Thủ đoạn ém nhẹm bản đồ địa giới trong quy hoạch Hà Nội của thực dân Pháp

(PLO) - Trong gần 9 thế kỷ, mặc dù những cơn binh lửa và các cuộc biến động xã hội đã phá hủy nhiều cung điện thành quách và những công trình kiến trúc khác, Thăng Long – Hà Nội hầu như vẫn giữ nguyên mô hình đô thị; quy hoạch diện mạo thay đổi rất ít. 
Một đường phố Hà Nội 1896
Một đường phố Hà Nội 1896

Đó là một đô thị phong kiến, pha trộn các yếu tố vương giả, chợ phố và nông thôn. Chỉ tới khi Pháp đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam (1883), rồi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa Pháp (1888), đô thị này mới chuyển đổi mô hình, có những chuyển biến quan trọng về quy hoạch và diện mạo.

Tuy nhiên, sự chuyển biến đô thị của Hà Nội trong những thập kỷ đầu thời Pháp thuộc không phải là một sự đứt gãy, đoạn tuyệt đột biến. Đó là một quá trình chuyển đổi tiệm tiến, đan xen, cái mới gối chồng lên cái cũ. Những yếu tố phong kiến truyền thống vẫn còn tồn đọng lại, được lai tạo với những yếu tố tư bản hiện đại mới nảy sinh. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thừa Hỷ.

Phát triển kiểu “tùy tình hình”

Sau một thời kỳ quá độ ngắn (1883-1888) với sự tồn tại song song hai chính quyền Pháp và Nam triều, tới đầu tháng 10/1888, Hà Nội chính thức trở thành thành phố nhượng địa Pháp theo đạo dụ của nhà vua Đồng Khánh và nghị định chuẩn y của Toàn quyền Richaud.

Nét chuyển biến nổi bật đầu tiên trong những năm tiếp sau đó là sự mở rộng, “dãn nở” về bề mặt diện tích của một thành phố được quan niệm, ngày càng lớn hơn so với một không gian đô thị thực tế.

Trước thời Pháp thuộc, bề mặt quy ước truyền thống của Hà Nội được coi là diện tích bên trong bức lũy Đại La xây đắp lại năm 1749. Tuy nhiên, không gian đô thị thực sự của nó chỉ giới hạn trong khu “36 phố phường”, tức Khu phố cổ ngày nay, mà theo A. Masson “đó là một hình tam giác mà cạnh đáy dựa vào phía bên trên hồ Hoàn Kiếm (tức trục phố Hàng Bông - Hàng Gai -Cầu Gỗ - Lò Sũ ngày nay), còn hai cạnh kia dựa vào sông Hồng và tòa thành”.

Ngoài khu phố phường buôn bán đông đúc này, là những thôn phường nửa nông thôn và nông thôn, dân cư thưa thớt.

Đạo dụ ngày 1/10/1888 nhượng Hà Nội cho Pháp có kèm theo một bản đồ địa giới, nhưng điều kỳ lạ là nó đã “bị mất” vĩnh viễn, không bao giờ còn tìm thấy được bản chính hay bản sao trong lưu trữ. Do vậy, đường biên giới pháp lý của thành phố này đã trở nên rất mờ nhòa, xê dịch, không rõ ràng.

Cửa Ô Cầu Dền đầu phố Huế năm 1880
Cửa Ô Cầu Dền đầu phố Huế năm 1880

Tuy nhiên, không gian đô thị Hà Nội được thể hiện trên các bản đồ cuối thế kỷ XIX như của Babonneau (1885) hay Leclanger (1890) đã tỏ ra là khá hẹp. Ngoài Khu phố cổ, địa giới thành phố về phía tây không vượt quá Văn Miếu và về phía nam không vượt khỏi phố Gambetta (Trần Hưng Đạo), cùng lắm là chỉ đến phố Thợ Nhuộm và Lò Đúc.

Tuy nhiên, chính quyền thực dân Pháp (ở đây là Tòa Thống sứ và Tòa Đốc lý) lại quan niệm Hà Nội như một không gian đô thị rộng lớn hơn, mà không dựa trên cơ sở pháp lý nào cả. Lá thư của Thống sứ Bắc kỳ gửi Đốc lý Hà Nội ngày 30/12/1889 viết:

“Bức lũy cũ (tức lũy Đại La năm 1749) phải được coi như những giới hạn của thành phố nhượng địa. Trong không gian đó, thành phố có thể sẽ “tùy tình hình” mà phát triển. Hơn nữa, tôi cho rằng không cấn phải hỏi ý kiến các chính quyền bản xứ, vì họ vẫn luôn luôn coi bức lũy là giới hạn của thành phố”. 

Trong nghị định đăng trên Công báo ngày 6/1/1890, nhà cầm quyền đã ấn định phạm vi lãnh thổ thành phố bằng 15 cọc tiêu cắm mốc, có gắn biển đánh số. Theo đó, địa giới thành phố phía bắc giáp hồ Tây, phía đông giáp sông Hồng, phái tây là cửa Sơn Tây (tức ô Vạn Bảo, bến xe Kim Mã ngày nay), phía tây nam là ô Chợ Dừa, phía nam là ô Cầu Dền. Giới hạn này đã được nhắc lại trong nhiều nghị định của những năm tiếp theo.

“Chiến lược gặm  nhấm” có tính toán

Về phía chính quyền Nam triều, có thể do những lợi ích riêng tư hoặc do sức ép, liên tiếp trong những năm cuối thế kỷ XIX, đã ra những văn bản “nhượng thêm” một số thôn phường và vùng đất thuộc hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, sáp nhập vào Hà Nội do Tòa Đốc lý Pháp quản lý.

Việc Hà Nội mở rộng đã đem lại nhiều lợi ích cho các phía. Quyền hành của Đốc lý và nguồn thu nhập thuế mà gia tăng, quan lại và chủ đất được hưởng lợi do sự chênh lệch về giá đất khi sát nhập vào thành phố. Ph. Papin gọi đó là quá trình thực thi một “chủ nghĩa sát nhập” với một “chiến lược gặm  nhấm” có tính toán.

Một ngôi làng ở Hà Nội năm 1890
Một ngôi làng ở Hà Nội năm 1890

Trước thời Pháp thuộc, quy hoạch đô thị của Thăng Long Hà Nội truyền thống khá đơn giản. Thực ra đó chỉ là sự sắp xếp, bố trí đô thị mang tính tự nhiên, tự phát. Một tòa thành nương vào các dòng chảy sông-kênh, bên cạnh là khu phố phường buôn bán gần kề một bến cảng, các thôn phường nội thị và một số làng chuyên ven đô.

Trong quá trình chuyển biến thành một thành phố tư bản thực dân cận hiện đại, quy hoạch đô thị Hà Nội đã thay đổi khá rõ nét, dưới dạng thức xen gối, cái cũ còn lại cũng tồn tại song song với cái mới nảy sinh.

Tòa thành bị phá, khoảng 3/4 diện tích bị lấy làm đường phố. Khu phố cổ Việt - Hoa vẫn giữ được bóng dáng cũ nhưng bộ mặt đã ít nhiều thay đổi về đường sá và kiến trúc nhà cửa. Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm được chỉnh trang, trở thành một khu đệm giữa khu phố cổ phía bắc và một khu phố mới phía đông nam, thường được gọi là “Khu phố Tây”, khu phố người Âu. 

Sau khi tòa thành bị phá, một khu phố Tây khác tiếp tục ra đời ở mạn phía tây bắc thành phố, lan đến bờ hồ Tây. Trong khi đó, nhất là từ năm 1902 trở đi, các  khu dân cư mới tiếp tục mở rộng, lan tỏa về hướng nam và hướng tây, với sự thành lập các “Khu phố mới người bản xứ”. Một kiểu kiến trúc mới, hiện đại xuất hiện bên cạnh kiến trúc cũ truyền thống với những công sở và nhà dân sự.

Trong những năm đầu tiên thời Pháp thuộc, chính quyền Bảo hộ đã cho tiến hành chỉnh trang cải tạo lại hệ thống đường sá và nhà cửa.

Trước đó, đa phần các phố là đường đất, không có vỉa hè, thường lầy lội lúc trời mưa và bụi bặm khi trời nắng. Đường sá ở các phố Hoa kiều có khá hơn, nhưng nhìn chung vẫn không được cải thiện. “Những phố thường là khá hẹp, được lát gạch theo kiểu Trung Quốc, nghĩa là chỉ được lát ở mặt lòng đường trên một bề rộng khoảng chừng 1m, và những viên gạch vuông thì phần lớn đã bị vỡ nứt hoặc xô lệch. Dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối hoặc không có lối thoát”, một tài liệu ghi.

Ngoài những nhà ống xây gạch theo kiểu “chồng diêm”, mặt tiền hẹp nhưng lòng nhà sâu, trong phố vẫn còn rất nhiều nhà lợp tranh lá, dựng không thẳng hàng, mái hiên nhô ra lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông đi lại. Đó cũng là mồi cho ngọn lửa trong những vụ hỏa hoạn thường xuyên xảy ra ở phố phường Hà Nội xưa kia.

Trong hồi ký của mình, Công sứ Bonnal kể rằng năm 1883 ông ta đã đề nghị Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ bắt các cửa hiệu phải lùi mái hiên lại cho lối đi thoáng rộng. Ông cũng ra lệnh cho viên cảnh sát trưởng bắt các tù nhân lao động khổ sai san bằng các mặt đường, đào rãnh thoát nước, lát vỉa hè và rải gạch đá lòng đường.

Không có kinh phí riêng, Bonnal đã sai phá hủy những ngôi nhà gạch bị quân Cờ Đen đốt cháy ở phố Nhà Chung và bên bờ hồ Hà Kiếm, lấy gạch ngói vụn để trải mặt đường cho 150 phố ngõ Hà Nội.

Luật cấm làm nhà tranh

Năm 1891, Đốc lý Beauchamp ban hành Nghị định ngày 17/2 về việc dỡ bỏ và cấm làm nhà tranh trong một số tuyến phố chính của Hà Nội. Nghị định nghiêm cấm việc làm nhà tranh ở các phố Pháp quốc (sau là Paul Bert, Tràng Tiền), Bobillot (Lê Thánh Tông), Gambetta (Trần Hưng Đạo), phố Nhà Chung, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Bè và Hàng Mắm.

Vườn hoa Paul Bert nay là vườn hoa Lý Thái Tổ
Vườn hoa Paul Bert nay là vườn hoa Lý Thái Tổ

Trong các phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, Jean Dupuis (Hàng Chiếu), Hàng Đồng, Hàng Đào, Hàng Ngang; tất cả mọi nhà tranh hiện còn tồn tại phại dỡ bỏ đi trong thời gian sáu tháng.

Trong những năm 1880, các cửa ô và các cổng phố cũng lần lượt bị phá bỏ. Trước khi Pháp hạ thành Hà Nội lần II, lũy đất Đại La vẫn còn đến 15 cửa ô (trước là 16, sau cửa ô Nhân Hòa quãng bệnh viện Quân đội 108 ngày nay đã bị mất, có thể do bị sụt lở xuống sông Hồng).

Năm 1886, cửa ô Tây Luông (Tràng Tiền) mà trước đó có thể là “một vòm cuốn uốn cong rộng lớn xây gạch, chắc chắn, vuông vắn” đã bị phá hủy, được thay bằng một cửa ô mới đơn giản hơn nhiều, gọi là cửa Pháp quốc, ở lối đi vào khu nhượng địa, với hai cột trụ xây thẳng đứng, trên có đắp hình hai con lân.

Cửa ô duy nhất còn lại đến ngày nay là ô Quan Chưởng phía ngoài phố Hàng Chiếu, người Pháp gọi là cửa Jean Dupuis, còn có tên là ô Thanh Hà hay ô Đông Hà, là cửa ô chính án ngữ con đường thông sang tỉnh Bắc Ninh bên kia sông Nhị. Chúng ta không biết đó là kiến trúc nguyên dạng ban đầu từ năm 1749 hay nhiều khả năng hơn là đã được xây lại trong thế kỷ 19.  

Những chiếc cổng phố với cấu trúc khác nhau trong khu phố cổ một thời đã là hình ảnh quen thuộc của Hà Nội xưa. Trong những năm cuối 1880, những cổng phố này đã lần lượt bị dỡ bỏ. Lý do chủ yếu có thể là lúc này những chiếc xe tay kéo đã bắt đầu trở nên phổ biến, và những cổng phố trở thành một vật ngáng cản không cho những chiếc xe tay đó kéo chạy qua.

Xe tay kéo vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản sau thời Minh Trị. Người Nhật đặt tên là “rickshaw” hay “djinricksha”, người Pháp gọi là “pousse-pousse”. Năm 1883, Công sứ Bonnal đã tặng Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ một chiếc xa tay kéo nhập từ Nhật Bản. Những năm sau đó, một số nhà tư bản Pháp đã nhập và sản xuất loại xe kéo này để cho thuê chở khách thường là đám quan lính Pháp và giới thượng lưu đô thị Hà Thành.

Tháp nước đầu tiên năm 1894

Vào quãng những năm gối qua hai thế kỷ, khu phố cổ Hà Nội bắt đầu có nước máy sạch và điện thắp sáng, nhưng với một tỷ lệ rất hạn chế.

Trước đây, một số gia đình trong khu buôn bán đã xây bể chứa nước mưa, đào giếng ngay trong nhà. Số đông khác vẫn dùng nước hồ ao, nước sông, để nguyên hoặc đánh phèn. Khoảng năm 1894-1895, nhà cầm quyền Pháp cho lấy những tấm đá tảng của tòa thành vừa bị phá đem xây tháp nước Hàng Đậu, cung cấp nước sạch chủ yếu cho lực lượng quân đội đóng trong thành và một phần nhỏ cho dân khu phố cổ. Cuối thế kỷ XIX, Hà Nội có ba giếng lọc nước và 30km đường ống dẫn nước.

Về ánh sáng, thời xưa người dân phố phường dùng đèn đĩa thắp dầu lạc, những hiệu buôn khá giả thường treo đèn lồng thắp nến. Những năm 1890, bắt đầu xuất hiện loại đèn “Hoa Kỳ” thắp bằng dầu hỏa.

Năm 1895, Hà Nội có điện thắp sáng nhưng còn rất hạn chế. Cho đến cuối thế kỷ, toàn thành phố mới chỉ co 523 ngọn đèn điện, chủ yếu dùng cho người Pháp.  Đầu thế kỷ XX, một số gia đình khá giả trong khu phố cổ mới dùng đèn điện. Ở một số tuyến phố buôn bán, bắt đầu có đèn đường thắp bằng dầu hỏa, sau chuyển sang đèn điện công cộng.

Đền Quán Thánh, ven Hồ Tây khoảng năm 1892
Đền Quán Thánh, ven Hồ Tây khoảng năm 1892

Năm 1990, Hà Nội bắt đầu mở ba tuyến đường xe điện, lấy ga Bờ hồ làm trung tâm. Trước đó, khoảng năm 1886, chỉ mới có một tuyến đường ray nối liền khu nhượng địa và thành Hà Nội, nhưng toa xe thì do lừa kéo.

Tuyến Bờ Hồ - Bưởi dài 5,5km chạy qua khu phố cổ và chợ Đồng Xuân. Chợ lớn nhất thành phố này với năm cầu chợ to rộng khung bằng sắt và mái lợp tôn kẽm, được thành lập năm 1889, sau khi sông Tô lịch bị san lấp lấy đất mở phố. Phố Hàng Lược trước đây còn mang tên cũ là phố Sông Tô Lịch.

Năm 1902, cầu Doumer (cầu Long Biên) và nhà ga xe lửa Hà Nội hoàn thành xây dựng. Xe lửa đi trên cao qua khu phố cổ, trên một cây cầu cạn dài 800m từ chân cầu Long Biên dọc theo đường Henri d’Orléans (phố Phùng Hưng ngày nay) tới ga Hà Nội.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm là khu đệm giữa khu phố cổ và khu phố mới, thường được gọi là “Khu phố Tây”. Ở phía tây và nam hồ, có một số phố chuyên nghề - mặt hàng, trong đó có phố Hàng Thêu và Hàng Tranh. Năm 1883, Labarthe còn ghi trên bản đồ là “phố Hàng Lọng” (Rue des Parasols), ngày nay là Hàng Trống.

Ở phía nam có phố Thợ Khảm, (còn gọi là Hàng Khảm hay Hàng Xà cừ), là một con đường khá dài, chợ búa nhộn nhịp họp hai bên đường, lại có các cửa hiệu khảm xà cừ ở đọan phố Hàng Khay ngày nay. Labarthe gọi đó là “Khu phố An nam” để phân biệt với “Khu phố Tàu”, chỉ khu phố cổ. 

Về bờ hồ phía đông, còn có rất nhiều bãi đất trống, hồ ao, đầm lầy trải dài đến tận bờ sông hồng. Cũng có một con phố ở đây là phố Hàng Trà, chuyên bán các loại trà uống ở thôn Hương Minh với hai ngôi chùa tọa lạc trong khu vực là chùa Phổ Giác (chùa Tàu) và chùa Báo Ân (chùa Quan Thượng, người Pháp gọi là chùa Khổ hình). Khu hồ Hoàn Kiếm này có tuổi đời khá trẻ so với khu phố cổ đích thực. Có thể coi đây là một khu phố nửa cổ, bán cổ của Hà Nội.

Bản thân hồ Hoàn Kiếm những năm trước Pháp thuộc cũng không còn cái vẻ huy hoàng đài các thời Lê –Trịnh xưa kia nữa, mà đã trở về tình trạng nguyên sơ, tự nhiên pha trộn chất nông thôn. Đền Ngọc Sơn dựng trên nền cũ của cung Khánh Thụy, lúc đó chỉ có một cây cầu nhỏ bắc vào đền bằng ván ghép, hai bên không có tay vịn.

Cầu yếu ớt mỏng manh và P.Bourde đã gọi là “cây cầu làm để cho loài dê đi hơn là cho những bàn chân nặng nề của người Âu”. Chỉ đến năm 1887, nó mới được thay bằng cầu Thê Húc, dáng cong và sơn đỏ. Ở giữa hồ,  trên nên Gò Rùa cũ, năm 1877 bá hộ Kim nhà ở phố Hàng Khay đã cho xây Tháp Rùa ý định làm nơi để mả tổ, nhưng không thành. Trên mặt hồ, hàng ngày ”các phụ nữ ra đấy, lội xuống nước tận đầu gồi, hay ngồi xổm trên các tấm ván cầu ao cách hồ vài bước để rửa rau vo gạo hoặc bát đĩa...”.

Sự ra đời của khu phố Tây

Nét nổi trội nhất trong sự chuyển biến quy hoạch đô thị Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự ra đời của khu phố Tây hình thành trên hai địa vực: Trước tiên ở phía đông nam hồ Hoàn Kiếm và sau đó ở phía phía tây tòa thành Hà Nội bị phá.

Những người khởi xướng việc thành lập khu  phố mới này trước hết là tổng trú sứ Paul Bert và người kế nhiệm là Paulin Vial, cùng với sự hỗ trợ của các quan chức cấp địa phương thành phố như Công sứ Bonnal và Đốc lý Halais.

Mục đích tạo lập ra khu phố Âu của chính quyền thực dân vừa là do nhu cầu phát triển và mở rộng khu nhượng địa ra bên ngoài thành phố mới bị chinh phục, vừa là sự thực thi khẳng định sức mạnh và quyền lực của kẻ chiến thắng, đồng thời là để phô trương thanh thế về cái gọi là “sứ mạng khai hóa” (mission civilisatrice) của nền văn minh Pháp quốc được coi như vượt trội so với những người bản xứ.

Địa bàn được chọn ban đầu là vùng đất phía đông hồ Hoàn Kiếm trải rộng ra đến Bờ sông Nhị, gần kề khu nhượng địa, thuộc các thôn Yên Thường, Hà Thanh, Cựu Lâu. Tại đây, trước kia đã tồn tại lầu Ngũ Long thời Lê - Trịnh và lúc đó có hai ngôi chùa nổi tiếng là Phổ Giác (chùa Tàu) và Báo Ân (Liên Trì). Xa hơn là các ao hồ, đầm lầy, ruộng lúa dân cư thưa thớt. Vào khoảng năm 1886, nhà cầm quyền Pháp đã cho phá dỡ hai ngôi chùa và san lắp mặt bằng vùng đất lầy lội.

Hà Nội 1873 - Bản đồ do Phạm Đình Bách vẽ, Sở Địa Dư Đông Dương xuất bản năm 1937
Hà Nội 1873 - Bản đồ do Phạm Đình Bách vẽ, Sở Địa Dư Đông Dương xuất bản năm 1937

Cụm công trình kiến trúc đầu tiên ở đây là phức hợp được gọi là “Bốn Tòa” xây dựng ở bốn góc đối xứng nhau, giữa là vườn hoa Paul Bert (nay là quảng trường Lý Thái Tổ) với bức tường đồng viên quan cai trị này cùng ngôi nhà kèn làm nơi hang tuần có hòa nhạc giải trí. Bốn công trình là bốn tòa Đốc lý, Kho bạc, Bưu điện và phủ Thống sứ, nằm trên khuôn viên của trụ sở UBND TP và Nhà khách Chính phủ ngày nay.

Cụm công trình bốn tòa được giao cho hai nhà thầu thi công, dưới sự chỉ huy của kỹ sư Getten, Giám đốc sở Công chính. Các tòa nhà xây hai tầng, có móng dày 2m50, mái lợp ngói đá đen với hành lang rộng, lắp cửa kính, đặt lò sưởi, tổng diện tích gấp đôi diện tích ở.  

Cùng thời gian xây dựng quần thể Bốn Tòa, nhà cầm quyền cho mở một trục phố mới mang tính chiến lược, nối liền hai trung tâm chính trị và quân sự của Pháp lúc đó từ cổng khu nhượng địa giáp bờ sông tới cửa Nam thành Hà Nội trong đó có quân đội Pháp đồn trú. Ngày nay, đó là trục của phố Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Cửa Nam.

Đoạn đầu phía đông xưa kia là tuyến đường ngăn đôi hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, lúc đó đã trở thành con đường mòn nhỏ rộng 2-3m, có cầu nối liền với Tràng Tiền ở phía Nam, xưởng đúc tiền này cũng đã ngừng hoạt động, trở thành hoang phế, các hào nước cạn dần.

Lần lượt, sau khi những ngôi nhà tranh bị dỡ bỏ thay vào đó là những nhà gỗ rồi nhà gạch được dựng lên. Phố Tràng Tiền trở thành “một đường phố trải đá răm khá tốt, rộng từ 16m đến 18m, trong đó người Âu hầu như nắm mọi cửa hàng bán lẻ…  

Phong cách xây dựng “tân cổ điển”

Về mặt chỉnh trang đường phố, lúc đầu ở hai bên đường có trồng những cây phượng vĩ hoa đỏ rực có nguồn gốc từ quần đảo Antilles bên châu Mỹ. Sau các chủ hiệu đề nghị bỏ đi để lấy ánh sáng và người ta lát vỉa hè rộng. Khi lập phố, bá hộ Kim hiến tặng một tấm biển phố khảm xà cừ có ghi chữ Pháp và chữ Hán nhưng sau bị hư hỏng vì mưa nắng phải tháo bỏ đi.

J.Boissiere mô tả phố Tràng Tiền vào cuối thế kỷ XIX: Dọc theo phố Paul Bert có những cửa hàng bóng lộn như tiệm cà phê, nhà hàng ăn, như để cho du khách mới cặp bến biết được rằng muốn nói gì thì nói, Hà Nội vẫn là một thành phố Pháp. Hãy đi qua để phát hiện ra những biển hiệu “Bazar de Paris” (chợ phiên Paris), “Aux fabriques de France” (ở các xưởng chế tạo Pháp Quốc) … Hiện tạp hóa, cửa hàng thảm, cửa hàng đồ sắt, hiệu thuốc tây, hãng buôn bán hàng thuộc địa thôi thì đủ thứ…”.

Về phía nam phố Tràng Tiền, người Pháp mở thêm một số tuyến phố song song như đại lộ Rollandes (Hai Bà Trưng), Carreau (Lý Thường Kiệt), Gambetta (Trần Hưng Đạo) cùng một số tuyến phố dọc cắt vuông góc như Henri Riviere (Ngô Quyền), Rialan (Phan Chu Trinh). Các đường phố mới này đều thẳng hàng, long đường rộnt trải đá răm (sau là nhựa đường), vỉa hè rộng có trồng cây.

Cảnh buôn bán tại phố phường Hà Nội cuối thế kỷ 19
Cảnh buôn bán tại phố phường Hà Nội cuối thế kỷ 19

Các kiến trúc nhà ở dân hai bên phố thường là biệt thự (villa) sang trọng xây hai tầng theo phong cách Âu, có vườn tược và hàng rào song sắt ,có khu nhà phụ đằng sau dành cho gia nhân đầy tớ. Chủ nhân phổ  biến là các quan chức và nhà tư bản Pháp, một số rất  ít các gia đình thuộc giới thượng lưu người Việt.

Về các công sở và những kiến trúc hớn, trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phần lớn đều được xây dựng theo phong cách “tân cổ điển” (néo-classicisme), chịu ảnh hưởng của kiến trúc sư trưởng lúc đó là Henri Vildieu. Đặc điểm chung của các công trình này là xây vững chắc “kiểu vĩnh cửu”, tường dày chống nhiệt, kiến trúc đối xứng, mái vòm hoặc hình tháp lợp đá đen.

Tòa Đốc lý, Bưu điện và Phủ Thống sứ đều đã được xây dựng lại. Những công trình kiến trúc mới đáng chú ý xây dựng trong thời gian tiếp theo là khách sạn Métropole (phố Henri Rivière, tức Ngô Quyền), nhà hàng Godard (trông ra hai mặt phố Paul Bert- Đồng Khánh, tức Tràng Tiền- Hàng Bài), Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (E.F.E.O) ở cùng phố với tòa án (Phố Carreau, tức Lý Thường Kiệt).

Riêng Nhà Hát lớn Thành phố, phỏng theo nguyên mẫu của nhà hát Opéra paris ở đầu phố Tràng Tiền, xây trên một cái ao lớn cũ, là một công trình tốn tiền và công sức, phải mất 10 năm mới làm xong (1901-1911).

Bắt đầu  hình thành từ phía đông nam hồ Hoàn Kiếm, khu phố Tây tiếp tục lan tỏa, mở rộng tới địa bàn thứ hai ở phía tây bắc thành phố, bên trái thành Hà Nội, từ bờ nam hồ Tây đến khu Văn Miếu. Một phần quan trọng của khu phố Tây mới này là đất của tòa thành đã bị phá hủy trong những năm 1894-1897, ngay trước thời tòa quyền Paul Doumer.

Cuộc phá hoại những di tích lịch sử văn hóa

Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (1882), lực lượng quân đội Pháp đã ở lại chiếm giữ thành. Mọi dinh thự, nha môn và bộ máy quan liêu Nam triều đều phải dời  ra bên ngoài thành, kể cả Tổng đốc Hà Nội.

Ngày 23/7/1893, Hội đồng thành phố ra quyết định phá thành. Ngày 15/2/1894, một hợp đồng về việc phá thành đã được ký kết giữa toàn quyền De Lanessan với nhà thầu Auguste Bazin, kỹ sư dân sự ở Paris. Công việc phá thành kéo dài trong ba năm, hoàn tất năm 1897.

Khoảng gần ba phần tư diện tích tòa thành cũ đã bị loại bỏ, chia lô, lấy đất lập phố, làm đường, quảng trường và vườn hoa, xây nhà. Toàn bộ tường thành cũ bị phá bỏ, thay vào là một bức tường mới đơn giản hơn nhiều, bao quuanh khu vực còn giữ lại của tòa thành. Hào nước bị san lấp, các cổng thành bị phá hủy, trừ cửa Chính Bắc (trên phố Phan Đình Phùng ngày nay) là còn được giữ lại, trên đó có vết đạn đại bác của Pháp bắn trong cuộc tấn công thành năm 1882. 

Sự phá hoại những di tích lịch sử-văn hóa này đã nhiều dư luận công kích, phản đối. Bản thân Toàn quyền P.Doumer sang nhậm chức năm 1897, ngay sau khi tòa thành bị phá cũng tỏ lòng luyến tiếc về những cổng thành “xứng đáng được bảo tồn” và cho việc phá hủy chúng là “điều đáng buồn cho nghệ thuật và lịch sử”.

Có nhiều cách giải thích khác nhau gây tranh cãi về lý do thực sự của việc phá thành. Toàn quyền De Lanessan biện hộ cho việc phá thành là “để làm lành mạnh thành phố, tạo không khí thoáng mát cho những trại lính, loại bỏ những ổ lây nhiễm gây nên do đường hào chứa đầy thứ nước tù đọng… Việc phá thành cũng tạo thuận tiện cho thành phố phát triển, có được một khoảng đất bề mặt diện tích quan trọng, thành phố có thể vươn rộng ra theo hướng hồ Tây...”.

Phố Hàng Nón thời xưa
Phố Hàng Nón thời xưa

Tuy nhiên, có dư luận cho là Pháp phá tường thành là để đào tìm của cải vàng bạc được nhà Nguyễn bí mật đem chôn giấu. Tờ báo tiếng Pháp “L’Independance Tonkinoise” (Độc lập Bắc Kỳ) ở Hà Nội lúc đó đã phanh phui: “Ông Bazin đem cho thầu lại công việc phá thành, tự nhiên được hưởng lời một khoản 20.000 đồng piastre (bằng 1/3 tổng kinh phí), cùng khoảng 90 ha đất bị loại, chia lô đem bán với giá  rất đắt, lại thêm một số lớn các công trình bị phá dỡ trên khoảng đất  này.

Các nguyên vật liệu (đá, gạch ngói, gồ) bị loại ra cũng được chia nhau đem bán trục lợi. Trong vụ này, “Cô Tư Hồng” một mẹ Tây nổi tiếng đương thời – cũng kiếm chác được một món lợi kếch sù, “còn thừa đem xây được năm tòa nhà hai tầng và một dãy nhà ba tầng ở đầu đường Quán Sứ ngõ Hội Vũ”.

Tham vọng về một đô thị châu Âu thu nhỏ

Khu phố Tây mới được hình thành trong những năm bắc qua hai thế kỷ XIX và XX,  chủ yếu trong nhiệm kỳ của Toàn quyền P.Doumer. So với khu phố Tây đông nam hồ Hoàn Kiếm, khu này thưa dân hơn và được xây dựng hiện đại hơn, cảnh quan đường phố cũng đẹp hơn.

Nhiều quảng trường, vườn hoa xinh đẹp, cùng với một hệ thống các tuyến đường đôi hiện đại thông thoáng có vỉa hè rộng, hai bên đường trồng cây xanh bóng mát, đáng kể có điểm tròn Puginier (quảng trường Ba Đình ngày nay), vườn hoa Puginier (nay là công viên Lênin), cùng các con đường Puginier (Điện Biên Phủ), Pierre Pasquier (Hoàng Diệu), Van Vollenhoven (Chu Văn An) Brière de l’Isle (Hùng Vương), Honoré Tissot (Hoàng Văn Thụ), các đại lộ Carnot (Phan Đình Phùng), Giovanninelli (Lê Hồng Phong), Félix Faure (Trần Phú)...

Khu phố mới được thiết kế làm khu vực dành cho các công sở hành chính, có tiêu điểm là dinh Toàn quyền mới, thay cho dinh Toàn quyền cũ ở khu nhượng địa, mà theo P.Doumer “phải xứng đáng với chỗ ở của vị đại diện tối cao cho nước Pháp ở xứ thuộc địa”.

De Lanessan là người đầu tiên có ý định chuyển dời trụ sở Toàn quyền ra khu đất mới thoáng rộng gần hồ Tây. Năm 1895, người ta dựng một bản vẽ thiết kế cho dinh Toàn quyền mới, có nóc mái vòm, nhưng đã không được thực hiện.

P.Doumer là người tích cực xúc tiến kế hoạch xây dinh Toàn quyền mới, mà ông ta rất thích thú với ý định đặt cho nó một biệt hiệu thơ mộng là “lâu đài Dalila”, là biến âm của từ Đại La, tòa thành cổ thời Bắc thuộc ở gần địa điểm này, mà lúc đó người ta vừa khai quật được các di vật khảo cổ.

Tuy nhiên dinh Toàn quyền chỉ bắt đầu được khời công năm 1901, hoàn tất năm 1906 do kiến trúc sư trưởng H.Vildieu chỉ đạo và người thiết kế bản vẽ là Ch.Lichtenfelder. Công trình kiến trúc không lớn nhưng đẹp và bề thế, xây theo phong cách Phục Hưng cổ điển châu Âu. Ngày nay, đó là phủ Chủ tịch.

Tóm lại, trong 15 năm đầu thời Pháp thuộc (1883-1897), dưới chính quyền cai trị của thực dân Pháp với những gương mặt nổi bật là hai Toàn quyền Paul Bert và De Lanessan đều cùng theo đuổi một chính sách “bảo hộ hợp tác”, quy hoạch và diện mạo đô thị Hà Nội đã chuyển dần mô hình từ một  đô thị phong kiến truyền thồng sang một đô thị cận hiện đại tư bản thực dân.

Tuy nhiên, nó vẫn là một thành phố lai ghép giữa những yếu tố mới và cũ, “một tổng thể đô thị phức hợp, đan xen giữa những khu người Việt, người Hoa và người Âu”.

Đến 1897, viên toàn quyền mới năng động và quyết đoán Paul Doumer sang Hà Nội nhậm chức, đã từ bỏ đường lối hợp tác chủ nghĩa trước đó, đẩy mạnh chính sách trực trị và Âu hóa mà một trọng tâm là Hà Nội. Doumer bày tỏ tham vọng của mình là muốn biến đô thị này thành một “Paris thu nhỏ” (Petit Paris) và thực sự đã tiến hành một số việc làm gây ấn tượng, nhất là về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, việc đô thị hóa theo hướng hiện đại cũng chỉ được thực hiện hạn chế trong những khu phố Tây, nơi có đa số người Pháp cư trú, phục vụ cho bộ máy thống trị thực dân. Hơn nữa, Hà Nội vẫn mang bộ mặt của một thành phố với nhiều nghịch cảnh tương phản.

Chỉ cách không xa phố Tràng Tiền rực rỡ ánh điện những xóm nghèo tăm tối của đông đảo dân nghèo thành thị với những túp nhà tranh lụp xụp bên cạnh những ao tù và những ngõ lối lầy lội không khác gì trước đó hàng thế kỷ, trong đó những con người ngày đêm phải vật lộn với cuộc sống để tồn tại, mưu sinh.

Khi Paul Bert sang làm Tổng trú sứ, để tô điểm cho bộ mặt của một “Hà Nội đỏm dáng” (Hanoi coquette) như báo chí lúc đó ví von, ông ta đã quyết định một kế hoạch lớn chỉnh trang hồ Hoàn Kiếm.

Kế hoạch làm một tuyến đường vành đai quanh hồ không dễ dàng, phải  mất nhiều năm cho đến tận cuối 1891 đầu 1892 mới hoàn thành. Khó khăn lớn nhất là việc giải tỏa các khu nhà lá, nhiều gia đình không chịu di dời.

Nhân lúc đó có nhiều đám cháy xảy ra, có lần thiêu trụi hơn 300 nóc nhà (có dư luận là người Tây ngầm sai người đốt nhà dân), chính quyền thành phố đã ban hành lệnh cấm dựng lại những nhà lá bị cháy. 

Đầu năm 1892, những ngôi nhà cuối cùng trong diện giải tỏa ở phố Hàng Khay “đổ sụp xuống như những lâu đài bằng quân bài lá  dưới nhát cuốc của đội phá hủy... hầu như công chúng đã có thể hoàn toàn đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, giữa những vườn trồng các loại cây thảo mộc nhiệt đới”.

Đọc thêm