Cái nghiệp nghề giáo
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm công tác giáo dục, nhưng cô Nga lại không có ý định đi theo nghề giáo. Tuy nhiên cô chọn nghề này là theo tâm nguyện của mẹ. Năm 1975, cô tốt nghiệp ra trường về công tác tại trường cấp II Tân Lược (Vĩnh Long).
Tại đây, được tiếp xúc với những cô cậu học trò hồn nhiên, ngây thơ, được sống trong tình yêu thương, cảm mến của các vị phụ huynh chân chất rồi cô yêu nghề hồi nào không hay. Đến năm 1988, cô về làm hiệu trưởng trường cấp I phường 8 (nay là trường tiểu học Chu Văn An) TP. Vĩnh Long.
Sau đó vì lí do gia đình cô xin chuyển sang làm công tác giáo dục. Cô tham gia vào đội xung kích phổ cập đi vận động những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con em đến trường. Chính nhờ quá trình công tác này đã đưa cô đến với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội để rồi mỗi đêm về lòng cô trăn trở: “Những đứa trẻ phát triển bình thường đã được gia đình, xã hội quan tâm tạo điều kiện đến lớp, thậm chí những đứa trẻ bị mù – câm - điếc còn được đến trường, được biết con chữ. Vậy những em nghèo khổ, những trẻ mắc bệnh đao (down), những trẻ khiếm khuyết về trí não thì sao?”.
Cũng từ suy nghĩ ấy, cô Nga quyết định kiến nghị lên Phòng Giáo dục và Sở Giáo dục trình bày nguyện vọng của mình. May mắn thay, đề nghị của cô được các ban ngành, tổ chức và các cá nhân ủng hộ và luôn theo sát. Không những thế, cô còn được các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi giúp cô vượt qua mọi khó khăn duy trì lớp học. Và cũng từ đó, lớp học tình thương của cô giáo Nga hình thành.
Lớp học đặc biệt
Ban đầu, lớp học chỉ có mười mấy em, đa phần là những em có hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo không có điều kiện đến trường. Lâu dần, chính nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu thương chân thành, nhiều phụ huynh có con khuyết tật đã tìm đến cô gửi gắm con em.
Đến nay, số lượng đã lên đến con số 35 (đa phần là những đứa trẻ mang trên người khiếm khuyết) – với 35 cảnh đời bất hạnh. Khi nhắc đến hoàn cảnh của các em đôi mắt cô buồn rười rượi: “Tội nghiệp lắm, hoàn cảnh em nào cũng đáng thương, không những mang trong mình những căn bệnh khó hòa nhập với xã hội; các em còn phải chịu cảnh sống thiếu thốn tình thương”.
Đó là trường hợp em L.T.L (12 tuổi), cha bỏ đi bỏ 4 mẹ con nương tựa lẫn nhau, ngày mẹ phát bệnh thận mãn tính hai người chị lớn phải xa nhà làm thuê kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, đứa em thì phải đi bán vé số. Đến ngày mẹ mất em trở về Vĩnh Long phụ giúp người dì bán quán cà phê và hàng ngày đi học nhưng “bữa học, bữa không”.
Trường hợp H.N.P, cha mẹ bỏ em từ khi lọt lòng vì em mắc bệnh down, bà ngoại em phải đi bán vé số nuôi em. Còn em M.A (10 tuổi), mang trong mình căn bệnh HIV do lây nhiễm từ cha mẹ. Cha mẹ mất để lại em cùng bà ngoại (bệnh tiểu đường) nương tựa lẫn nhau. Bà ngoại còn bị mắt mờ nhưng hàng ngày phải đi nhặt phế liệu để kiếm tiền.
Hay trường hợp của T.L, dù đã hơn 20 tuổi đời, nhưng trí não bị hội chứng down. Cha của TL. làm giáo viên nhưng không may mắc phải căn bệnh về mắt. Do vậy, bác sĩ cấm không cho suy nghĩ nhiều vì có thể sẽ dẫn đến bị mù lòa. Ông đành nghĩ việc, thế là mọi gánh nặng đè lên vai người vợ....
Các em đến với lớp học của cô Nga, ngoài dạy đọc, viết chữ và làm những phép tính cơ bản. Cô Nga còn dạy các em tập thể dục, học vẽ, học hát - múa, cho các em chơi các trò chơi, dạy các em các kĩ năng cơ bản của cuộc sống như: Biết lễ phép, biết giữ an toàn cho bản thân...
Nói đến đây cô bỗng nở nụ cười ấm áp: “Mỗi khi bọn trẻ biết được thêm chút nào là cô và phụ huynh mừng thêm chút đó. Với những học trò đặc biệt như thế này thì việc các em trở nên tự tin, cởi mở, ngoan ngoãn nghe lời đó mới là điều đáng mừng nhất”.
Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, nhưng không lúc nào cô Nga thôi dõi mắt về phía lớp học. Chốc chốc cô chạy ra can ngăn làm người hòa giải cho một cuộc cãi vã; dỗ dành những “đứa trẻ không bao giờ lớn” khóc, cười mà chẳng biết nguyên nhân...
Lời nhắn nhủ!
Khi được hỏi về những khó khăn mà cô vấp phải trong thời gian lớp học được mở cho đến nay, cô cười: “Khó khăn nhất là phải kể lúc chuẩn bị mở lớp học. Thời điểm đó, trong cô luôn trăn trở, liệu trong quá trình mình đi vận động thì bao nhiêu gia đình đồng thuận cho con em đi học; liệu được bao nhiêu em đến lớp; các em lại mắc khiếm khuyết trên người”…
Vượt lên tất cả, lớp học cô đã tồn tại đến ngày nay. Giờ đây tuổi đã 60, mang trong mình nhiều căn bệnh của tuổi già nhưng nhiệt huyết trong cô Nga chưa bao giờ tắt. Hàng ngày cô vẫn cần mẫn đứng lớp, tận tụy chăm chút cho các em từng cây viết, quyển vở. Mỗi ngày cô tự bỏ tiền ra mua quà, mua bánh và chuẩn bị đồ ăn cho các em ăn sáng.
Khi chúng tôi ngỏ ý kêu gọi mọi người giúp đỡ, cô liền can ngăn: “Cô và gia đình còn lao động được là còn lo cho các em được. Nếu thật sự mọi người quan tâm đến các em hãy mang một phần quà nho nhỏ đến tặng các em, để các em thấy ngoài xã hội kia còn rất nhiều người quan tâm đến chúng; và chúng không hề bị bỏ rơi. Nếu có thể cô chỉ mong một điều đó là có công việc nào có thể vừa phù hợp vừa giúp các em kiếm được đồng tiền dù ít ỏi nhưng lại giúp chúng có thể tự tin hơn trong cuộc sống”- cô Nga tâm sự.