"Mở lối" pháp lý để làm tan “cục máu đông” tài sản bảo đảm

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) thời gian qua, đồng thời bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với các quy định có liên quan là giúp ngành ngân hàng và nền kinh tế thoát khỏi “cục máu đông” nợ xấu. Đó là “tư tưởng” của dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp – TN&MT-Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điều về xử lý TSBĐ.

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) thời gian qua, đồng thời bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với các quy định có liên quan là giúp ngành ngân hàng và nền kinh tế thoát khỏi “cục máu đông” nợ xấu. Đó là “tư tưởng” của dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp – TN&MT-Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điều về xử lý TSBĐ.

Ảnh minh họa

Ngân hàng vẫn “khóc” khi “ôm” tài sản thế chấp

Nợ xấu được đã lên đến 202.000 tỷ đồng ví như “cục máu đông” của hệ thống ngân hàng làm “tắc mạch” tín dụng ra nền kinh tế. Các giải pháp để xử lý nợ xấu đã được đưa ra như sử dụng nguồn dự phòng rủi ro, thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, hay tạo ra thị trường mua bán nợ xấu…, trong đó xử lý tài sản bảo được coi là giải pháp “trong tầm tay” để các ngân hàng thu hồi nợ, dù nhiều khi số tiền thu được từ  việc xử  lý  TSBĐ không đủ để thu hồi nợ.

Các chuyên gia ngành ngân hàng than thở, “người ngoài cứ tưởng ngân hàng “ôm” TSBĐ là yên tâm sẽ thu hồi được các khoản vay. Nhưng chỉ đến khi phải xử lý TSBĐ mới biết “không dễ chút nào” vì nhiều lý do, trong đó do phải trực tiếp “đụng chạm” đến vấn đề nhạy cảm là quyền tài sản và quyền nhân thân của chủ sở hữu tài sản và các qui định của pháp luật điều chỉnh có nhiều điểm không cụ thể”.

Thực tế, để thu hồi nợ, các ngân hàng hiện phổ biến áp dụng phương thức bán (trực tiếp hoặc ủy quyền) TSBĐ nhưng thường phải đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ, giúp đỡ vì không xử lý được tài sản theo các phương thức thỏa thuận. Nhiều ngân hàng đã rất thụ động và lúng túng vì không có thẩm quyền kê biên và  cưỡng chế khi bên vay chây ỳ, không bàn giao TSBĐ để xử lý thu hồi nợ…

Ngân hàng còn có thể dính “cạm bẫy pháp lý” từ quy định về những loại tài sản không được đem thế chấp như đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm nhưng vẫn có trường hợp được thế chấp nếu là đất thuê trước ngày 1/7/2004 và đã trả tiền thuê đất nhiều năm, thời hạn còn lại không ít hơn 5 năm.  Trong trường hợp này, nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng không thể xử lý TSBĐ là đất thuê, mà chỉ có thể xử lý tiền sử dụng đất trả trước cho Nhà nước và giá trị bồi hoàn, nếu có dù đây là diện “nợ khó đòi”…

Để TSBĐ thực sự “bảo đảm”

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định, đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng và sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn có nhiều khó khăn như hiện nay, có hướng dẫn cụ thể về những vấn đề trong xử lý TSBĐ không chỉ nhằm cụ thể các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, mà còn là một trong những giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu của các tổ chức tín dụng và tăng khả năng thanh khoản của TSBĐ.

Những vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn xử lý TSBĐ như giải quyết về quyền của bên nhận bảo đảm và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình tiếp cận, thu hồi TSBĐ; thủ tục xử lý TSBĐ, nhất là trong trường hợp không có sự phối hợp của bên bảo đảm (chủ sở hữu tài sản); các quy định về việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ cho người mua, người nhận chính TSBĐ... đã được “xử lý” bước đầu trong dự thảo Thông tư liên tịch mà Bộ Tư pháp đang chỉ trì soạn thảo. Tuy nhiên, để những giải pháp này đi vào thực tiễn vẫn cần có sự thống nhất của các cơ quan liên quan.

Huy Anh

Đọc thêm