
Dẫn tôi vào thăm người con trai đã bước sang tuổi 35 tên Chánh, nhưng vẫn bị xích ở chân và sống cảnh tù túng mà bà Lựu không cầm được nước mắt.
Mệ nói: “Thương con nhưng hết cách nên đành làm vậy thôi. Nhiều khi thấy tội, lại mở xích thả con ra nhưng nó lại đi khắp xóm làng quậy phá hết nhà này sang nhà khác. Đến khi có quá nhiều người tới bắt vạ vì nó đập phá hết đồ đạc của người ta nên tui phải xích chân nó lại như thế này”.
Ngoài người con trai đầu bị tâm thần nặng, hai người con út của bà Lựu là Lê (28 tuổi) và Viên (24 tuổi) cũng mắc chứng bệnh tâm thần, nhưng có phần nhẹ hơn.
|
Bữa cơm của gia đình bà Lựu rất đạm bạc |
Mỗi ngày, khi bà Lựu khóa cửa nhốt người con trai đầu trong nhà để ra chợ Thủy Dương bán rau thì chị Lê cũng theo mẹ, ra ngồi ở một góc chợ để ăn xin…
Trong căn phòng tâm tối, ẩm thấp, anh Chánh chỉ khoác trên người mỗi cái áo đã sờn chỉ, không mặc quần hay bất cứ thứ gì. Thấy tôi, anh co ro người lại vì cảm thấy xấu hổ, rồi chợt nở nụ cười để lộ ra hàm răng đen nhẻm.
Mệ Lựu vừa mặc quần cho con vừa kể: “ Mới mấy bữa đây thôi, tôi đi chợ bán rau, không may quên xích nó lại, khi về mới tá hỏa nó bỏ nhà đi mô không hay, hỏi hàng xóm họ cũng không biết. Tui chạy lên phường báo, rồi phường lên đài truyền hình nhờ tìm nó, may răng(sao) có người chộ (thấy) nên đã báo cho gia đình.
Khi về tới nhà, trên người nó không một mảnh vải, trần truồng như nhộng, nhìn nó mà tui đau từng khúc ruột”, nói tới đây thôi mà cổ họng bà nghẹn ại.
Nhìn anh, với cơ thể gầy tong teo, đôi mắt trũng sâu vì thiếu cái ăn, cái mặt. Đáng lẽ, ở cái tuổi này đối với một con người bình thường họ đã có một gia đình đề huề bên vợ con. Thế nhưng cuộc sống như truê ngơi gia đình này.
Nhìn qua những lổ hổng trong căn phòng tối om, anh không nói gì chỉ buông ánh mắt nhìn về khoảng đất trống như thương xót cho số phận tù túng của mình.
Trong 4 người con của bà Lựu, chỉ có người con thứ tư là bình thường hơn anh chị trong nhà nhưng vẫn bất hạnh hơn so với người bình thường. Hằng ngày, anh điều khiển chiếc xe đạp cũ nát đi khắp nơi.
“Nó suốt ngày đi chơi, tới tối mịt mới mò về, đập cửa kêu đói. Sáng mới mở mắt lại đi, ngày mô nó cũng qua phường Tây Lộc, TP Huế vì đây từng là “Trung tâm đào tạo nghề cho trẻ em khuyết tật tỉnh” nó từng ở đó một thời gian nên có mấy đứa bạn thân chơi với nhau”, bà kể.
Giờ đây, bà Lựu ngày càng yếu đi trong khi bệnh tình của ba đứa con vẫn không thuyên giảm. Với cái tuổi 62 khi mọi bà mẹ có lẽ đã an hưởng tuổi già và bế cháu cho các con, thì bà mẹ tội nghiệp này vẫn đang làm việc vất vả để kiếm từng đồng mưu sinh và lo thuốc thang cho những đứa con tội nghiệp của mình.
Ra về, trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, tôi chẳng thể nào quên được hình ảnh của gia đình bà Lựu nằm thấp thỏm giữa những ngôi nhà cao sang, lộng lẫy khác. Ánh mắt của những con người không được may mắn ấy cứ dõi theo từng bước chân tôi đi như muốn gửi gắm bao hi vọng.