Phong tục tập quán xưa
Năm 1876, một chức vụ cao cấp như Trương Vĩnh Ký, khi tới Hải Phòng rồi lại lên Hà Nội như thế nào, xin ghi lại một số đoạn ở phần đầu:
Tới Hải Phòng: “Lên bờ đi tham quan lãnh sự (M. Rure), rồi qua bên kia sông tới trọ nhà chú khách Wan Sing. Sáng bữa sau lại qua ăn cơm nhà quan lãnh sự, rồi đi thăm các thày làm việc ở đó cho luôn.”
Lên Hải Dương: “Tối lại, đi theo thuyền ông Thương biện Lương quen khi đi sứ bên Tây năm 1863 mà lên tỉnh Hải dương, 27 tới tỉnh. Vào thành ra mắt quan lớn là ông Phạm Phú Thứ làm Thương chánh Đại thần kiêm Tổng đốc tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Yên, có quen thuở đi sứ bên Tây. Người mừng rỡ lắm. Nội ngày cũng tới viếng ông Tuần phủ Nguyễn Doãn, nguyên trước có quen khi người vô giao hòa lần sau tại Gia định.”
Đi lên Hà Nội: “Các quan lại cầm ở lại đó ăn tết rồi hãy lên Hà Nội, khi ấy là mùa đông, trời rét lạnh nên ăn ngon cơm lắm. Mấy bữa ấy, hội các quan lớn nhỏ đủ mặt, khi ăn uống chuyện vãn cả đêm cả ngày. Quan lại lại bày rạp hát cho ba bữa luôn, coi hát bội cho no, rồi lại hát nhà trò.
Vui vầy với nhau thể ấy cho tới mùng 6 tết, chiều giờ thứ nhứt mới lên võng lên cáng mà đi đường bộ lên Hà Nội. Trước hết nghỉ chơn tại cái chùa kia. Mặt trời lặn tới huyện Cẩm Giàng. Ông Huyện tên là Dương Xuân ra rước vô nhà ngủ đó. Sáng, cơm nước rồi, giờ thứ tám từ giã ra đi.”
Vốn là một học giả có trí nhớ tốt, quan sát cao, cái gì cũng muốn biết tận mắt nghe tận tai, nên Trương Vĩnh Ký đã ghi lại cho hậu sinh nhiều điều đáng chú ý về phong tục tập quán.
Ghi về Hà Nội, ông nhận xét kỹ y phục thời đó như sau: “Đàn ông ăn mặc cũng thường, đầu hay đội nón ngựa, bịt khăn đen. Đàn bà mặc áo có thắt lưng làm bìu (bọc), yếm đỏ, không gài nút nịt, nút vai thả không ra mà thôi, đầu đội nón giấu (ba tầm) lớn gần bằng cái nia, hai bên có hai quai vấn toòng ten, lấy lược nhiễu quấn tóc mà khoanh vần theo đầu. (Có một làng có đàn bà bới tóc); dưới mặc váy, chân đi dép son, nước da mịn màng trắng trẻo, má hồng, da ửng, gót son, phốp pháp người, răng nhuộm đen cánh gián”.
Về hát ả đào, hậu sinh thường chỉ biết về lối giải trí này qua thời kỳ thoái trào của nó, nên tưởng các cô đào chỉ có hát mà thôi. Sự thực không phải vậy. Trương Vĩnh Ký đã tham dự nhiều buổi hát ả đào trong chuyến đi này nên ông nhớ cả tên các cô đào trong buổi hát và đúc kết lại trong mục sau:
Nhà trò: “Khi đám tiệc, hội hữu, tôn tế, kỳ yên, chạp miễu, thường hay dựng nhà trò. Nhà trò là con gái đương xuân sắc chuyên tập nghề ca xướng, tục kêu là cô đào. Có đám tiệc thì người ta rước tới hát, thường hát theo ca trù, dặm Thúy Kiều, câu hát, thơ phú hoặc kể truyện.
Hát cũng khi ngồi khi đứng, tay nhịp canh, miệng hát nhiều cung bậc, giọng thấp giọng cao ngân nga hay và êm tai lắm; có chú kép ngồi bên khảy cái đờn đáy, lại có người đánh trống nhỏ cầm chầu. Có khi lại đứng bắt bộ múa và hát. Có khách thì chủ đám lại bắt quỳnh tương rượu. Tay bâng chén rượu, miệng hát câu chi, hoặc tình ái, hoặc nhân ngãi, để mời cho khách uống đi”.
Một phiên chợ ở miền Bắc |
Cũng vấn đề phong tục, tác giả đã ghi chép khá kỹ, có những điều hậu sinh đã biết, nhưng cũng có nhiều điều nếu không nhờ tác giả thì cũng không hiểu rõ hoặc không ngờ là có. Ví dụ như khi ghi về các trò vui mùa hè, tháng tám âm lịch, tác giả viết: “Dịp ấy thường coi nhà trò, đánh gậy (nghề võ), vật, múa rối cạn (hát hình), múa rối nước, leo dây, bài điểm, cờ người, nấu cơm thi, dệt cửi thi, bắt chạch, tạc tượng, dục (giục) tượng, thảy đều có ăn cuộc ăn đãi cả”.
Dệt cửi không phải là thi dệt nhanh hay khéo, mà là: “Còn dệt cửi thì làm sàn ra ngoài ao vừa để cái khung cửi, ả chức ra đó ngồi lên dệt, đâm thoi bắt thoi cho liền cho lẹ, nếu trật thoi văng rớt xuống ao thì thua”.
Còn tạc tượng thì ly kỳ hơn nhiều, đáng tiếc tác giả không ghi ở làng nào vùng nào: “Tạc tượng là bắt một cô đào nhan sắc có duyên đẹp đẽ mặc áo lượt thua rêu, quần lãnh bưởi có ngời ngồi ra tạo giữa dàn làm trên bờ hồ. Trai lãnh chàng đục, đóng khố giấy ra đó làm bộ đẽo chạm, hễ giữ không được thì tâm hoa động, dương vật dậy rách khố mất ăn, khi ấy đâm đầu xuống ao lặn đi đỡ xấu”.
Sức ép truyền thống phong tục
Vì sao có chuyến đi trên? Theo báo cáo của Trương Vĩnh Ký đề ngày 28/2/1876, gửi cho đề đốc Dupré qua ông Reynault de Premesnil, tham mưu trưởng, Trương Vĩnh Ký nhắc tới mục đích yêu cầu của chuyến đi và tường trình tình hình.
Trước khi làm việc này, ông xin phép lược tóm chuyến đi đã qua những nơi nào, gặp những ai, được đón tiếp như thế nào, và không quên lưu ý tầm quan trọng của mỗi địa phương. Chẳng hạn Thanh Hoá là cái nôi của triều đình hiện nay và của triều đình trước đó, hoặc dãy núi Ninh Bình có thể có mỏ kẽm.
Sau đó ông cũng xin phép được bày tỏ thái độ trí thức của mình: Nói thẳng, nói thực trong việc trình bày các sự kiện và cảm tưởng của mình vì tôn trọng phẩm cách của người cầm quyền yêu cầu mình, tôn trọng phẩm cách của chính ông là người thực hiện yêu cầu trên.
Sau đó ông thú nhận tình hình mà ông sắp trình bày thật đáng buồn lòng khi ông thấy cảnh lầm than của dân chúng. Ông nói ông đã nghiên cứu cẩn thận xã hội miền Bắc ở nhiều cấp bậc và ông cảm thấy một nỗi niềm thương xót vô cùng.
Cảnh sinh hoạt của một gia đình |
Ông đã trao đổi nhiều với những viên chức chính và nhận thấy hầu hết đều chán chường với vị trí, chức vụ mà họ phải tuân giữ một cách nô lệ, những phong tục, nề nếp cổ hủ đi ngược lại đà tiến bộ của tư tưởng và yêu cầu cởi mở của các quan lại trong các quan hệ với người nước ngoài. Tóm lại, các viên chức đều có xu hướng thiên về cải tổ, tiến bộ. Trương Vĩnh Ký nhận xét:
“Không thiếu những quan lại thông minh, có tài cai trị đã hiểu rằng lối thoát nằm ở một cuộc thay đổi toàn diện chính sách của triều đình. Họ đã chiến đấu bằng tất cả niềm tin và khả năng để xoay đổi hướng chính trị của triều đình, nhưng tới nay họ vẫn là phe yếu… Phạm Phú Thứ mà tôi được biết, đã dâng biểu về triều, đề nghị các biện pháp và các cải tổ thích ứng với nhu cầu hơn là các sai lầm cố cựu của nền hành chánh cũ.
Ngay cả các vị thượng thơ cũng nhấn mạnh theo chiều hướng này. Nhưng nhà vua, bị khống chế bởi triều đình và sợ đi xa các nguyên tắc tổ chức cổ truyền của vương quốc, đã ngần ngừ rồi sau cùng bỏ qua không xét. Các thượng thư muốn từ chức nhưng nhà vua đã yêu cầu ở lại tại chức”.
Về phương diện hành chánh, tệ tham nhũng hối lộ khá trầm trọng, lý do chính là vì các quan lại không đủ sống bằng đồng lương, buộc phải nhận quà cáp, đặc biệt là trong những việc cấp giấy phép cho buôn bán, thuyên chuyển, đi lại… Và Trương Vĩnh Ký ghi nhận là chính những thương gia nuôi dưỡng quan lại.
Còn tình hình dân chúng gồm những người thợ, làm ruộng thì sao? Họ nghèo cực khốn cùng vì không có gì ăn, cũng như không có việc gì làm. Sự lầm than này ở khắp mọi nơi và ở đâu cũng vang lên những đòi hỏi cải tổ để có một nền hành chánh có khả năng bảo đảm trật tự, tài sản, làm cho thương mại kỹ nghệ phát đạt và do đó lôi kéo dân chúng ra khỏi vực sâu đói nghèo mà họ đang cảm thấy đưa họ đến chỗ chết.
Xét về phong tục, tính tình, thì có lẽ dân chúng đáng chịu những khổ hạnh. Người dân hiền lành, chăm chỉ nhưng lúc nào cũng lo sợ, sống trong tình trạng bất an vì sự ức hiếp hay vì chiến tranh, nên không tin tưởng và trung thành với triều đình và vì thế dễ tin theo những người nổi lên kêu gọi họ.
Những người này thực ra chỉ là những bọn phiêu lưu, nên cuối cùng thất bại, họ lại tin ở những người khác mặc dù đã bị lừa bịp. Học giả Trương Vĩnh Ký kết luận: Nói chung hầu hết các viên chức đều ưng theo những tư tưởng mới, mong muốn cải tổ, nhưng tập tục truyền thống còn chi phối nặng nề.