Mối ân tình phía sau người phụ nữ

(PLVN) - Chúng ta đều nghe quen câu nói: “Phía sau người đàn ông thành công có bóng dáng một người phụ nữ”. Còn sau lưng người phụ nữ là ai, là cái gì, có quá nhiều đáp án cho câu trả lời này. 
Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến
Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến

Với hai người phụ nữ vừa nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội LHPNVN 20/10 thì đó là những người đàn ông, người chồng luôn mang trong mình cả một bầu trời yêu thương và ủng hộ vợ. Những giọt nước mắt cảm động, biết ơn đã lấp lánh trên khóe mắt người phụ nữ khi họ nhắc đến sự hậu thuẫn mà họ nhận được từ người chồng của mình.

Thấu hiểu và chia sẻ cùng vợ

Năm 2015, một đường dây mua bán sản xuất thực phẩm chức năng giả đã bị lực lượng công an phanh phui với hàng triệu sản phẩm giả mạo đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Địa bàn hoạt động của đường dây này rất rộng, bao phủ nhiều tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An… 

Để phá án, các chiến sĩ công an đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, đóng giả xâm nhập. Kể về thời gian này, Trung tá - Tiến sĩ Vũ Thị Hoàng Yến - Đội trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết, các nữ chiến sĩ công an đã có một thời gian dài đóng giả người bán hàng ăn, hàng cà phê quanh khu vực mà đường dây mua bán thực phẩm chức năng giả hoạt động, để theo dõi. 

“Quá trình đánh án mình cũng phải hòa nhập với chiến sĩ nam, không được than vãn làm phiền đồng đội dù rất khổ cực. Các chiến sĩ nam tiếp cận khoa học công nghệ mau nhưng mình cũng không được thua kém vì nhiệm vụ là nhiệm vụ chung và tội phạm về môi trường tinh vi hơn nhiều dạng tội phạm khác. Lòng dũng cảm phải đi đôi với sự am hiểu công việc bằng tất cả đam mê và lý tưởng” – Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến cho biết.

Ở một chiều cạnh khác, giọng nói vốn rất to, vang của người nữ chiến sĩ công an này lại trùng xuống khi nhắc đến gia đình. Mắt hoe đỏ, chị kể: “Chồng tôi không cùng nghề, anh ấy là giảng viên một trường nghệ thuật. Một công việc rất mềm mại so với công việc của vợ, nhưng anh ấy hơn ai hết luôn thấu hiểu và chia sẻ với vợ”.

Trong thời gian phá án đường dây mua bán sản xuất thực phẩm chức năng giả, chị Hoàng Yến cho biết, bên cạnh công việc, điều suy nghĩ, trăn trở nhất của chị là gia đình: “Phụ nữ làm những công việc đòi hỏi nhiều sự hy sinh về sức lực, thời gian luôn phải đấu tranh với chính mình khi nghĩ đến gia đình và sự nghiệp. Trong nghề của mình tôi đã có những chuyên án đi đến 3 tháng không hề ghé về nhà, dù có khi chỉ ở cách nhà hơn hai chục cây số. Nhớ gia đình, nhớ con nhưng mình không thể tự cho phép mình về, vì làm như thế là lỡ dở công việc, lãng phí công sức của đồng đội”.

Gần đến ngày kết thúc chuyên án, bắt giữ đối tượng phạm pháp thì Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến và một đồng đội nữ khác được tin con mình bị sốt xuất huyết phải nằm viện. Gọi điện cho chồng, chồng chị dặn vợ cứ yên tâm làm việc, ở nhà bố con tự lo được.

Gọi điện cho đứa con 8 tuổi, nghe con nói: “Mẹ ơi, mẹ cứ đi làm đi, mẹ làm việc vì mọi người mà, ở nhà đã có bố và con cũng lớn rồi, tự lực được”, chị phải ghìm mình lại để con không nghe thấy tiếng khóc của mẹ. Xong cuộc điện thoại, hai người phụ nữ gan góc là thế mà ôm nhau khóc. 

Sau đó 3 ngày đường dây mua bán sản xuất thực phẩm chức năng giả (Chuyên án 115.T và Chuyên án 515T) thành công,  đối tượng có hành vi buôn bán gần 30 tấn thực phẩm chức năng giả đã bị bắt giữ. Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến được được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công xuất sắc hạng ba.

Thành công hôm nay có công sức của chồng

Chị Đỗ Thị Toan là một trong 10 phụ nữ được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019, nhìn chị, ít ai tin rằng người phụ nữ mảnh dẻ ấy lại là một người ngày đêm mày mò nghiên cứu, đam mê sáng kiến sáng tạo cải tiến kỹ thuật.

Làm việc tại là Phòng Vật tư Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, chị là người liên tục đưa ra những sáng kiến làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng mỗi năm và nhờ thành tích này cũng trong năm 2019 chị đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho chị Đỗ Thị Toan
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho chị Đỗ Thị Toan

Nói về những ngày “lăn lộn” ăn ngủ với sáng kiến, chị Toan không khỏi tự hào. Chị cho biết, sáng kiến đầu tiên của chị là “Giải pháp cải tiến cho hệ thống cân điện tử”. Qua thực tế làm việc, chị Toan nhận thấy,  cân điện tử do con người vận hành cũng có những sai sót nhất định, nếu nhầm lẫn cũng có thể gây thiệt hại cho công ty, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Vì vậy cải tiến hệ thống cân điện tử là vô cùng cần thiết.  Sau nhiều ngày đêm mày mò, thử, rồi kiểm tra kết quả, cuối cùng sáng kiến của chị cũng cho ra kết quả khả thi, loại bỏ được sai sót của nhân viên vận hành. Khi kết thúc phiếu xuất nhập giữa chừng không còn xuất hiện tình trạng phần lượng hàng xuất, nhập.

Sáng kiến này áp dụng cho phần mềm cân băng và cả phần mềm xuất xi măng bao. Sau sáng kiến đầu là liên tiếp các sáng kiến thứ hai, thứ ba…, làm lợi cho công ty hơn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Say sưa kể về các sáng kiến, chị nhớ lại những ngày hoạt động vận hành có sự cố chị phải ở lại giải quyết nên về muộn. “Thường thì phụ nữ khi vắng nhà rất lo việc nhà không ai cáng đáng, nhưng tôi may mắn có chỗ dựa tinh thần, sự hậu thuẫn từ hậu phương vững chắc. Ông xã rất thương yêu, giúp đỡ vợ, động viên vợ tham gia các hoạt động, phong trào ở trong công ty, chia sẻ về những vất vả của vợ, luôn tạo điều kiện.

Tôi cảm thấy hạnh phúc vì có người chồng yêu thương mình và biết chăm sóc gia đình, con cái như anh ấy. Nếu tôi phải giải quyết sự cố nên về muộn, ông xã luôn hiểu và thông cảm, chia sẻ việc nhà. Bởi vậy, dù có bất cứ khó khăn gì tôi cũng đều chia sẻ với chồng. Thành công của tôi ngày hôm nay không chỉ dựa vào nỗ lực của bản thân mà chồng tôi là động lực, là nguồn động viên lớn để tôi yên tâm công tác, phấn đấu” - chị Toan hạnh phúc chia sẻ.

Sẻ chia qua những điều bình thường nhất

Qua câu chuyện của hai người phụ nữ, có thể thấy cuộc sống gia đình cần lắm sự chia sẻ, cảm thông động viên, khích lệ. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, đóng cửa tâm hồn, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà.

Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc. Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thì sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói.

Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn… Thế nên, nói về một bữa cơm gia đình đầm ấm sẻ chia, một nhà thơ đã viết: “Cơm ai xới hạt dẻo mềm/Câu mời mát ngọt lời em đượm tình/Miếng ngon anh gắp cho mình/Chứa chan chồng vợ lung linh mắt cười…”.

Đọc thêm