Mở thế trận chiến tranh toàn dân, toàn diện

(PLO) - Đến đầu tháng 1/1947, cuộc tiến công của quân và dân ta vào các vị trí địch ở các thành phố bắc vĩ tuyến 16 đã trải qua nửa tháng. Đây là cuộc tiến công chiến lược được tiến hành theo một kế hoạch thống nhất. 
Tuy giờ nổ súng sớm, muộn khác nhau do thông tin liên lạc và công tác tổ chức hiệp đồng chiến lược còn ít kinh nghiệm, nhưng việc triển khai đánh địch ở tất cả các mặt trận dự kiến là một thành công lớn về lãnh đạo và chỉ huy chiến lược của Bộ Tổng chỉ huy. 
Pháp phải cấp tốc điều quân
Ta đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh. Âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp định đánh úp cơ quan đầu não của ta tại Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta ở các thành phố lớn bị thất bại hoàn toàn. Tướng Moóc-li-e bị cách chức, Chính phủ Pháp cũng đã tính đến việc thay Đác-giăng-li-ơ...
Một đội tuần tra Pháp đang vượt sông 
Trong tình hình đó, Chính phủ Pháp ra lệnh cấp tốc điều quân sang Đông Dương. Chuẩn bị cho lực lượng vũ trang ta bước vào cuộc chiến đấu mới, từ 12-16/1/1947, Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc tại Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Đông. Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp chủ trì. 
Hội nghị nhận định, bằng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, Pháp ra sức củng cố và mở rộng các vị trí chiếm đóng, đánh thông các trục đường giao thông chính, đánh phá cơ sở kháng chiến, áp dụng chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, địch đang bước sang giai đoạn phản công và tiến công ta.
Hội nghị phán đoán, có thêm viện binh, địch sẽ chiếm đóng và kiểm soát khu vực Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Ninh Bình-Phát Diệm, củng cố đường số 5, kiểm soát đường số 1, đường sông Hồng, phát triển mặt trận Sơn La, lập xứ Thái, củng cố xứ Nùng, nối liền Hà Nội với Sơn La, kiểm soát đường Hà Nội-Lạng Sơn; đổ bộ lên Đà Nẵng để có đủ lực lượng hành quân giải vây cho Huế, lập địa bàn Huế- Đà Nẵng và từ Sê Pôn (Lào) uy hiếp sau lưng ta, uy hiếp vùng biển Quảng Ngãi, Bình Định, Quy Nhơn và hoạt động ráo riết mặt An Khê, Đèo Cả, Đại Lãnh để kiềm chế chủ lực ta. 
Phát động chiến tranh du kích
Hội nghị hạ quyết tâm “cương quyết nắm lấy vai trò chủ động trên khắp các mặt trận” và đề ra ba nguyên tắc hành động: “... Tránh mũi dùi chủ lực của địch để bảo toàn chủ lực và duy trì sức chiến đấu của bộ đội; phát động du kích chiến tranh, phối hợp trận địa chiến với du kích chiến, phong toả không cho địch phát triển vị trí và tiến quân mau lẹ; tập trung lực lượng tiêu diệt từng phần lẻ của địch để chiếm giữ phần thắng lợi và tiêu hao lực lượng địch, động viên tất cả trong nước duy trì cuộc chiến đấu trường kỳ và tiêu hao cho tới khi chiếm được phần thắng lợi cuối cùng”.  
Theo tinh thần Hội nghị quân sự toàn quốc, một loạt vấn đề về quân sự, chính trị được triển khai nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến đặt ra. Từ 14-16/2/1947, Trung ương Quân ủy triệu tập hội nghị các chính trị ủy viên khu và chính trị viên trung đoàn. Đây là Hội nghị chính trị lần thứ nhất của quân đội ta. Đồng chí Võ Nguyên Giáp-Bí thư Trung ương Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Văn Tiến Dũng-Cục trưởng Cục Chính trị chủ trì hội nghị. 
Hội nghị xác định nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị lúc này là: “Nắm cho vững bộ đội, củng cố và mở rộng cơ sở đảng, thi hành cho được nhiệm vụ quân sự”. Hội nghị đề ra 12 điều kỉ luật dân vận, 10 nhiệm vụ công tác chính trị trong quân đội quốc gia, quyết định ra báo “Vệ quốc đoàn”.
Để phá các cuộc tiến công của Pháp, vấn đề đặt ra cấp thiết là xác định cách đánh thích hợp, nâng cao hiệu quả tác chiến trong những điều kiện chiến đấu mới, ngày 1/2, Tham mưu Cục ra huấn lệnh “du kích vận động chiến” chỉ rõ: “Trong cuộc chiến tranh này, để thắng địch, chiến thuật của ta phải là du kích vận động chiến”. 
Ngày 4/3, Thường vụ Trung ương ra chỉ thị về chống địch càn quét, nhắc nhở các địa phương đề phòng địch đánh lan rộng ra, có kế hoạch chống càn quét, tổ chức làng chiến đấu; bộ đội, tự vệ, dân quân phải tích cực bám địch, hết sức tránh bị địch bao vây; có biện pháp bảo vệ dân, chuẩn bị làm vườn không, nhà trống.
Về nhiệm vụ tiêu diệt địch, Hội nghị các khu trưởng tổ chức trong tháng 3 đã chỉ rõ: “Phải nhận rõ tiến công không phải chỉ để tiêu hao quân địch mà thường thường ngoài những trận tiêu hao, phải có những trận tiêu diệt, bắt tù binh, thu vũ khí, nghĩa là mình càng đánh, càng tăng cường lực lượng quân sự”.
Tiếp đó, ngày 6/3 Bộ Tổng chỉ huy ra huấn lệnh về sự cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến và nhắc nhở: “Phải dùng ngay chiến thuật du kích vận động chiến một cách bạo dạn. Phải tập trung bộ đội, củng cố tinh thần bộ đội, dùng lối hành binh rất nhanh chóng, rất bí mật mà đánh mạnh vào những chỗ địch tương đối yếu hay mới chiếm chưa củng cố, sau đó lập tức rút lực lượng đi đánh nơi khác. Tập trung chủ lực đánh những trận lớn, phân tán một số bộ đội để phối hợp với dân quân. Tổ chức những đội quân đánh chiến xa. Đôn đốc ngăn sông, phá đường, dựng chướng ngại”. 
Bộ đội ta trưởng thành
Cách đánh “du kích vận động chiến” của Bộ Tổng chỉ huy đề ra, quán triệt sâu sắc tinh thần tiến công, khắc phục lối phòng ngự bị động đơn thuần chỉ dựa vào công sự chặn địch. Với lối đánh này, ta có khả năng tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phát huy được thế chủ động, càng đánh càng mạnh. Đó là cách đánh phù hợp khi chiến sự đã lan rộng và bộ đội có bước trưởng thành.
Bộ đội ta trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947 
Ngày 8/3, Bộ Tổng chỉ huy điện cho Ủy ban kháng chiến Khu 2 và Khu 11, là những địa phương địch có thể đánh rộng ra, phải làm cho địch không yên ổn trong phạm vi chiếm đóng, buộc phải rút các vị trí lẻ, không dám đánh rộng ra; phải tăng cường công tác cản địch, phá hoại cầu cống, đường sá, đắp vật chướng ngại trên đê; tổ chức các đội vũ trang tuyên truyền mở rộng phong trào dân quân du kích, đưa các đội danh dự, cảm tử vào các đô thị tạm chiếm, phân tán một số bộ đội vào gần vùng địch tạm chiếm, giúp đỡ dân quân đánh giặc; có lực lượng cơ động sẵn sàng phục kích, tập kích địch, có bộ phận đánh tăng, xe cơ giới khiến cho địch đến đâu cũng bị đánh.
Từ tháng 1 đến tháng 3, có thêm viện binh, Bộ chỉ huy Pháp mở nhiều cuộc tiến công ở đồng bằng Bắc Bộ, đường số 5, Trung Trung bộ, Tây Bắc, Đông Bắc nhằm giải vây các thành phố, kiểm soát các đường giao thông, làm chủ vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải. Ở Trung bộ, chiến sự lan rộng ra các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình. Ở Tây Bắc và Đông Bắc Bắc bộ, cũng từ giữa tháng 1, địch ra sức tiến hành lấn chiếm, mở rộng phạm vi kiểm soát; âm mưu dựng lên xứ Thái tự trị và xứ Nùng tự trị.
Từ tháng 3, có quân tăng viện, Bộ chỉ huy Pháp ráo riết chuẩn bị mở các cuộc hành quân nhằm mở rộng khu vực kiểm soát xung quanh Hà Nội, thọc vào hậu phương Chiến khu 2, tìm cách chụp bắt cơ quan đầu não, đánh tan bộ máy kháng chiến, dồn dân tản cư về thành phố, giải vây và đánh chiếm Nam Định, gây ảnh hưởng chính trị cho phái hiếu chiến trong Quốc hội Pháp, đè bẹp tinh thần kháng chiến của quân và dân ta.
Chiến đấu dũng cảm
Từ tháng 4 đến tháng 8, các chiến trường đẩy mạnh chống địch càn quét và đánh giao thông. Ở Bắc bộ, Tiểu đoàn 60 - Khu 2 phá chiến dịch đường số 6 của địch. Quân và dân Cự Nộm, Quảng Bình đánh bại cuộc càn lớn của địch, được tuyên dương là làng chiến đấu kiểu mẫu. Ở Trung bộ, Trung đoàn 81 phục kích diệt 40 tên địch tại Suối Ván, tiếp đó diệt 4 xe quân sự, 35 tên địch tại Lăng Ông. Tiểu đoàn 193, Trung đoàn 108 diệt một đoàn xe quân sự, thu nhiều vũ khí tại đèo Hải Vân. Trung đoàn 82 phá huỷ 3 xe vận tải quân sự, diệt 40 tên địch, thu toàn bộ vũ khí tại cầu Ái Lâm. 
Ở Nam bộ, Vệ quốc đoàn Khu 8 phục kích phá hàng chục xe quân sự, diệt hàng trăm tên địch tại Giồng Dừa (Mỹ Tho), Vệ quốc đoàn Khu 9 diệt 6 xe vận tải, hơn 100 tên địch, thu nhiều vũ khí tại Tầm Vu. Chi đội 10 tiến công đoàn xe lửa địch tại Bầu Cá (Biên Hoà - Phan Thiết) diệt 200 tên, thu 60 súng các loại. Chi đội 16 chống càn diệt 1 đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí tại An Nhơn Tây (Gia Định). 
Đặc biệt, hoạt động quân sự của bộ đội ta trong thời gian này là hai trận đánh vào thị xã Hà Đông và  thành phố Hải Phòng. Trong trận Hà Đông ngày 20/3, ta tiêu diệt và làm bị thương khoảng 80 tên, phá huỷ nhiều vũ khí, quân trang quân dụng của địch. Đại đội trưởng Nguyễn Hải Đăng -Tiểu đoàn 56, chỉ huy đơn vị tiến công quân địch ở nhà thờ, chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt. 
Trận Hải Phòng, ta đã sử dụng 10 đại đội vượt sông Lạch Chay, phối hợp với cơ sở nội thành tiến công sở dầu, sở đoan, nhà máy xi măng, xưởng dệt thảm, sân bay Cát Bi, đốt cháy kho bom ở sân bay, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Qua các trận đánh trên, bộ đội ta được rèn luyện tiến bộ trong cách đánh du kích vận động chiến.
Quân dân vùng sau lưng địch cũng nổi dậy bao vây, tiêu diệt đồn bốt, phá tề, đánh phá giao thông, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích... Các lực lượng vũ trang ta hoạt động mạnh ở Tây Nguyên, phát động quần chúng xây dựng cơ sở, đánh địch ở nhiều nơi, quấy rối thị trấn An Khê... Quyết không hợp tác với giặc, đồng bào các dân tộc khắp các buôn làng tổ chức cắm chông, gài thò, đánh tỉa lực lượng địch đi càn...
Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị quân sự và Hội nghị chính trị viên lần thứ nhất cùng các chỉ thị, huấn lệnh về cách đánh và xây dựng lực lượng vũ trang của Bộ Tổng chỉ huy phản ánh sự chỉ đạo chiến tranh của Đảng rất kịp thời, chính xác nhằm phá các cuộc tiến công mới của địch, không cho địch phát triển vị trí và tiến quân mau lẹ, đồng thời giữ gìn lực lượng ta, duy trì kháng chiến lâu dài…

Đọc thêm