Mo Mường trở thành Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ VH,TT&DL vừa công bố quyết định ghi danh Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập (Phú Thọ) là một trong 14 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chiêng Mường là một trong số những hoạt động của Mo Mường
Chiêng Mường là một trong số những hoạt động của Mo Mường

Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các lễ thức tín ngưỡng do thầy mo thực hiện. Theo quan niệm của dân tộc Mường, vai trò của thầy mo gắn liền với vòng đời của con người. Vai trò của thầy mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an. Nghề mo là nghề làm phúc, có tâm, có đức.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, di sản Mo Mường chỉ còn được bảo lưu trên địa bàn hai huyện Tân Sơn và Yên Lập với 18 người là thầy mo, ông mo. Các nghi lễ có tên gọi là mo tại địa phương, gồm: mo trong lễ tang, mo vía, mo cúng mụ, mo giải hạn, mo cầu thọ, mo cưới, mo làm nhà mới. Trong đó mo trong lễ tang ma là loại hình đặc sắc nhất.

Mo Mường tiêu biểu cho nền văn học tín ngưỡng với sử thi "Đẻ đất đẻ nước". Đó là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện tình yêu cuộc sống, con người, quê hương xứ sở. Nội dung Mo Mường với hàng chục nghìn câu thơ, câu văn vần, được sáng tác theo vần điệu, nghệ thuật và tuân thủ theo một nguyên tắc diễn xướng nhất định, truyền khẩu từ đời này sang đời khác, rất ít dân tộc bảo tồn được.

Di sản Mo Mường hiện có tại các tỉnh như: Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội.

Đọc thêm