Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Xuân: Hiện thân của đức hy sinh và lối sống thủy chung nghĩa tình

(PLVN) - Tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, có con độc nhất là liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Xuân (SN 1933, quê ở xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn, hiện sống ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã cống hiến những gì quý giá, đẹp đẽ nhất cho cách mạng. Có thể nói, cuộc đời mẹ là hiện thân của đức hy sinh quên mình và lối sống thủy chung nghĩa tình…
 
Mẹ Trần Thị Xuân vui vầy bên các cháu học sinh, sinh viên đến thăm
Mẹ Trần Thị Xuân vui vầy bên các cháu học sinh, sinh viên đến thăm

 Bao la tình mẹ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, là chị cả của 3 chị em đều là gái, cô gái Trần Thị Xuân sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1949, khi mới 16 tuổi, cô đã được chọn làm Bí thư đoàn xã Nhơn Khánh.Từ ngày ấy, nữ chiến sĩ trẻ tuổi càng có điều kiện đóng góp, phục vụ cho công cuộc kháng chiến của quê hương, đất nước. Đến tuổi lấy chồng, Xuân lập gia đình. Và, khi đứa con duy nhất là Nguyễn Văn Thành được 3 tuổi, người vợ trẻ này quyến luyến tiễn chồng đi tập kết.

Ở lại quê nhà, nữ chiến sĩ tiếp tục tham gia kháng chiến như: làm liên lạc, đào công sự, nuôi giấu cán bộ, tổ chức phong trào thi đua sản xuất phục vụ kháng chiến và tham gia đấu tranh trong lực lượng phụ nữ. Mẹ Xuân kể, người con duy nhất của mình rất gan dạ. Mới 5 tuổi đã sớm biết công việc bí mật mẹ làm, trong nhiều tình thế hiểm nguy đã phối hợp, hỗ trợ mẹ nuôi giấu cách mạng. Năm 1965, khi mới hơn 10 tuổi, ông ngoại dẫn anh Thành vào thăm mẹ đang ngồi tù.

Vừa hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ, anh vừa dặn mẹ phải can đảm, đừng khai gì. Khi ra về, anh còn nói với mẹ chắc như đinh đóng cột: “Lớn lên chút nữa nếu nước nhà chưa độc lập, chắc chắn con cũng sẽ đi bộ đội, tham gia hoạt động cách mạng như cha mẹ”. Như lời hẹn, khi đang học tú tài (cấp 3 bây giờ), anh Thành quyết định gác sách vở để tham gia hoạt động cách mạng. Dù vậy, anh cũng hỏi ý kiến mẹ.

Người con trai duy nhất hy sinh vì Tổ quốc, mẹ Xuân lại có các cháu học sinh thăm hỏi, đỡ đần công việc hàng ngày
 Người con trai duy nhất hy sinh vì Tổ quốc, mẹ Xuân lại có các cháu học sinh thăm hỏi, đỡ đần công việc hàng ngày 

Lúc này, người mẹ bảo anh cứ học xong rồi hãy tham gia đánh giặc. Tuy nhiên, anh sợ nếu chần chừ học cho xong, có thể mình sẽ bị bắt đi lính. Chàng thanh niên tên Thành nói với mẹ: “Nhất định rằng mẹ, con và cả cha đang ở miền Bắc nữa, cả nhà ta chung một con đường. Đó là đi theo Bác Hồ, tham gia hoạt động cách mạng. Nếu có phải chết cũng nguyện chết chung một con đường”. Nghe những lời của con, mẹ Xuân cảm thấy rất tự hào. Vì Tổ quốc, mẹ để anh Thành tham gia hoạt động cách mạng, xông pha nơi lửa đạn chiến tranh.

Nhưng rồi, một ngày cận kề trước ngày thống nhất đất nước năm 1975, anh Thành đã hy sinh trong một trận chiến đấu với kẻ thù. Khi ấy, nơi mẹ Xuân đồn trú cách con không bao xa, hay tin con bị địch bắn chết nhưng nửa tháng sau mới đến mộ gặp con được. Nỗi đau mất đi người con duy nhất đã làm mẹ Xuân không còn nước mắt để khóc. “Tham gia cách mạng là xác định sinh tử cận kề, tôi chỉ một mụn con, khi Thành lên 20, hai bên nội, ngoại đều giục lấy vợ, nhưng bao lần đặt vấn đề nó chỉ cười trả lời đúng mộ câu: “Bao giờ nước nhà thống nhất, cha về, con sẽ lấy vợ”.

Nhưng rồi lời hẹn của con mãi mãi không thành”, mắt mẹ Xuân ngấn lệ trong nỗi hoài nhớ về con. Cũng như bao người vợ tiễn chồng đi tập kết, đối diện với cuộc chia tay dài đằng đẵng 20 năm, tuy không tránh khỏi ngậm ngùi, song mẹ Xuân vẫn rộng lòng tiếp nhận khi chồng trở về cùng người vợ mới và 5 đứa con. Lúc này, mẹ Xuân cố dằn nỗi đau riêng mà tự an ủi rằng, dù anh Thành đã mất vì chiến tranh, nhưng may là anh còn có 5 đứa em.

Vì vậy, trách nhiệm của mẹ là đón nhận, đóng góp nuôi nấng, chăm lo, dạy dỗ các em của con mình người. Với suy nghĩ đó, mẹ chủ động nhận nuôi và dồn tất cả tình mẫu tử vào 2 đứa con riêng của chồng là chị Nguyễn Thị Ngọc Yến và anh Nguyễn Xuân Thụ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Yến chia sẻ, chị cùng em trai đã sống, gần gũi với mẹ Xuân còn nhiều hơn mẹ ruột của mình. Khi chị học cấp 3, còn người em trai mới học mẫu giáo đã về ở với mẹ.

Rồi, khi con gái đầu lòng Quỳnh Thi 3 tuổi, vợ chồng chị đã gửi ở với bà ngoại, có bà có cháu hủ hỉ cho bà đỡ buồn. Tiếp đến, lần lượt 3 đứa con chị đến tuổi học cấp 2, cấp 3 đều được gửi ngoại nuôi. “Điều chẳng ai muốn, song chiến tranh đã tạo nên những mối quan hệ mẹ con đặc biệt như gia đình chúng tôi. Bao năm qua, giữa mẹ con, bà cháu chúng tôi đã không có khái niệm ruột hay riêng. Trước hết, đó chính là nhờ sự thấu hiểu, thủy chung nghĩa tình, tình mẹ tình bà bao la của mẹ”, chị Yến tâm sự.

Khoản thu nhập hàng tháng nhận được từ lương hưu, chế độ thương binh của bản thân cùng với người con liệt sĩ, mẹ Xuân dành phần nhiều để vun vén cho việc học hành của các cháu gọi bằng nội, ngoại. Suốt buổi trò chuyện, thi thoảng mẹ lại gọi tên 5 đứa cháu, rồi nhắc về kỷ niệm của mình cùng các cháu với tình cảm trìu mến.

Đó là bé Su, cu Xị (con anh Thụ), Quỳnh Thi, Hà Thi, Thiện Điền (con chị Yến). “Với tôi, các con các cháu như máu mủ của mình chứ không có khoảng cách con riêng của chồng gì cả. Bây giờ, nhìn thấy các con có cuộc sống gia đình ổn định, các cháu ngoan hiền, khôn lớn nên người, tôi rất vui. Như vậy là mãn nguyện lắm rồi”, mẹ Xuân tâm sự. 

Luôn đấu tranh cho bình đẳng giới

Những người quen biết mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Xuân, không chỉ cảm phục quãng đời tuổi trẻ tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, sự chịu đựng nỗi đau mất con, hay một tình mẹ bao la với các con các cháu là con riêng của chồng, mà còn nhắc nhiều đến việc mẹ có nhiều đóng góp cho công tác phụ nữ, góp phần đưa phong trào phụ nữ địa phương ngày càng tiến bộ.

Được biết, từ năm 1971 đến khi nghỉ hưu (năm 1985), mẹ Xuân làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã An Nhơn. Vốn có tư tưởng tiến bộ về phụ nữ và càng được phát huy trong gần 15 năm làm “đầu tàu” phong trào phụ nữ, nên dù đã nghỉ hưu, mẹ Xuân luôn đấu tranh cho bình đẳng giới, ủng hộ phụ nữ vươn lên để khẳng định mình trong xã hội. Về điều này, nhiều người ở địa phương hay kể đến một câu chuyện mà mẹ Xuân đã làm. Đó là khi hay tin một gia đình nhà chồng không ủng hộ con dâu học hành, mẹ Xuân liền tìm đến khuyên giải, phân tích thiệt hơn.

Trong đó, có một câu đanh thép của mẹ mà nhiều người còn nhớ: “Phụ nữ ngoài đảm việc nhà, còn phải tròn việc nước. Nếu ai cũng chỉ biết có gia đình riêng của mình thì việc nước ai lo. Phụ nữ không có trách nhiệm với việc nước hay sao?”. Cách “dân vận” sắc sảo mà cũng đầy nghĩa tình của mẹ Xuân đã cảm hóa được gia đình nọ. Và, người con dâu ấy từ một giáo viên đã được gia đình nhà chồng tạo điều kiện học tập, phát triển, sau này làm quản lý ngành giáo dục ở thị xã An Nhơn.

“Nhiều năm qua, Đoàn phường Bình Định tham gia phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Xuân. Mỗi lần gặp mẹ, tôi luôn được lan truyền sự phấn chấn, khát vọng, mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Là nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia nhiều phong trào, sự kiện đấu tranh cách mạng ở thị xã An Nhơn, mẹ Xuân luôn là khách mời đặc biệt tại các buổi nói chuyện về lịch sử ở địa phương”, anh Hồ Xuân Thuyết - Bí thư đoàn phường Bình Định cho biết.

Đọc thêm